Thân người khó được
Phật pháp khó nghe
Thật may mắn và thật hạnh phúc khi chúng con có được thân người và được trở thành Phật tử. Chúng con có cơ hội được thấy, được nghe, học hỏi, thực hành những lời Phật dạy và cảm nhận được nhiều an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Riêng bản thân mình, con đã không có cơ hội nhận được những điều tuyệt vời ấy nếu không có ba mẹ, chư Tăng Ni, những ngôi chùa và những đạo tràng ở đất Úc. Australia, nơi mà Phật giáo chưa phải là tôn giáo chính, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam chỉ mới du nhập vào mảnh đất này mấy chục năm nay.
Tuy vậy, những người con Phật Việt Nam rất may mắn vì đã có những vị tôn túc, những bậc chân tu luôn hết lòng vì đạo. Dù đến đâu, làm gì, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào họ vẫn luôn đặt sở nguyện “hoằng truyền Thích Ca chánh pháp” lên hàng đầu. Nhờ vậy mà cộng đồng người Việt ở Úc tuy không lớn lắm nhưng chùa, tự viện, thiền viện, đạo tràng có mặt gần như ở mọi thành phố mà người Việt sinh sống tập trung. Với chí nguyện lớn và sự dấn thân hết mình, Hòa Thượng Thích Minh Hiếu đã không quản khó khăn, nhọc nhằn, đã cùng chư vị Tăng Ni, Phật tử dày công gầy dựng và phát triển Thiền Viện Minh Quang (TVMQ) và đạo tràng Minh Quang được như hôm nay. Con đã nhiều lần tự hỏi: nếu không có quý vị Tăng Ni, không có các vị hộ pháp (Phật tử) thì đã không có Phật giáo Việt Nam ở Úc. Nếu không có Phật giáo Việt Nam ở Úc thì có lẽ, không bao giờ con có thể trở thành một Phật tử “thực sự” từ một Phật tử “hữu danh vô thực”. Vì sao con nói như thế?
Vì con đã được “danh” Phật tử từ khi 17 tuổi. Khi đó Phật Pháp với con thật “xa” dù con đã quy y Tam Bảo, đã phát tâm giữ gìn ngũ giới. Với con ngày ấy, ngũ giới Phật truyền cũng “giống giống” như những gì ba mẹ đã dạy con mười mấy năm qua. Vậy thì, lời Phật dạy cũng “bình thường” thôi. Con đã suy nghĩ hời hợt và nông cạn như vậy, không hề nhận ra được sự may mắn và hạnh phúc mình đang có.
Có lẽ, con đã mãi “có phúc mà không biết hưởng” giống như bao vị Phật tử “hữu danh vô thực” khác nếu không có ba mẹ. Ba mẹ con là hai bậc thiện tri thức rất lớn của con trên con đường đạo. Ba mẹ đã là người đầu khai đường, vạch lối, mở cánh cửa vào đạo cho con.
Nhân duyên đưa con đến với đạo là sự tò mò. Con thắc mắc tại sao ba mẹ thích đi chùa, nghe Pháp? Lời Phật dạy có gì đặc biệt sao ba mẹ khen nhiều và tâm đắc đến như vậy? Ba mẹ con đã học gì, hiểu gì qua các bài Pháp thoại mà lại có nhiều chuyển đổi tích cực và tinh tấn như vậy? Hình ảnh ngày ngày ba mẹ tinh tấn công phu cùng những thay đổi trong suy nghĩ của ba mẹ thật sự là một động lực thúc đẩy rất lớn khiến con tìm hiểu về đạo Phật.
Con nhớ lần đầu tiên con đi chùa (không phải vì bị ép hoặc chiều lòng gia đình), con đã đến TVMQ. Cảm nhận trước nhất là chùa đẹp, Phật đẹp, khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh và đặc biệt là rất bình an. Con ra về với những ấn tượng ấy. Nhưng tất cả những điều đó chỉ mới là vỏ bọc ở bên ngoài, chưa phải là ý nghĩa cốt lõi của ngôi chùa. Nếu không có đạo tràng để những người con Phật thực hành lời Phật dạy thì “chùa to, Phật lớn” chỉ mãi là những danh lam, thắng cảnh để thỏa mãn thị giác và lòng hiếu kỳ của con người. Ngôi chùa nên là nơi mà mọi người có thể học, thực hành và phát triển đời sống tâm linh của họ. Hòa Thượng Viện chủ cùng chư Tăng Ni và Phật tử tại TVMQ đã làm được điều đó. Để những người con Phật có cơ hội học và hành từ những buổi giảng Pháp, tụng kinh hằng đêm đến khóa tu tịnh nghiệp một ngày, lớp thiền và pháp lạy sám hối.
Với sự tò mò, con tập tành nghe Pháp. Nghe quý Thầy, Sư Cô giảng pháp con cũng thấy hay, thấy hợp lý nhưng nghe rồi lại quên. Nghe thì biết, thì hiểu nhưng không cảm thấy mình cần thực hành, cần áp dụng vào cuộc sống. Những lời Phật dạy sẽ giống như những “lời hay ý đẹp” nếu mình chỉ nghe, đọc, gật gù khen hay rồi lại cho nó vào quên lãng. Học Phật, nghe Pháp nhưng không suy gẫm, không thực hành thì mình chỉ như đãi đựng sách – thật sự không mang lại nhiều lợi ích. Đó là con của những ngày đầu khi tìm hiểu về đạo. Con vẫn sẽ để mình cuốn theo cuộc sống hằng ngày của học tập, làm việc và hưởng thụ. Có lẽ thái độ học Phật của con đã không có nhiều thay đổi nếu không có một ngày con đến TVMQ và được lạy sám hối cùng đại chúng. Đạo tràng sám hối tại Thiền Viện là một trong hai nguyên do chính khiến cho một người trẻ vốn ham vui, thích điều lạ như con thay đổi. Nguyên do con lại không thể khác hơn, đó là sự chuyển đổi và tinh tấn của ba và mẹ con.
Đạo tràng sám hối tại TVMQ đã được hình thành ngay từ khi Thiền Viện (TV) được sáng lập. Cứ vào mỗi ngày 14 và cuối tháng (Âm lịch), hàng trăm Phật tử cùng nhau tề tựu về TV chí tâm đảnh lễ mười phương ba đời chư Phật và thành tâm xướng lên
“Nay đệ tử lòng thành sám hối
Xét lại mình tội lỗi từ xưa”
……………………………
“Tấc lòng thành con nguyền sám hối
Xét tội xưa tránh lỗi về sau”
Sám hối là nhìn thấy lỗi của mình, nhận lỗi và sửa lỗi, dặn mình không được tái phạm nữa. Chúng con đã hiểu được rằng:
“Thân đựng chứa biết bao tật xấu
Bước chân đi theo dấu đường đời
Cách ăn thói ở tùy thời
Nào con có tránh khỏi nơi tội tình”
Vì thế chúng con thành tâm quỳ trước Thế Tôn, chí thành ôn lại những lời dạy của Ngài và tự “khai nhận”, nhắc nhở mình về những lỗi lầm đã gây tạo. Chúng con đã “Hoặc vô ý không hay tội trượng. Hoặc yếu hèn chẳng cưỡng được tâm” mà đã gây ra vô số tội và ác nghiệp. Các tội ấy có thể là:
“Tội thứ nhất: sát sinh thực nhục
Thuở bé thơ đến lúc trưởng thành
Vì con cha mẹ cam đành
Giết loài muông thú nuôi sinh mạng này”
Bốn câu kệ thật ngắn gọn, thật đơn giản trên đã làm “rúng động” cảm xúc của một người con, của một chúng sinh đang cần cầu sám hối. Bốn câu kệ ấy đã được thốt ra từ miệng của một đứa con mà nó nghĩ rằng nó hiểu được hết công lao, sự hy sinh to lớn của ba mẹ để anh em nó có được ngày hôm nay. Nó được học khá nhiều, đi cũng nhiều, sự hiểu biết cũng không phải là quá ít nhưng nó không thể nào ngờ, không thể nghĩ ra được vì nó mà ba mẹ đã gây bao “ân oán” với muôn loài chúng sanh. Nó từng nghĩ việc cha mẹ nuôi con khôn lớn là việc “bình thường”, nhưng đâu ngờ được rằng vì nó, vì thỏa mãn lòng tham cầu “ăn ngon” của nó mà ba mẹ đã bỏ vào tài khoản “ác nghiệp” của mình vô số tội. Con thấy vô cùng ăn năn, hối hận, thấy mình có lỗi thật nhiều khi chưa làm được gì để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục mà nay lại làm cho ba mẹ thêm tội. Lỗi này con sám hối đến bao giờ thì hết được? Con thật sự không biết, chỉ biết mình không nên làm giàu thêm cái tài khoản “ác nghiệp” ấy nữa, cố gắng, cố gắng hết sức mình gieo trồng thiện căn, hầu mong hồi hướng cho ba mẹ, chuộc lại lỗi lầm mình đã gây tạo. “Con nguyền sửa đổi việc làm từ nay”.
Rồi những tội thứ hai, thứ ba… đến thứ năm (dựa theo ngũ giới) được lần lượt kể ra:
“Tội thứ hai: tham tài trộm đạo
Thói vạy tà gian xảo xấu xa”
…………..
Tội thứ ba: dâm tà loạn phép
Lỗi đạo hằng mang nghiệp vào thân
…………..
Tội thứ tư: vọng ngôn dối trá
Lợi cho mình thiên hạ hại thân
…………..
Mở lời để hại về sau
Một câu thất đức họa sâu không ngừa
…………..
Tội thứ năm: say sưa chè rượu
Lỗi giới điều do tửu nhập tâm”
Quả đúng thật là “Tấm thân tội lỗi thẹn thùng. Kiếp ngày kiếp khác chập chồng bằng non”. Nay con đã biết những tội lỗi “Tự làm hoặc xúi người làm. Hoặc nghe thấy ác lòng phàm đua vui”. Con hiểu được rằng mình không chỉ sám hối, biết lỗi, sửa lỗi, chừa bỏ không làm nữa mà chúng con còn phải tích cực gieo trồng “thiện nghiệp” để phần nào làm vơi bớt những quả xấu mà mình phải thọ lãnh do những nhân bất thiện mình đã gieo trong quá khứ, hiện tại và có thể, có thể lắm, kể cả tương lai. Vì “Trong cõi trần ai bụi bặm. Giữ làm sao khỏi lấm tấc son”. Cho nên
“Con cố gắng từ đây sắp tới
Giữ đúng theo ngũ giới Phật truyền
Cần trao tam nghiệp trọn hiền
Pháp tu thập thiện vẹn tuyền mới cam”
Đó là lời hứa, lời nguyện mà chúng con đã phát ra sau khi đã đảnh lễ hồng danh chư Phật trong khắp mười phương. Chúng con xin ghi lòng
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy. (Pháp cú 183)
Sau mỗi buổi lạy sám hối, hàng Phật tử tại gia chúng con lại có cơ hội nghe một bài pháp ngắn do Hòa Thượng viện chủ hoặc các vị Tăng Ni trú xứ giảng dạy. Đó thường là những lời sách tấn, giảng giải ý nghĩa kinh, ý nghĩa của pháp lạy sám hối là pháp tu căn bản cho những môn đồ. Người thường nhắc chúng con “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”, đừng trông cậy, chờ mong vào sự “cứu vớt, ban ân” của bất kỳ ai kể cả chư Phật, chư Bồ Tát, chư vị Thánh Hiền Tăng.
Tự mình làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh từ mình
Không ai thanh tịnh ai. (Pháp cú 165)
Đức Phật là một vị Thầy, một bậc Đạo Sư vĩ đại. Người vĩ đại với tình thương bao la dành cho chúng sinh, với những chân lý người đã thực chứng và truyền lại. Những lời Ngài dạy vừa thực tế, gần gũi vừa thâm sâu, diệu huyền lại hợp với căn cơ của chúng sinh. Người cho chúng con biết được vì sao chúng con cứ mãi trầm luân, người chỉ chúng con phương cách diệt khổ và con đường dẫn đến an vui vĩnh hằng. Chúng con mang ơn đấng Giác Ngộ đã mở lối, dẫn đường để chúng con có cơ hội “lìa bến mê, lên bờ giác”. Cũng vậy, chư Bồ Tát, chư Tổ, các bậc chân tu và các vị hộ pháp đã nối bước Người, đã không ngừng nghỉ hoằng truyền và phát triển Pháp Phật đến khắp chốn chốn, nơi nơi. Con xin gửi lòng tri ân sâu sắc nhất đến chư liệt vị. Riêng mình, con cũng xin được nói lên lòng biết ơn chân thành nhất của một chúng sanh đã được ba mẹ cho cơ hội làm người, được nuôi dạy lớn khôn với những điều tốt đẹp nhất. Con vô cùng may mắn khi được làm con của ba mẹ và một lần nữa con đã đúng khi nói vậy, vì chính ba mẹ chứ không phải một ai khác, đã mở cửa, dẫn lối cho con vào đạo. Xin cảm ơn ba mẹ, hai vị đại thiện tri thức của con và con tin, hai vị sẽ cùng cùng con bước tiếp trên con đường đạo.
“Nguyện xin chuyên cần tu tập
Vuông tròn đạo quả về sau”
Ngưỡng mong ánh sáng đạo Pháp sẽ chiếu soi khắp mười phương thế giới, người người, loài loài, hữu tình hay vô tình cũng chư hương linh đều có cơ hội được thấy, được nghe, được học và hiểu lời Phật dạy một cách đúng như thật. Từ đó áp dụng vào cuộc sống của mình và những người xung quanh, tất cả cùng nhau phát tâm Bồ Đề mạnh mẽ, tinh tấn tu hành, trọn thành Phật đạo.
Nam mô Cầu sám hối Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Diệu Khai kính ghi (2013)