Thích Giác Toàn
Cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Pháp sư là biểu tượng của sự tinh cần tu tập, dấn thân hành đạo, thuyết pháp độ sanh. Sự giã từ huyễn thân tứ đại, cao đăng Phật quốc của Ngài là điều tất yếu, nhưng đã để lại cho hàng pháp tử, môn đồ đệ tử trong nước và hải ngoại niềm kính thương vô hạn.
LƯỢC SỬ
I. THÂN THẾ THỜI NIÊN THIẾU
Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, thế danh Nguyễn Văn Ất, tự Thành Được, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1923 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thuộc miền Tây Nam Bộ.
Ngài là người con út trong gia đình có 5 anh chị em. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Huờn, pháp danh Thiện Đức; thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Sang, pháp danh Phước Ngọc, một gia đình có nề nếp lễ giáo, thuần hậu, hiền lương.
Thuở nhỏ vừa lên 8 tuổi, thân phụ qua đời, Ngài được thân mẫu dẫn dắt về chùa lễ Phật, cầu thọ quy y Tam Bảo và được Tôn sư Minh Trí ban cho pháp danh Minh Châu. Ngài rất hiếu học và nhờ căn tánh thông minh nên ưa thích tìm đọc các sách truyện viết về các bậc thánh hiền, danh nhân kim cổ.
Năm lên 16 tuổi (1939), Ngài được gặp Hòa thượng Thích Minh Phụng, cầu học giáo pháp, tu tập và được Hòa thượng ban cho pháp danh Tánh Chơn, hiệu Minh Tâm. Từ đó, đạo tâm hướng Phật mỗi ngày mỗi thêm tăng trưởng.
II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA TU TẬP
Đầu năm 1952, pháp duyên hội tụ, Hòa thượng được diện kiến Tổ sư Minh Đăng Quang đang vận chuyển bánh xe pháp, thực hành Tứ y pháp Trung đạo với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” ngang qua vùng miền Tây sông nước Cần Thơ, Ô Môn… Sau khi lắng nghe diệu pháp chơn lý từ Tổ sư, Hòa thượng bừng ngộ, chí thành đảnh lễ Tổ sư, cầu xin xuất gia và được Tổ sư thâu nhận đặt pháp danh là Giác Nhiên.