Nguổn Đạo LýTải xuống chương 34

Nghe sách nói chương 34. Nguồn Đạo Lý

 

a. Một cái cù lao nổi lên giữa sông biển, chạy xa dài thành ra một con lộ đi, các con đường ấy có ra là do nước đất của hai bên sông biển.
b. Một khúc lộ mới đắp vì bởi tại chỗ đó là vũng sình lầy dơ dáy, không ai đi lội được.
c. Giữa sự chết khổ của thời gian, người ta bày mở ra một sinh lộ, một an lạc đạo, cũng y như thế! Cả thảy đều do nơi đời sanh ra đạo. Đời là bà hoàng hậu, mẹ đẻ nứt hông của đạo Phật. Đạo Phật sanh ra ngang hông giữa cõi đời nên kêu gọi đạo Phật là trung đạo, chánh giác.
Người học đạo tức là vẹt đất nhảy lên, phá địa ngục mà ra, xé càn khôn mà đến, đạp sanh tử mà đi, làm chủ lấy mình, cao ráo sạch trên, không ai bì kịp. Cho đến ông cha thời gian cũng không nhốt ngăn đặng. Như vậy mới phải là người hoàn toàn giải thoát, giải thoát cái đời phát sanh nguồn đạo.

THẾ GIỚI
Xưa kia hồng hoang thượng cổ chưa có con người (quả địa cầu này đã trải qua không biết bao nhiêu lần nổi xẹp, xẹp nổi, lần chót của nó là chúng ta đang ở đây), bấy giờ trái đất còn là một bãi cát mênh mông mới nổi, dọc theo chân Hy-mã-lạp sơn, do đó cỏ cây thú mới có sanh ra. Loại thú sanh ra trước là vượn khỉ, tinh khôn hơn hết, thường cất nhà ổ ở trên ngọn cây cao, cả bầy có tới số trăm ngàn, chúng nó giàu lòng thương yêu gia tộc lắm!
Người ta nói chúng nó là thủy tổ của loài người.
Người ta cũng nói vượn khỉ trước kia là một giống sư tử hung bạo, thủy tổ của sư tử là một giống chó rừng, sanh ra bởi trong hang đất như dê đất (phần dương).
Người ta nói rằng những con sư tử thiếu niên hung bạo, lúc trở về già yếu đuối bị thú nhỏ hiếp đáp nên bỏ rừng sâu lên trên núi, vì đói mới tập bò leo hái trái, quen trèo bám níu, làm ổ ở luôn trên cây, kêu là vượn khỉ. Chúng nó biết thương yêu nhau, có lòng nhơn đạo, bỏ dưới thấp lên ở trên cao, là bởi đã già, già kinh nghiệm, là bọn nạn nhân như nhau. Ở trên núi cây lâu ngày nhàm chán thiếu ăn, vượn khỉ mới chạy tuốt xuống đồng bằng. Xuống đến đây chúng nó mới tập đi hai chân vừa là để hái trái cũng vừa là để tập trồng tỉa, làm việc, ôm gói xách đồ. Vì đói khát mà tập trồng gieo, vì nóng lạnh mà sắm chăn áo, vì mưa nắng mà cất lập ổ nhà, vì đau bịnh mà nếm tìm thuốc cỏ, chúng nó tập hành vi làm việc nên lần lần được khéo xảo như chúng ta ngày nay! Bởi được chỗ ấm êm cùng vận động làm việc nên lông lá đứt rụng bớt và trở nên mỹ miều trắng đẹp.
Chúng nó từ khi bỏ núi non xuống đồng ruộng là bắt đầu ở chung nhau từng nhà trên mặt đất, và chia ranh đất với nhau mà làm ruộng, lập ra từng kiến họ, bổn tộc gia đình phân riêng. Từ đó mạnh ai nấy lo bổn phận quyến luyến với vợ con, không còn hay tới lui chung chạ nhau như hồi ở trên non núi nữa; vì lẽ ở nơi đồng ruộng, không có thú dữ hùm beo nên không cần quy hợp; hơn nữa bởi mắc say mê việc làm mỏi mệt nên cũng ít hay thân cận. Nhờ có sự ăn mặc ở bịnh biết làm, có nhơn, nên từ đó người ta kêu là loài người, và số người càng ngày càng nảy sanh thêm trội đông đảo lắm, sau đó mới phân chia ra đi ở khắp trên mặt địa cầu, tùy phong thổ mỗi nơi, màu da tiếng nói có khác lẫn nhau, nhưng cái sống, cái biết, cái linh vốn không sửa đổi, nên đều gọi là chúng sanh nhơn loại, có lòng nhơn y nhau, ấy là lớp toại nhơn.
Cũng bắt đầu từ đó người ta mới gọi là thế giới. Giáo lý thế giới là sự sống chung gồm cả những xã hội, cũng như xã hội là gồm những gia đình, gia đình là gồm những kẻ lẻ loi vậy.
Giáo lý thế giới sống chung tu học kêu là đạo, đạo có do sự văn minh, học sáng của thức trí; thức trí có là bởi hành vi, và các sự nạn khổ của gia đình xã hội, ích kỷ chia riêng tranh đấu với nhau, giống như sự sôi nổi của vũng sình lầy chất lợi, dưới cơn nắng gắt của danh vọng. Cũng vì sự chết khổ của xã hội gia đình, người ta mới bỏ ra hết những giai cấp thần quyền của ông cha đánh phạt trẻ con. Người ta sau khi đã được văn minh học sáng, có thức trí tinh thần, vượt qua khỏi lớp tuổi trẻ ban đầu của ăn mặc ở bịnh rồi; người ta đã già, già kinh nghiệm rồi, là những ông già ấy sẽ phải sống chung nhau, bình đẳng cả thế giới an lạc. Giáo lý thế giới ấy tức là con đường an lạc, chỗ đến của tất cả nhơn loại trèo lên để vượt qua sự chết khổ. Giáo lý ấy chỉ dung chứa được những bậc tâm trí đã già, nên gọi đạo đức là cao hơn hết, bình đẳng trang nghiêm hơn hết, vì không còn có lớp nào qua trên hơn cái lớp ông già nữa; nơi ấy sẽ không còn có những sự vật ăn chơi, nô đùa theo như trẻ nhỏ. Đến chừng đó gọi là quả địa cầu đã đến lớp tuổi già, tức là trong thời gian không gian võ trụ, quả địa cầu là một vầng hơi có chứa đất nước lửa gió nổi phù lên, nơi trên ấy chúng sanh đã trở nên Trời Phật, y như các thế giới Phật Trời, thiên đường Tây phương cõi khác. Đó là gốc nguồn đạo lý, từ đầu đến đuôi, từ cuối đến ngọn; cũng như nguồn suối nhỏ của chót núi rừng, nước chảy ra biển cả; nơi biển dã là nước đọng chung lại, một màu, một chất mặn, một mực một, bằng thẳng, an vui, không còn tai nạn nữa, nơi đó là chỗ nghỉ yên của nước sông nguồn. Sự thật y như thế, giáo lý bằng thẳng của thế giới ông già là như biển dã, nước đã mặn già, nước ấy đã trải qua những sự già đau khổ, từ trong sông suối mới đến được về đây. Xã hội ví như sông to, gia đình là suối nhỏ, sự lẻ loi là từng giọt hột nước ở trên chót núi.
Như vậy là sự tiến triển của chúng sanh, trước hết ở rừng ác hung mê muội, kế đó hiền lương lên núi, sau lại trở xuống đồng bằng, tập hành vi nhân loại gia đình như người nhỏ. Sau nữa số đông đảo mới bày ra xã hội, có chúa tể, có trời cha, đến khi tất cả đều già thì bình đẳng sống chung tu học tự nhiên, đến lớp của những bậc giác ngộ là Phật, trong đó không còn có những danh từ ông cha, ông Trời, con người dối tạm nữa. Chừng ấy gọi là chư Phật, chư vị giác chơn, chớ không còn có cái tên gọi chúng sanh.
Khi đó, thế giới này đã trở nên nhà đạo đức hay là trường đạo đức của võ trụ. Những học sanh sống chung tu học trong ấy tức là chư Phật, cũng là những hột giống của tứ đại, còn thế giới sẽ là một cái trái chứa đựng hột như kho vựa.

SỰ TAI NẠN CỦA CHÚNG SANH
Chúng sanh từ khi ở rừng, người ta kêu là ác thú; đến lúc lên trên núi, người ta gọi là thiện vật; chừng làm ruộng dưới đồng bằng, kêu là nhơn loại, có gia đình từng nhà. Họ càng làm việc khéo hay mới sanh ra công thợ, lập ra làng xóm. Bởi có đồ đạc dư của công thợ mới có kẻ già yếu nhỏ bịnh thiếu sức làm việc, xin chia công cán với công thợ. Bằng sự lãnh đi trao đổi bán buôn, đem công đổi lợi nuôi thân, có đồ vật chất chứa nên thành ra xã hội, là tỉnh thành châu quận. Bởi có thị xã hội đồng, nên mới lập ra luật pháp, sắp đặt là chúa tể vua quan, đền đài thành quách, cung điện triều đình. Rồi thì từ đó mới có ra tù khám để nhốt chứa, phạt vạ răn tham trị ác đối với hạng biếng nhác mê chơi côn loại.
Sự vật vui chơi có là pháp giải trí đồ chơi của người buôn bán sau cơn mệt nhọc, cũng vì vật chất món chơi tốt đẹp đó mà thầy giáo, cha mẹ, vua quan sau này lại cũng sa ngã vui chơi, bắt chước theo như những kẻ thương gia, yếu già nhỏ bịnh, thì tránh sao người nông công họ không mê chơi mà tìm ham sung sướng. Bởi quá quen vui sướng mới có kẻ không phải chịu tự mình làm ra, để phải ở không mưu đồ cướp giựt, sanh ra trộm cướp chiến tranh phá hại. Các thứ chiến tranh mỗi lúc là do giành nhau món lợi vật chất. Tham lợi càng nhiều, sự tư kỷ càng nhiều, là sẽ xô lấn giành giựt nhau càng nhiều.
Trong đời mà có tai nạn, từ nạn nhỏ đến nạn to là đều bởi tại chúng sanh nhân loại có lòng tham, tự mình tạo ra cái chết khổ tai nạn lấy mình, từ xưa đến nay mãi như vậy. Cũng là đã quá khổ nạn, nên khi xưa những nhà vua quan mới nói: Các chức tước vương quan này, ở dưới đất vật chất mãi, thật là tối tăm nóng bực, khổ nạn còn nhiều hơn là kẻ làm ruộng rẫy nông dân, thà là an phận gia đình nhơn đạo ấy mà còn khá hơn là cái tước vị thần quyền. Bởi đối với thần, kẻ quấy ác chỉ sợ oai chớ không thương mến như người làm ruộng nhân đạo. Thế nên trong đời có lắm vị vua quan từ chức để đi làm nông dân ruộng rẫy được thanh nhàn ích lợi cho mình, chẳng khá hơn là mãi lo cái việc không rồi vô ích cho những sự gian tham của những kẻ nọ càng gian tham tới mãi. Cũng vì quá khổ nạn, nên một người tù tội kia ở trong tù khám mới nói: Chính đây mới thật là địa ngục, ta thiệt đã bị cái ý vô thường quỷ sứ dắt dẫn lôi tuốt vào đây mà ta chẳng tự hay; nào ta có dè đâu thái quá là phải bất cập, tham vui chi mà chịu khổ phạt! Một người tội nhơn khác nói: Chính hôm nay ta mới tỉnh ngộ là đã bị cái nghiệp nó kéo lôi đến chót đáy địa ngục này rồi, còn đường chi nữa đâu mà đi lo sợ. Trước kia khi ta làm ruộng rẫy, người khác gọi ta là nhơn đạo cao thượng tốt quý, mà nào ta có biết cái cao quý ấy là chi. Sau đó ta lại lần vào xóm tập làm công thợ, ta nghe kẻ công thợ than mình cực nhọc hơn súc sanh tôi tớ của người ta, đã bị chết sớm lại luôn luôn phải chịu sai khiến quở phạt. Thế mà ta vẫn ham lo sự hay khéo của việc làm, nào ta có biết tưởng chi là khổ sở với cái tiếng than chết sớm đớn đau của họ. Lòng tham đi tới nữa, ta đã đi xuống thêm một nấc là mua bán nơi đây lắm kẻ bạn hàng, chửi rủa cấu ó với nhau. Họ mắng chửi nhau là đồ tham lam hơn ma đói, lời dư cũng than van đói khát, lỗ thiếu cũng than van đói khát, lúc nào cũng quá khổ đói khát hơn ma. Họ chỉ biết một việc tìm kiếm mong chờ cái tham, cái lợi, như uế phân bùn đất. Thế mà ở trong vòng mua bán, ta lại rất vui thích ham mê không chán khổ, mặc cho nơi phố chợ họ chửi rủa la ó tối ngày rằng: Bộ đây là xứ ma đói sao mà!
Các người là ma đói! Thế là họ đã làm ma, đói la khao khát, cấu xé lẫn nhau. Đã vậy nào thôi, sự mua bán khổ sở đói khát dường ấy, thế mà cái nghiệp lại còn xô luôn đẩy xuống, không cho ta nhận ra thấy kịp đường lên, khiến nên ta lại ham mê danh vọng muốn làm cho được vua quan, xưng thần oai vệ, giữa đám đói khát bán buôn yêu ma quỷ quyệt, để cho được cái vui chơi hơn, và cũng bắt đầu từ đó, ta ham chơi trụy lạc. Vả lại, thần là ưa ăn thịt uống rượu, thần thì đi bắt tội nhơn và cai quản tội nhơn trong địa ngục, ở khít một bên địa ngục; mà chính những kẻ tội nhơn đang bị ở trong địa ngục là cũng vì đã lậm mang phải chứng bịnh ham chơi trụy lạc như thần; cho nên chẳng bao lâu, khi hết bắt phạt người, cai quản người, là đến lúc người sẽ bắt phạt lại mình, cai quản lại mình. Ấy cũng bởi tại lòng tham muốn nó xui nung ta làm ác, hôm nay ta đã lỡ giết thác mạng người nên mới phải bị nhốt vào đây, chưa biết chừng nào ra đặng. Thật là ghê sợ quá, vinh nhục lợi hại ở chung một chỗ khít bên! Trong đời ai mà không bị cái danh lợi cám dỗ. Ở trong đời đố ai tránh xa lợi danh cho đặng? Thật vậy, hôm nay ta đã gặp chỗ cùng đường rồi, từ xưa ta đã bỏ nông dân, đến công thợ, đến thương gia, đến thần và đến luôn vào trong tù khám, tuôn xuống luôn một trớn, không phút đứng dừng ngừng lại, thật là mau lẹ quá, có khác nào một người kia, té luôn một hơi từ nhơn loại đến súc sanh, đến ngạ quỷ, đến a-tu-la và đến vào luôn trong trong địa ngục, sự rớt sa quá lẹ (các danh từ ấy có là do đức Phật nói ra, để chỉ nấc thang tấn hóa cho chúng sanh thấy rõ sự khổ vui, thiện ác, sống chết của tâm lý).
Đến hôm nay ta mới nhận ra, xưa kia những sự ngăn cản ta là cứu vớt ta, thế mà bấy lâu nào ta đã xét nghĩ đến như vậy, những khi ấy ta bị mắc cái nghiệp của thân khẩu ý phủ che mờ ám, nào ta có thấy chi đâu. Nhớ lại trước kia ta chê ở núi là con vật hiền, nơi rừng là con thú dữ, mà trái lại sau khi hôm nay ta đã giác ngộ rồi, nếu may mắn mà ta thoát ra được khỏi nơi nhốt phạt này, là ta sẽ tránh xa đi biệt cho khỏi những nơi vật chất phong lưu cám dỗ, ta sẽ đi lên ở trên non núi tột cao để làm sơn nhơn tiên giả thanh nhàn khoái lạc, ắt được tinh thần no đủ rảnh rang lắm vậy!
Nhưng, à, mà cũng không được, nếu ở trên núi non cao quá biết lấy chi ăn, xưa nay mình ở chợ là vật chất thái quá nên mới phải bị vào đây bất cập, rồi bây giờ mình tính lên núi non cao quá cũng như bất cập, chắc lâu ngày xác thân chịu không nổi, phải sa ngã chạy tuốt xuống dưới chợ thái quá trở lại, chớ chơi gì; vì tinh thần không lâu ngày chắc cũng nhàm chán, chịu không nổi. Thôi chi bằng là ta hãy ở rừng, giữa núi non và nơi thị chợ, như thế thì vật chất, tinh thần đều đầy đủ của mực trung; khỏe thì ta xuống xóm chợ, mệt thì ta vào non núi, bình thường là ta vẫn ở rừng tu tịnh, học đạo sống yên, ấy mới chắc phải là nơi giác ngộ.
Cũng y như xưa kia, chư Phật, Phật Thích-ca và các chư Tăng đệ tử Phật, các Ngài đều sống chết ở nơi rừng.
Vả lại, rừng cũng là chỗ đầu tiên của chúng sanh nhân loại, khi xưa ác hung mê muội mà hôm nay ta được trở lại với cái giác, cái hiền thì đúng quá, tốt quá. Cũng như một người đi tu học, chịu nạn khổ lầm lạc các nơi, hôm nay mới được trở về xứ sẽ dạy độ lại cho các bà con ác thú của mình, thật là huyền diệu! Cũng như chư Tiên họ ở trên non núi, mà non núi trước kia là chỗ của những con vật hiền, bấy giờ họ đi xa học nghiệm khổ sở họ mới được trở về làm tiên, dạy lại các con vật hiền quyến thuộc, cất nhắc chúng nó đem lên cho được tâm trí mau đầy để sau này không còn lầm lạc vọng động nữa, y như mình đây thì hay quý lắm.
Cũng như một kẻ thôn quê đi xa du lịch, sau nhiều phen chết khổ của sự mê muội dục vọng, hôm nay nó đã trở về quê hương dạy khuyên lại anh em tất cả, chỉ đường cho họ tránh sự chết khổ về sau là ích lợi quá.
Theo như lời nói của người tội nhơn đây, xét ra thật không phải là vô lý.
Sau khi đi và về là tâm đã bỏ ra được cái ác cái mê, đem về theo cái thiện, cái huệ của giác chơn, tức là cái ta của ta chắc thiệt! Cái tâm trí của nó chừng ấy rộng lớn như biển dã mênh mông, không còn nhỏ hẹp cố chấp nữa, nên kêu là đạo đức. Như thế tức là tội nhơn ấy đã tìm ra được nguồn đạo lý trong giữa cõi đời. Nó đã nhận ra được những nấc thang chết khổ để sống vui bằng tâm giác ngộ.

SĨ, NÔNG, CÔNG, THƯƠNG
Theo như trên đã nói, trước hết lớp toại nhân là nông phu ruộng rẫy, người khác với thú là có hành vi làm việc. Thú chỉ có tư tưởng, cây có thọ cảm, cỏ có sắc thân (do tứ đại). Thuở xưa người ta không dùng vàng bạc, mỗi ai nấy trồng tỉa đủ ăn thôi. Đối với kẻ yếu già bịnh nhỏ, không thể trồng gieo ăn đặng nên mới xin ra công đổi chác, lấy lợi mà dùng, đó là lòng nhân của người nông phu. Họ chia sớt nhịn miệng nhường lại, chớ tự họ, kẻ trồng thứ này, người trồng thứ kia, gánh bưng đổi chác với nhau, vui miệng cũng được.
Như thế thì thương mãi khi xưa là nghề phụ thuộc của người già yếu nhỏ bịnh chớ không phải của người thường, tự họ có thể cuốc trồng gieo hột đặng. Thương mãi có ra do nghề nông. Nghề nông nuôi mạng sống cũng như cái bụng cái mình là chỗ chứa tất cả phủ tạng; nghề nông là sanh mạng, là mẹ đẻ của loài người vì có cái ăn mới có sanh ra tất cả. Nghề thương mãi cũng như hai chưn đi hai đường, xảo trá chẳng ngay thật. Người thương mãi xưa lấy chưn đi mà nuôi mạng sống. Cái chưn ấy sanh sau phụ thuộc, dầu không có cũng đặng, nên gọi là sau chót (sĩ, nông, công rồi mới tới thương). Vả lại, xưa kia xem thương mãi là dối xảo nên bậc đạo đức Thánh Hiền khinh chê lắm. Các Ngài có con cháu không bao giờ cho đi buôn bán, vì cái nghề ấy vô ích và không được chơn thật như người nông. Các Ngài thà là làm ruộng đủ ăn, chịu nghèo tu học, chớ không ưa tham lợi sái quấy; “tiền tài như phấn thổ, nhơn nghĩa tợ thiên kim”, câu ấy nghĩa lý như vậy.
Nghề thương lại cũng sau nghề công nữa, vì khi xưa có gia đình nông phu ruộng rẫy no bụng nên mới tập làm việc được, và sẽ quen tay lần mà trở nên hay khéo về sự tạo sắm nhà, áo, vật dùng. Bởi có công nghệ mới có xóm làng, và đồ vật của công nghệ thì giao cho thương mãi để đổi chác, đặng làm thêm; vậy nên gọi là có công nghệ mới có thương mãi. Công nghệ tức là hai cánh tay của người ta, có tay mới chở che cho mình bụng. Cũng vì có bán buôn khổ nhọc mới sanh sự vui chơi tai nạn, do đó mới có pháp luật cai trị những kẻ gian tham ác quấy.
Xưa kia người cầm pháp luật ấy phải là sĩ hiền có học, có hạnh đứng ra dạy dỗ cầm đầu, do người tôn lập; cũng như có đầu thì tay chân mình bụng mới sống được. Luật pháp công lý cũng như cặp mắt sáng để chỉ đường ngay cho tay chân mình bụng ấy. Sĩ hiền khi xưa là đạo đức giáo hóa chớ không phải lo việc góp thâu tiền bạc, cho nên sĩ hiền tuy là có ra sau chót mà người ta lại kính nể đứng đầu. Cũng như trong bụng mẹ, phải là cái đầu sanh trước, kế cái mình, kế tay và chân sau chót mới xuôi thuận. Cũng như nếu không có đạo đức đầu tiên thì không bao giờ có cõi đời, và không có ai sanh sống ra được. Như thế nghĩa là giáo lý pháp bảo của chơn lý võ trụ đã có trước hết, sau này người ta mới giác ngộ tìm học, chớ không phải là mới có trong ngày nay đâu. Trần thế cũng như một cái hình người, sĩ là đầu trên xuôi thuận, nông là mình bụng, kế đó công là tay, đến thương là chân dưới thấp. Thân hình này mà đứng ngay như thế thì vận cuộc sanh chúng tất bình yên, nhưng mà nào xưa nay đã được vậy mãi.
Thời gian là một cái vòng tròn, lúc đầu sĩ nông công thương cũng như một thân hình xuôi thuận ấy, từ dưới đi lên nên được bình yên, và sau sự bình yên thỏa mãn tột cao của cái vòng tròn là đến lúc chúng sanh phải ôm đeo theo bánh xe thời gian, quay đầu lộn xuống mà không hay, nên mới có sự chúi nhủi, loạn rối khổ chết điên đầu. Cũng y như đời nay hiện tại, người ta đã đưa hai chân lên trời là thương mãi nâng lên quá cao, người ta tôn sùng sự tham muốn dối xảo, món lợi. Ai ai cũng gọi là thương mãi quý báu, quý báu cái tội lỗi thì tránh sao không tai nạn. Đời đã lộn ngược, sĩ hiền đạo đức đã bị nông công thương ghìm xuống, đạo đức phải chôn sâu; thương nghệ như hai chân ngất nghểu trên cao, không đường đứng đặng; nông bụng ruột gan cũng đã lộn nhào; còn tay công thì lại không có chỗ nơi níu nắm. Cũng như một người té ngã từ trên cao, lộn đầu trở xuống, và xuống mãi mau lẹ chưa biết phải đến đâu, mới cất đầu xoay lên trở lại, hòng nâng cao đạo đức sĩ hiền lên trên xuôi thuận bình yên, giống như khi xưa kia nữa. Sĩ hiền xưa là người dạy đạo đức cho dân, chớ không phải nghệ nghiệp thâu góp bạc tiền biên chép nên không có lương bổng chi cả. Bởi không có sĩ hiền nên thương nghệ hiểu lầm sái quấy, tưởng chắc mình là cao trên, cho nên họ mới đau khổ; đã vậy mà họ còn đi trở lại chôn đè đạo đức thêm, ấy mới thật là nguy hại cho họ.
Ấy đó nguồn đạo lý trong giữa sự đời, thuở xưa từ trong đạo đức võ trụ sanh ra ngược, nông thương đến sĩ, sau lại sĩ nông công thương xuôi thuận, là đạo đức trên đầu cao, cái tham lợi ở dưới chân sâu thấp.
Vận cuộc thời gian của đời mãi lăn xoay như thế ấy, khiến cho nên bậc thần quyền chúa tể cầm đầu, lo cho đám dân tội lỗi đói khát, mỗi lúc phải chịu rối khổ tơi bời. Vì bánh xe vô thường mãi lăn xoay tới, kẻ nào bám buộc nơi một chỗ, một việc mà cho là phải hoài trong mỗi lúc, là ắt sẽ bị thất bại chết khổ đau đớn oan uổng. Bởi thế nên khi xưa đức Phật có dạy rằng: Trên chiếc bánh xe lăn, nào chân ai đứng trên mà không phải trợt, trong đời chỉ có bậc trí huệ toàn giác mới chắc chắn là sẽ đứng trên cõi đời, bình yên vĩnh viễn được mà thôi.
Cũng như một ông vua kia, ông chỉ biết có một cách thế làm vua trong một thời đại thì không bao giờ sẽ được làm vua trong những thời đại khác kế đó đặng.
Cũng như một ông thầy giáo chỉ biết dạy một lớp nhứt, hay một lớp chót, thì ông ấy sẽ không còn dạy được nơi xóm kia, vì trình độ của học trò nơi đó chỉ mới tới lớp ba, lớp tư; và một ngày kia ông thầy ấy sẽ thất nghiệp, bởi không còn học trò của lớp ông nữa.
Khi xưa đức Phật học cách làm vua cũng y như thế, tùy theo trình độ của chúng sanh mỗi lúc! Nếu cõi đời chúng sanh mà thấp kém quá, thì hoàn cảnh của đức Phật sẽ là có tên gọi một vị Ma vương, Diêm vương (Ma vương đây là vua trong cõi đời ma yêu, dối trá biến thuật. Ma vương đây không phải là mỗi kẻ đều đi phá đạo Phật. Như xưa kia, Phật nói pháp cũng có rất nhiều vị ma vương đến nghe pháp và ủng hộ đạo). Nhưng nếu lúc nào chúng sanh khá cao, thì Phật sẽ là tên của Nhơn vương, Thiên vương, Bồ- tát Chuyển Luân Thánh Vương chẳng hạn. Và như khi chúng sanh đã được trong sạch thuần thục thì Ngài mới sẽ trở nên có tên gọi Pháp vương Phật. Chính khi xưa đức Phật cứu giúp cho đời bằng những danh pháp thay đổi trong mỗi lúc nơi phận việc, mà Ngài không có sở chấp, không thấy cái ta của ta nên không có khổ não bởi vô thường. Nhưng trong đời thì cũng có lắm nhà vua chúa thế gian, nhiều khi bị nhơn duyên sửa đổi, đã biến hóa ra tên khác mà vẫn không hay, mãi cứ tưởng mình là nhơn vương thiệt thọ; lại cũng có lắm vị quá chấp nê hành sự nên phải chịu thất bại đau khổ lắm, ấy bởi sự lỗi nhịp của thời gian và hiểu lầm tên gọi, cố chấp việc làm, nên mới phải sa vào nơi khốn khổ của bánh xe vô thường lăn xoay chóng mặt.
Nguồn đạo lý chỉ rõ bánh xe luân hồi của chúng sanh y như vậy. Những ai mà muốn lăn lộn theo bánh xe thì ít nhứt cũng phải hiểu ra giác ngộ chơn lý, mục đích chỗ đến của đời là đạo đức. Có hiểu như vậy mới tránh ra được tai nạn, và làm được việc hữu ích cho chúng sanh mỗi lúc. Còn bằng chẳng vậy, thì cũng nên phải tự giải thoát đi ra, ngồi trên bánh xe, một mình tách đi mau sớm để đến nơi đạo đức, sống yên tu học trước, cũng là hữu lý hay thay. Như thế chẳng là được khá hơn, khá hơn con kiến đeo theo vành xe mãi chi cho chết dẹp, hay như con mọt đục ổ ở trong cây căm bánh xe, nằm đó làm chi cho bị lăn xoay nhào lộn, điên rối hoảng hốt khổ sở.
Có hiểu được nguồn đạo lý mới thấy rõ ra đạo đức là chơn lý tự nhiên trong võ trụ. Nhưng chúng sanh mới tiến ra thì lại vô minh chấp lấy bánh xe đời, tham mê nơi trần bụi, và phải bị nhào sa nơi địa ngục khổ. Có khổ do đó mới giác ngộ nẻo yên vui, trở lại với chơn lý cảnh thật buổi ban đầu như số một. Sau khi trở về lại được đem theo lòng từ bi và trí huệ, khác hẳn với cái ác, cái si mê hồi xưa mới sanh. Con đường mà của người trở ra và đi vào ấy cũng kêu là đạo, là để đạo đức lại cho người đời sau. Như thế tức là đạo đức võ trụ sanh ra đời, đời trở về đến đạo. Lại cũng từ xưa kia, đức Phật Thích-ca Mưu-ni hay chư Phật khác, với chư đệ tử của các Ngài, cũng đã từng đi ra và đi vào con đường y như vậy; nên thế gian đời sau này cũng noi gương nối dấu hành theo, nhưng hiềm vì sai lạc bước chân giáo pháp, mới phải hoại hư thất bại, do đó mà đạo sanh ra đời trở lại; và rồi cũng sẽ có người đời vì chết khổ mà giác ngộ quay về đến với đạo lại nữa. Thế là những lúc sau này đạo đời, đời đạo mãi lăn xoay, ít ai còn hiểu ra đầu đuôi sau trước được. Vì thế mà trường đạo đức, giáo lý thế giới, chỗ đến mục đích của chúng sanh chung, trong ngày hôm nay, cũng ít ai được nhận ra xét kịp để phải vương mắc lấy cái nghiệp gia đình xã hội, vật chất tham riêng, tranh đấu lẫn nhau không ích lợi.
Đúng y như vậy, chớ chi mà nhân loại hết thảy đều giác ngộ, chỉ biết có đạo đức chớ không có gia đình xã hội lớp tạm này là quý ích quá. Cũng như chỉ có lớp nhứt chớ không có lớp nhì, lớp ba; có Niết-bàn chớ không có thiên đường nhơn loại tạm; có ông già chớ không có người lớn, trẻ nhỏ… ; vì bởi ai ai rồi cũng sẽ đến lớp trên hết thảy, bằng nếu không bước lên là chưa hiểu mục đích chỗ đến, thời gian nó vẫn xô tới mà mình chống cự đi lui đứng lại làm chi cho thêm tai nạn. Vả lại, ở một chỗ lâu sau cũng chán chê mà ham vội bảo giữ tiếc rẻ, tranh giành cái chi cho mệt nhọc.
Như thế nghĩa là đời và đạo là một trường học, hai lớp dưới để đến lớp trên. Lớp trên dùng cho ông già, lớp dưới dùng cho hai hạng người nhỏ lớn, thiếu một lớp cũng không được, bài vở của ai nấy tự biết hiểu, bởi sự học có khác với nhau chút ít nơi rộng hẹp. Không lớp trên thì hai lớp dưới, học sanh mới cũ phải dồn cục lại, ắt gây khổ nạn, còn không lớp dưới thì đâu có học sanh để mà bước lên lớp trên. Trong đời, như tất cả chúng sanh bằng mà ông già hết, chỉ có lớp trên không, là được tốt; nếu trái lại chỉ có lớp dưới trẻ nhỏ không, ắt chẳng xong. Như thế đời là gầy dựng đạo đức, khuyến khích đạo đức, tôn sùng đạo đức, đưa tất cả chúng sanh tiến lên đến đạo đức; chớ không phải theo sự hiểu lầm của trẻ nhỏ rằng đời là ố đạo. Người đời đâu có ai dám đi ố đạo, hoặc may có ra là người ta chỉ ố ngạo những kẻ xu hướng bắt chước làm bậy ấy thôi, chớ ở trong trần có ai sạch sẽ tốt thật chi hơn mà dám đi ố đạo.
Cõi đời ngày nay mà có là bởi có lớp cỏ cây thú mới tấn hóa sau, chưa đến theo được đạo đức, nên trường đạo đức phải chia lập ra lớp gia đình, xã hội tạm cho học sanh bước lần lên. Cũng là người ta lập ra gia đình, xã hội, rèn trau tâm trí để đưa lên trường đạo đức thế giới an lạc sống chung tốt đẹp.
Sự thi tuyển ấy tức là chiến tranh, chiến tranh để xem dò tâm trí của những kẻ gia đình xã hội. Những ai mà đạo đức hoàn toàn sẽ được chấm tuyển thi đậu vẻ vang, mặt đất thế giới sẽ chứa nuôi học dạy; còn kẻ nào con ma thì ma sẽ bắt, con đất thì đất sẽ chôn. Những kẻ thi rớt ở lại thì còn phải ở trong gia đình xã hội thêm, đặng mà chờ cơ hội khác, lâu về sau kia nữa.
Sự thật đúng y như vậy, cục đất liệng lên bao giờ nó cũng rớt xuống. Trên mặt đất võ trụ là không hay có chứa cái ác dơ đen nặng. Cho nên, những người nào đã tỉnh ra, giác ngộ rồi thì ngoài mục đích của sống chung tu học là kẻ ấy chưa có cái sống, chưa biết sống và cũng sống chưa được với ai, ở đâu nữa.
Bởi thế cho nên Thánh nhơn khi xưa mới nói: Sáng biết đạo chiều chết cũng vui. Nghĩa là khi đã biết rõ mục đích chỗ đến con đường rồi thì chậm mau gì có ngày cũng sẽ đi tới được nên rất vui mừng, còn nếu sự sanh ra có sống lâu nhiều đời kiếp mà chưa hiểu đạo đức con đường chỗ đến thì sống mà phải chịu chết khổ, tội lỗi vô ích như vậy, sống để mà làm chi vô lý. Câu nói ấy cũng chỉ rõ thêm rằng sớm biết đạo mục đích chừng nào là hay báu chừng nấy, mai chiều kia chúng ta không còn lo sợ chi nữa hết.
Tóm lại, khi xưa đức Phật nói: Người sống trăm tuổi không thấy đặng viên ngọc, không bằng người sống trong một giờ mà đặng biết chắc! Thật đúng như vậy, viên ngọc là đạo lý pháp bảo.
Quyển Nguồn đạo lý này thật là hoàn toàn đúng với chơn lý, tâm lý.
Nguồn đạo lý thật là hoàn toàn quý báu cao viễn. Người đọc nghe xem xong, ai ai cũng sợ sệt buồn rầu, mà thấy ra tất cả thế gian là tội lỗi, cõi đời có ra do nhơn nghiệp. Như thế chúng ta mới thấy ra rằng thiệt Phật là bậc giác ngộ, khác với chúng sanh, rồi chừng đó chúng ta mới biết ham tu mến đạo, ghê sợ hổ thẹn tội lỗi, ghét giận lấy mình.
Như thế là chúng ta sẽ bắt đầu tấn hóa đi lên được. Nguồn đạo lý thật là một tiếng chuông cảnh tỉnh ngân nga vang dội, khiến cho ai ai cũng chán nản nhàm chê thế sự mà nhớ đến đức Phật ngày xưa.
Nguồn đạo lý thật rất đúng là đạo của tâm lý, chánh lý, lẽ phải chơn thật. Do đó, chúng ta sẽ thấy rõ khắp thế gian, thấy rõ một cách chắc chắn kỹ lưỡng, tức là chúng ta đã giác ngộ gặp Phật, gặp đặng con đường của Phật, và rồi kể từ đây ai ai cũng sẽ thành Phật, lần hồi được giác ngộ hết.
Hiểu được nơi nguồn đạo lý, tức như chúng ta đã gặp được Phật trước mắt khi xưa. V ì khi xưa đức Phật thuyết pháp nói chỉ xa xôi, thí dụ như này là chư Phật ở thế giới kia, ma kia ở cõi nọ, Ngài nói chỉ tận ở đâu đâu, pháp lý tùy nhơn duyên, do Thinh Văn thính giả mà nói lời phương tiện, chớ không hay chỉ ra sự thật, vì sợ phải mích bụng người nghe. Nhưng khi nói ấy chỉ riêng có kẻ biết nghe, ngụ ý mà hiểu ngay được, hoặc người trí huệ thì mới biết rõ. Điều ấy làm cho chúng ta đời nay xem nơi kinh sách, sanh ra ngờ vực. Thấu được nơi nguồn đạo lý, chúng ta sẽ nhận được một món quí báu nhứt là đạt được danh từ giáo lý của tâm, tâm là chúng sanh. Cõi đời là cõi của tâm, tâm làm ruộng, tâm công thợ, tâm buôn bán, tâm a-tu-la, tâm địa ngục, tâm Trời, tâm Phật. Tâm ấy mới là cảnh giới quan trọng cũng như tâm buôn bán là khổ não hơn thân buôn bán, tâm công thợ đau đớn mệt nhọc hơn là thân công thợ. Thân dầu ở cảnh trạng nào cũng được, nhưng chỉ có tâm, tâm mà trèo cao quá chót là sẽ té xuống đến hố sâu. Như vậy thì cách đi xuống mau tột đáy hố là không phải tự mình lần mò đi xuống từ bước, mà là chính bởi sự trèo lên quá cao, để nhảy xuống cái một, mau hơn. Sự tham muốn của chúng sanh đúng y như vậy. Vì thế mà nguồn đạo lý này sẽ có không biết bao nhiêu giá trị, nó sẽ soi sáng quét dọn tô đắp cõi đời trở nên trang nghiêm sạch sẽ an vui lắm. Nên chi những bậc thức trí, hết sức ước mong cho nguồn đạo lý lẽ phải, sự thật ích lợi này được thông lưu, nhuần thấm cho tất cả chúng sanh, nhứt là trong những cơn nắng gắt hạn to, nóng nực khát khô trong lòng nhân loại.
Quyển Nguồn đạo lý này mà được có nhiều lý nghĩa ích lợi hơn các quyển khác là bởi nguồn đạo lý được soi ra bằng chơn lý. Chơn lý là lẽ thật, lẽ thật nơi sự đã có thật. Bởi quyển này thuộc về loại sách chơn lý. Đã là chơn lý nên chẳng có thiên tư, không một chủ ý, chẳng có ẩn ý chút nào. Chơn lý cũng tức là công lý, chớ không phải là pháp quyền giáo phương tiện. Vậy nên những bậc tu hành từ thiện, ai ai cũng công nhận mừng vui thích hợp đúng lý hết.

Con Sư TửXem tiếp chương 35