01. Võ Trụ Quan
02. Ngũ Uẩn
03. Lục Căn
04. Thập Nhị Nhơn Duyên
05. Bát Chánh Đạo
06. Có và Không
07. Sanh và Tử
08. Nam và Nữ
09. Chánh Đẳng Chánh Giác
10. Công Lý Võ Trụ
11. Khất Sĩ
12. Y Bát Chơn Truyền
13. Ăn Chay
14. Nhập Định
15. Bài Học Cư Sĩ
16. Cư Sĩ
17. Tâm
18. Tánh Thuỷ
19. Học Chơn Lý
20. Trên mặt nước
21. Chánh Pháp
22. Chánh kiến
23. Tam Giáo
24. Tông giáo
25. Thần Mật
26. Giác Ngộ
27. Khuyến tu
28. Đi tu
29. Ăn và Sống
30. Chư Phật
31. Hột giống
32. Sợ tội lỗi
33. Trường Đạo Lý
34. Nguồn Đạo Lý
35. Con Sư Tử
36. Đi học
37. Đời Đạo Đức
38. Đại Thừa Giáo
39. Xứ Thiên Đường
40. Vị Hung Thần
41. Phật Tánh
LỜI GIỚI THIỆU
Phật giáo miền Nam Việt Nam trong những thập niên 30 – 40 thế kỷ XX đã chứng kiến một giai đoạn khởi sắc với sự hình thành và phát triển của các dòng truyền thừa, sự xuất hiện của các bậc cao Tăng đạo hạnh, chơn tu giải thoát, trong đó có nhà “Du Tăng Khất Sĩ” ở Việt Nam.
Dòng truyền thừa này do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng với tâm nguyện nối truyền theo chánh giáo của Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sanh năm 1923, con của cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà Phạm Thị Nhàn, sinh trưởng tại tỉnh Vĩnh Long – miền Nam nước Việt. Thuở thiếu thời, bẩm thụ được nền đạo đức kính Phật trọng Nho. Đến năm 1942 Tổ xuất gia tầm đạo, chu du nhiều nơi, tham vấn rộng khắp.
Trải qua thời gian nghiên cứu và thực nghiệm, Tổ chứng đạt đạo mầu, tỏ thông con đường giải thoát. Ngài đứng ra dung hợp những phần tinh túy đặc sắc giữa hai phái Nam tông và Bắc tông Phật giáo, thực hành theo đường lối Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
Trên tinh thần dung hợp đó, đức Tổ sư phát nguyện hoằng dương chánh pháp trong nước, truyền bá sang các nước lân cận cùng khắp thế giới theo nguyện lực tự giác giác tha của chư Phật.
Tổ sư dạy: Khất sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ ăn học. Đi xin để giáo hóa chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi, sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí huệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ. Có đi xin ăn học mới là thiện, kẻ không đi xin thất học là không thiện. Người đi xin ăn học quý hơn là kẻ ở học một chỗ, học có người nuôi, thiện hơn là người tự nói làm ác quấy để ăn học. Có đi xin mới học được chơn lý, là môn học quý nhứt, hơn các lối học khác mênh mông. Chỉ có chơn lý mới là đường đi ngay, mới tạo nên người thật học, được học đúng đắn vĩnh viễn (Chơn lý “Khất sĩ”).
Đức Tổ sư theo tông chỉ đó mà thực hành giáo lý Y bát chơn truyền, hiện thân Du Tăng Khất Sĩ ở miền Nam Việt Nam. Dấu chân hoằng hóa của Ngài khởi đầu tại làng Phú Mỹ – Định Tường (nay là Tiền Giang), sau đó lên Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, rồi lần lượt các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Tổ sư hoằng hóa đến địa phương nào thì nơi đó đạo tràng, tịnh xá được xây dựng với bóng dáng hiền hòa của những nhà sư Khất sĩ trong chiếc y vàng của truyền thống xa xưa. Nhà Du Tăng Khất Sĩ hoằng hóa đến đâu thì nơi đó mưa Pháp xối chan, người người quy kính, thấm dần đạo lý giải thoát cao siêu, nhân sinh thêm an vui lợi lạc. Lối tu tịnh hạnh giải thoát của Tăng đoàn Khất sĩ được giới Tăng đồ và thiện hữu tri thức kính phục tán thành, quy hướng và hết lòng phụng sự, nâng cao chân tinh thần Phật giáo.
Thôi thúc bởi bổn nguyện độ sanh không bờ bến, bởi tấm lòng từ ái vô biên tế, Tổ sư tận lực hoằng hóa, không một ngày dừng bước, không một phút xao lãng. Khi thì trì bình khất thực thân giáo nêu gương, khi thì dạy đạo cho chư đệ tử Tăng Ni giải thoát, khi thì thuyết pháp khuyến tu cho bá tánh cư gia sống đời hiền thiện. Để ghi đậm nét những lời đạo đức cao quý vào tâm trí đồ chúng, Tổ sư đã tự thân viết tóm gọn lại những bài thuyết giảng rồi cho in ra ấn tống. Nhờ vậy nguồn đạo pháp khai mở, chẳng bao lâu mà bóng y vàng lan tỏa, già lam tịnh xá phủ bóng nhiều nơi.
Ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (PL. 2497 – DL. 1954), một nhóm người ngoại đạo bắt Ngài đem đi biệt tích. Vượt lên trên nỗi đau buồn, đệ tử Tăng Ni Khất sĩ khắc ghi, phụng hành những lời Ngài dạy, nghiêm trì giới luật qui điều, tinh tấn tu tập theo chí hướng đường lối mà Ngài đã khai mở. Nhờ vậy mà giáo lý Y bát Khất sĩ tiếp tục phát huy và lan tỏa nhiều nơi.
Bộ Chơn lý do Tổ sư biên soạn được hầu hết các bậc trí thức khi nhận ra giá trị đều nói rằng đây là kho Pháp bảo quý báu vô giá trong vũ trụ. Nay đức Ngài có chìa khóa và đã mở được cửa, và chính những quyển Chơn lý triết lý này là những vật báu trong kho báu ấy.
Đáng tiếc một điều là các nhà thức giả khó tìm ra trọn bộ Chơn lý để tiện bề khảo cứu những gì ẩn tàng sâu xa trong những lời mà đức Tổ sư đã khai thị và ghi lại. Tuy từ ngày đức Tổ sư vắng bóng đến nay, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ tổ chức tái bản nhiều lần để ấn tống, nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều nhà thiện tâm trí thức các nơi trực tiếp đến hoặc viết thư thiết tha yêu cầu Giáo hội tái bản lại trọn bộ, tạo điều kiện cho quý vị được thỉnh về nghiên cứu tu học.
Theo tôi, bộ Chơn lý này có giá trị rất lớn, vì nó là then chốt mở cửa kho trí tuệ vô cùng tận, gồm có đủ tâm thức, lý sự, nội ngoại, trần duyên, chân giả… thật là ánh minh quang chánh đại, một tinh thần siêu xuất với lý chơn không rốt ráo và giải thoát cứu cánh hoàn toàn. Cũng có thể nói rằng bộ Chơn lý là kho tàng gia bảo quý báu vô giá, là kim chỉ nam cho kẻ đi biển, là bức họa đồ cho kẻ lạc rừng.
Nhân tiện hôm nay ngày mùng 1 tháng 2 – Đại lễ Tưởng niệm 18 năm vắng bóng đức Tổ sư Minh Đăng Quang, chúng tôi hàng đệ tử của Ngài muốn bảo tồn những kim ngôn ngọc ngữ mà Ngài truyền dạy, nên ra công kết tập những bài Chơn lý lại thành trọn bộ, chữ to rõ ràng, bìa cứng chắc, đẹp, để gìn giữ về sau không thất lạc.
Tôi xin thành thật tán thán và cảm tạ tri ân quý Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni trong Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam cùng các nhà thiện tâm Phật tử bốn phương đã và đang tận tâm tận tình cổ động, ủng hộ giúp đỡ việc in kinh ấn tống ‘Ban hành pháp thí’, truyền bá đạo đức, nhờ vậy mà từ trước đến nay pháp sự in kinh ấn tống liên tục phát triển, quảng bá hạt giống từ bi trí tuệ, góp phần lợi lạc cho nhơn sinh xã hội.
Đối với công đức vô lượng vô biên này, chúng tôi vận tâm thù thắng hồi hướng cầu nguyện cho thân quyến, Cửu huyền Thất tổ của quí vị ân nhân, cùng tất cả chúng sanh trong mười phương ba cõi, kẻ âm siêu thoát, người sống bằng an, phước huệ vẹn toàn, quả vô thượng Bồ-đề sớm mau chứng đắc.
Xuân Tân Hợi, Phật lịch 2515 (1971)
TM. HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM GIÁO HỘI TĂNG GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
Hòa thượng Pháp sư GIÁC NHIÊN
LỜI CẨN BẠCH
(Nhân kỳ in lại bộ Chơn lý vào năm Giáp Ngọ – 2014)
Kính bạch chư Tôn Thiền đức Tăng Ni,
Thưa quý Phật tử,
Chơn lý là bộ sách giáo lý ghi lại những bài thuyết pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang giảng dạy hoằng hóa trong suốt mười năm (1944-1954) hành đạo nhiều nơi tại các tỉnh thành thuộc hai miền Đông và Tây Nam bộ Việt Nam. Đến ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954) Tổ sư thọ nạn và vắng bóng. Kể từ đó bộ Chơn lý là hiện thân, là dấu ấn, là pháp bảo cao quý mà Tổ sư lưu lại cho hàng môn đồ tứ chúng đệ tử hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.
Trong thập niên 1950-1960, những bài pháp này được in từng tập nhỏ theo từng đề tài để dễ thực hiện và phổ biến rộng rãi cho bá tánh đọc xem tu học như các quyển: Bát chánh đạo, Nhập định, Ăn chay, Giác ngộ, Sợ tội lỗi, Sám hối, Bài học cư sĩ…
Đến năm 1961, lần đầu tiên Pháp sư Giác Nhiên cùng chư Tôn thiền đức đại đệ tử của Tổ sư cho kết tập toàn bộ và ấn tống với tựa đề là Chơn lý.
Bộ Chơn lý gồm có tất cả 69 tiểu luận. Mỗi tiểu luận Tổ sư giảng giải, trình bày về một vấn đề, một ý pháp liên hệ. Điểm nổi bật là dù đề cập đến đề tài nào, Tổ sư cũng không tách rời mục tiêu khai thị hướng dẫn học nhơn tu tập theo đúng chánh pháp như trong tam tạng giáo điển kinh-luật-luận của đức Phật dạy. Điều này cho chúng ta thấy nếu không có tâm nguyện, ý chí và trí tuệ của một vị Tổ sư với sứ mạng khai lập một hệ phái thì chắc chắn khó có thể làm được.
Trong bối cảnh của thập niên 1940-1950, Phật giáo Việt Nam đang trong thời kỳ từng bước chuyển mình chấn hưng, Tổ sư đã thích nghi vận dụng kết hợp hài hòa hai truyền thống lâu đời của Phật giáo và những đặc thù trong cơ cảm của người dân Việt mà hình thành một hệ tư tưởng với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, xây dựng một hệ Phật giáo biệt truyền, mang phong cách thuần hòa của dân tộc.
Về hình thức kiến trúc và thờ phượng, Tổ sư chủ trương xây dựng ngôi đạo tràng tịnh xá với mô hình bát giác. Bên trong Chánh điện chỉ tôn trí thờ một bảo tượng duy nhất là đức Phật Thích-ca Mâu-ni trên bảo tháp tam cấp.
Trong các thời khóa thường nhật, Tăng Ni tín đồ tụng đọc, học tập kinh luật bằng tiếng Việt, nhằm truyền bá chánh pháp một cách sâu rộng đến với quảng đại quần chúng.
Nội dung bộ Chơn lý cho chúng ta thấy, kinh điển thời bấy giờ phần nhiều còn nguyên chữ Phạn hoặc chữ Hán, hơn nữa thời gian tìm đọc nghiên cứu của Tổ sư cũng không lâu, thế mà Tổ sư đã có thể hình thành và hệ thống lại một số phạm trù căn bản, nhằm giới thiệu nền tảng tư tưởng của giáo lý đạo Phật đến với mọi tầng lớp xã hội.
Bộ Chơn lý có thể được chia thành các chủ đề chính sau:
– Về quan niệm nguồn gốc vũ trụ, nhận thức về thiên nhiên và con người trong mối liên hệ với giáo lý đạo Phật, có các quyển như: Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Có và không, Sanh và tử, Nam và nữ…
– Về các pháp môn, phương pháp tu tập hầu đạt đến thân chứng và thành tựu quả vị có các quyển: Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Y bát chơn truyền, Chánh pháp, Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chư Phật, Pháp chánh giác…
– Về các tông phái và tư tưởng Đại thừa phát triển có các quyển: Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa, Phật tánh, Chơn như…
– V ề tư tưởng, hành động và nhân quả chúng ta có các quyển: Công lý võ trụ, Giác ngộ, Khuyến tu, Đi tu, Tu và nghiệp, Ăn và sống, Hột giống, Sợ tội lỗi, Con sư tử, Sám hối…
– Về đời sống đạo đức hay mô hình một xã hội an lành, hạnh phúc có các quyển: Trường đạo lý, Nguồn đạo lý, Đời đạo đức, Xứ thiên đường…
– Về bài học căn bản dành cho cư sĩ có các quyển: Cư sĩ, Bài học cư sĩ, Pháp học cư sĩ…
– Về giới luật và những pháp học căn bản cho Tăng Ni xuất gia Khất sĩ có các quyển: Bài học Khất sĩ, Luật Khất sĩ, Bài học Sa-di, Pháp học Sa-di I (Kệ giới), Pháp học Sa-di II (Diệt lòng ham muốn), Pháp học Sa-di III (Pháp vi tế), Giới Phật tử (Bồ-tát giới), Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni.
Bộ Chơn lý in lại kỳ này giống như ấn bản năm Quý Dậu – 1993 được chia ra làm hai phần:
– Phần Giáo lý gồm có 60 bài liên hệ nhiều về kinh luận, được ghi theo thứ tự ở phần mục lục từ số 1 đến số 60. Phần này dành cho người đọc phổ thông, Tăng Ni và Phật tử đều có thể đọc xem, nghiên cứu tu học.
– Phần Giới luật và Pháp học căn bản của giới Tăng Ni xuất gia gồm có 9 quyển (như đã nêu trên) cộng thêm quyển 114 điều luật nghi mà Tổ sư ban hành, được in thành một quyển riêng với tựa là Chơn lý – Luật nghi Khất sĩ (Riêng giới xuất gia). Phần này chủ yếu dành cho Tăng Ni xuất gia học tập và hành trì.
Chính vì tách phần giới luật của người xuất gia ra thành một tập riêng, nên số thứ tự của các quyển trong Chơn lý cũng bị xê dịch theo. Để cho độc giả tiện tham cứu các ấn bản xưa và nay trong nghiên cứu, chúng tôi cho làm bảng mục lục đối chiếu giữa số cũ và số mới trong phần cuối.
Kính bạch chư Tôn đức,
Như chúng ta biết, đức Phật dạy hãy thừa tự Pháp bảo, hơn là thừa tự tài vật. Đối với người con Phật, Pháp bảo chính là nguồn tài sản cao quý hơn mọi thứ tài sản trên đời. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Thánh Hạnh, đức Phật cũng đã dạy: “Tại sao được gọi là Thánh nhơn? Được gọi là Thánh nhơn vì những bậc này thường hành Thánh hạnh và có bảy thứ tài sản của bậc thánh là: Tín, giới, tàm, quí, đa văn, trí huệ và xả ly”.
Do đó, những người con Phật xuất gia và tại gia, chúng ta hãy luôn tinh tấn tu học với tâm lực và chí nguyện tha thiết tầm cầu, để giới thân huệ mạng luôn được tăng trưởng trong giáo pháp với phương châm mà Tổ sư hằng khuyến hóa:
“Nên tập sống chung tu học: Cái sống là phải sống chung Cái biết là phải học chung Cái linh là phải tu chung”.
Hướng tới Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư Tôn đức Giáo phẩm trong 6 giáo đoàn cùng nhau chuẩn định bản in mới này, dựa trên nền tảng những ấn bản xưa nhất khi Chơn lý còn là những quyển mỏng, in rời. Như vậy, đây là một công trình mang tính tập thể hiệp hòa, thể hiện tinh thần hợp nhất thân thiết giữa các giáo đoàn, đánh dấu một bước phát triển mới của Hệ phái về phương diện văn hóa học thuật với ý thức giữ gìn những nét đặc thù trong phong cách vận dụng ngôn ngữ và trong hình thái tư duy của Tổ sư Minh Đăng Quang.
Mong rằng tư tưởng, ý pháp của Tổ sư thể hiện trong bộ Chơn lý nương vào duyên lành sẽ ít nhiều góp phần soi sáng con đường dẫn đến Chánh pháp, đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của mỗi người con Phật thiện duyên.
Xuân Giáp Ngọ, PL. 2557 – DL. 2014 TM. Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Cẩn bạch,
Sa-môn GIÁC TOÀN