1. Thân thế
Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Lai, thế danh Đỗ Bình, sinh ngày 09 tháng 8 năm 1935, tại thôn Đại Lộc, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trưởng lão Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, hiền lương, phúc hậu và có lòng kính tin Tam bảo. Thân phụ là Cụ Ông Đỗ Đoài, thân mẫu là Cụ Bà Lý Thị Cầm. Cụ Bà lần lượt hạ sanh 4 người con, 3 trai 1 gái. Cụ Bà và Cụ Ông mất sớm khi 4 người con còn thơ dại. Hòa thượng là người con trai thứ 2 trong gia đình. Thuở thiếu thời Ngài phải dỡ dang việc học để bươn chải mưu sinh và đùm bọc nuôi nấng các anh chị em khôn lớn.
2. Xuất gia học đạo
Những lúc nông nhàn hoặc ngày Rằm và 30 Âm lịch mỗi tháng, Ngài thường lui tới ngôi chùa trong làng làm công quả, phụ giúp công việc trang nghiêm Tam bảo. Mỗi lần về chùa Ngài cảm nhận như được trở về ngôi nhà xưa mà mình đã xa cách từ lâu, thời khóa sinh hoạt trong chùa như vừa quen vừa lạ,… Cứ thế, hạt giống Bồ đề trong Ngài ngày một thêm lớn, Ngài bén duyên với nếp sống thiền môn, hun đúc chí nguyện xuất gia học đạo.
Ngày 20 tháng 1 năm 1958, khi tròn 23 tuổi, Ngài đến Chùa Sơn Kim, Quảng Ngãi đảnh lễ Hòa thượng Trụ trì làm thầy tế độ. Kể từ đó, Ngài vâng theo lời giáo dưỡng của Thầy, khép mình trong nếp sống thiền môn, thực hành chí nguyện xuất trần thượng sĩ.
Năm 1960 – 1961, Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên cùng đoàn du Tăng Khất sĩ thực hiện những chuyến hành đạo ra miền Trung. Phong thái nhà Du Tăng thanh thoát chánh niệm, khoan thai từng bước chân an lạc, khất thực hóa duyên đã chuyển hóa tâm thức thoát tục nhiều đời. Ngài về chùa đảnh lễ xin phép Thầy bổn sư cho mình thực hiện tâm nguyện, thực hành đời sống Khất sĩ khất thực hóa duyên, vân du hóa độ, Hòa thượng bổn sư hoan hỷ chấp thuận. Sáng hôm sau, tại chợ Quảng Ngãi, Ngài đến tham vấn đoàn Du Tăng, đảnh lễ Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên. Sau khi nghe Ngài thuật hết sự tình và bộc bạch tâm nguyện của mình, Hòa thượng Pháp sư hoan hỷ tiếp độ và ban cho Ngài Pháp danh Thích Giác Lai.
Kể từ đó, Ngài theo bước chân Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên vào miền Nam tu học. Trải qua thời gian gần 6 tháng nung đúc trí tâm, trui rèn hạnh đức của người tập sự Sa di tròn đủ, vào ngày Rằm tháng 7 năm 1961, Ngài được Hòa thượng Pháp sư cho đăng đàn thọ giới Sa di tại Tịnh xá Ngọc Hạnh, Hóc Môn.
Hơn 4 năm tháp tùng đoàn Du Tăng Khất sĩ để thực tập và trau dồi chí nguyện của một vị Sa môn Khất sĩ, Ngài không những luôn tinh cần thực hành đời sống khất thực hóa duyên, mà còn gia sức chung lưng đấu cật cùng Hòa thượng Pháp sư và chư Tôn đức Giáo Đoàn IV mở mang, xây dựng các đạo tràng tịnh xá tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Công hạnh viên dung, giới đức tăng trưởng, vào ngày Rằm tháng 7 năm 1965, Ngài được Hòa thượng Pháp Sư truyền thọ Cụ túc giới Tỳ Kheo, tại tịnh xá Trung Tâm, Gia Định.
3. Thời kỳ hành đạo
Từ năm 1965 – 1970, sau khi thọ giới Tỳ kheo, Ngài nương theo gót Hòa thượng Pháp sư và chư Tôn túc Giáo đoàn IV hành đạo khắp hai miền Đông và Tây Nam Bộ, sống trọn vẹn đời sống của nhà du Tăng Khất sĩ với tâm hạnh:
“Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn dặm xa
Muốn thoát đường sanh tử
Xin độ tháng ngày qua”
Từ Sài Gòn – Gia Định, Biên Hòa, Vũng Tàu, ngược lên Tây Ninh, Bình Dương, rồi xuôi về Cần Thơ, Sóc Trăng, Ngã Năm, Ngã Bảy đến Rạch Giá, Châu Đốc,… nơi nào cũng lưu dấu bước chân du hóa của Ngài. Các miền tịnh xá Ngọc Hạnh (Hóc Môn), Ngọc Phước (Bà Rịa), Ngọc Hương (Vũng Tàu), Ngọc Hưng, Ngọc Hòa (Sóc Trăng), Ngọc Sơn (Rạch Giá), Ngọc Châu (Châu Đốc), Ngọc Phụng (Ngã 7),… đâu đâu cũng in đậm dấu chân một thời hành đạo và công lao vun vén tô bồi đạo tràng Tam bảo của Ngài.
Năm 1972, vâng lời chỉ giáo của Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, Ngài cùng 46 vị sư về an trú tu học tại Tổ đình Pháp Viện Minh Đăng Quang (ngã ba Cát Lái, Saigon). Tại đây, mỗi buổi sớm mai Ngài thường cùng chư Tăng đi khất thực hóa duyên quanh vùng; buổi chiều lao tác, vun vén, trang nghiêm ngôi già lam, chiều tối tham thiền tịnh tu. Gặp thời nhiễu nhương, đạo tràng Tam bảo Pháp viện Minh Đăng Quang kinh qua mấy độ thăng trầm, Ngài vẫn trước sau một lòng trung kiên, kiền thiền và gắn bó, không chút lãng xao, không nệ hà gian khổ nhọc nhằn, vừa tu tập vừa giữ gìn trang nghiêm trú xứ Pháp viện.
Năm 1994, sau khi Trưởng lão Thích Giác Huyền viên tịch, Ngài được Giáo đoàn IV công cử kế nhiệm Trụ trì Tổ đình Pháp Viện Minh Đăng Quang.
Điểm đặc biệt của Ngài là mỗi khi có Tăng Ni và Phật tử tới thăm, trong câu chuyện trao đổi dù là chuyện sinh hoạt bình thường hay vấn đề tu học, Ngài luôn sử dụng phương pháp “Ý tại ngôn ngoại”, mỗi câu từ của Ngài tuy bình dị, dân dã, rất mực đời thường nhưng chuyển tải ý vị thâm sâu về triết lý nhân sinh, sanh lão bệnh tử, thăng trầm đau khổ và hạnh phúc…
Với lối sống và tu học bình dị, chân chất giản đơn, ngoài thời khóa tịnh tu nơi tịnh thất, Ngài thường rảo quanh khuôn viên Pháp Viện, một tay cầm chổi, một tay cầm rựa, cuốc, cào… quét tước, dọn dẹp, san lấp, nhặt từng chiếc lá vàng rơi góp phần trang nhiêm đạo tràng với lòng hoan hỷ an lạc vô bờ. Hình ảnh một vị Hòa thượng đứng tuổi, tay cầm chổi quét từng chiếc lá khô đã trở thành hình ảnh sinh động, lưu dấu ấn sâu đậm trong tâm thức Tăng chúng và Phật tử tại Pháp viện. Chính nhờ tâm hạnh của Hòa thượng mà khuôn viên Pháp viện rộng hơn 3,5 ha, gần 2/3 diện tích được phủ xanh bởi rừng cây bạch đàn và keo tràm, nhưng lúc nào cũng chỉnh tề sạch sẽ trang nghiêm, tạo duyên lành khởi tâm hoan hỷ cho quý Phật tử và khách thập phương vãng lai chiêm bái.
Trên bước đường hành đạo, Ngài đã rộng lòng từ bi tế độ những người đệ tử hữu duyên. Lắm khi, vì muốn tôi luyện ý chí sắt đá, tâm Bồ Đề kiên cố của người đệ tử, Ngài có những lời giáo huấn trực ngôn, có phần nghiêm khắc để hướng tâm cảnh tỉnh.
Trong chúng đệ tử xuất gia hiện tại còn các vị: Hòa thượng Minh Thuấn, Đại đức Minh Lợi, Minh Tảo, Minh Thống, Minh Thủ và Tỳ kheo Minh Tùng,… Những vị kết duyên thọ học gồm: Hòa thượng Giác Hiệp, Hòa thượng Giác Truyền (viên tịch)…. Ngoài ra, Ngài còn chứng minh truyền pháp quy y cho nhiều thế hệ Phật tử tại gia phát tâm nương về Tam bảo tu học.
Năm 2005, để rộng kết nhân duyên, cũng là thể hiện đạo tình linh sơn pháp lữ và đặc biệt là kính trọng ân thâm của bậc Thầy dẫn đạo, Ngài tháp tùng cùng chư Tôn đức trong Hệ phái và Giáo đoàn đi thăm viếng và hành đạo tại Mỹ quốc.
Năm 1992, Ngài được cung thỉnh vào hàng chứng minh Ban đại diện Phật giáo Huyện Thủ Đức (1992-1997)
Từ 1997 – 2021, Huyện Thủ Đức được chia thành 3 quận (Quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9), Ngài được chư Tôn đức cung thỉnh vào hàng chứng minh của Ban đại diện và Ban trị sự Phật giáo liên quận.
Từ năm 2002 đến ngày viên tịch, Hòa thượng được chư Tôn đức Hệ phái suy tôn vào hàng Giáo Phẩm chứng minh Hệ phái.
Năm 2012, Hòa thượng được Giáo hội cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội cho đến ngày viên tịch.
4. Thời kỳ tịnh dưỡng và viên tịch
Từ năm 2009, Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang chính thức khởi công đại trùng tu, nhận thấy sức khỏe của mình bắt đầu suy giảm, Hòa thượng hoan hỷ chuyển giao trọng trách trùng hưng Pháp viện cho chư Tôn đức Giáo đoàn đảm nhiệm, Ngài lui về tịnh dưỡng.
Đến năm 2014, công trình xây dựng Pháp viện tạm ổn định, Hệ phái và Giáo đoàn IV cung thỉnh Hòa thượng Thích Giác Toàn đảm nhiệm Trụ trì và cung thỉnh Ngài vào cương vị Hòa thượng chứng minh Pháp viện Minh Đăng Quang.
Từ năm 2018, thân tứ đại của Ngài hiện tướng suy mòn, mấy phen vào ra bệnh viện, Ngài không còn đi đứng linh hoạt, không tham gia các cuộc hội họp xa gần. Lúc khỏe, Ngài được đệ tử hầu cận đưa đi dạo quanh Pháp viện, phơi chút nắng gió buổi ban mai, hoan hỷ và mãn nguyện. Lúc trái gió trở trời, Ngài an tịnh quẩn quanh nơi tịnh thất của mình, kham nhẫn và hoan hỷ với bệnh duyên đau ốm, không phiền nhiệt cáu gắt. Ngài luôn tùy thuận với điều kiện sức khỏe, xem thân thể như có như không, chỉ có tâm đạo Bồ đề là không sinh không diệt.
Vào ngày 22 tháng 5 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 20 tháng 6 năm 2022), sau mấy ngày trở bệnh, Ngài phải nhập viện cấp cứu. Thầy giỏi thuốc hay, chăm lo tận lực nhưng sức khỏe Ngài ngày một yếu dần. Trưa ngày 26, Ngài chợt tỉnh biết, dạy thị giả đưa về Pháp viện, rồi thiếp đi. Trưa ngày 27, chư Tôn đức Giáo đoàn IV cung thỉnh Ngài về Pháp viện Minh Đăng Quang. Đến 20 giờ 10 phút, thị giả chuẩn bị cho Ngài uống thuốc, Ngài nghiêng đầu rồi an tường đi vào cõi tịch nhiên.
88 năm trụ Trần thế, gió sương thanh tục,
hành thông hạnh trung kiên kham nhẫn
57 năm nương Bồ đề, tuế nguyệt tròn khuyết,
giác liễu đức hề hà dân dã.
THÀNH ý ngũ phần hương khói xông
KÍNH cung bái biệt lệ vương lòng
TƯỞNG người hiền đức hồi Tây trúc
NIỆM đạo tinh cần cảm ứng thông
GIÁC tánh quang minh viên chiếu diệu
LINH đàm thắm nở nhuận tươi hồng
TRƯỞNG căn lành khởi Bồ đề tánh
LÃO bách tùng an trụ đông phong
HOÀ hạnh linh quang trần hữu nguyện
THƯỢNG toà cửu phẩm rực sen hồng
THÍCH dòng Khất Sĩ Như Lai sứ
GIÁC lợi quần sanh rạng Tổ tông
LAI khứ nhơn gian tuỳ duyên hiện
TÂN khai thánh chủng đức vun trồng
VIÊN dung phúc trí hồi sanh chúng
TỊCH liễu chơn thường tỏ sắc không.
Nam mô Giác linh Trưởng lão Hòa thượng thùy từ chứng giám.