Công Lý Võ TrụTải xuống chương 10
Nghe sách nói chương 10. Công Lý Võ Trụ
I
Công lý cũng tức là chơn lý, hay lẽ chánh đẳng chánh giác, trung đạo dung hòa của võ trụ. Công lý nghĩa là lẽ không thêm, không bớt, bằng nhau, đạo lý rất công bằng, không chênh lệch thiên tư về mặt nào. Thể của công lý là sự không lượng không biên, không cố chấp, vô cực. Tướng của công lý là hình thể của vạn vật các căn. Dụng của công lý là luật pháp giáo lý tương đối biến hóa. Lý của công lý là tự nhiên, vắng lặng, bằng thẳng, mát mẻ.
II
Cũng như quả địa cầu để trên một dĩa cân to lớn phía bên nây, và dĩa bên kia thì để một quả tạ khổng lồ, hai cái bằng nhau trong muôn đời kiếp, từ thành cho đến không, từ sanh cho đến diệt, nó cũng vẫn bằng y nhau, không thấp cao nhẹ nặng chút nào. Cũng như đất nước lửa gió trong quả địa cầu, mặc dầu có sự thay đổi lăn xoay, nhưng không bao giờ mất đi một tí, mà lại vẫn bằng nhau.
Mỗi quả địa cầu có bốn phần nước, ba phần núi, một phần đất, bốn phần gió, bốn phần lửa, không bao giờ hơn kém và sẵn ở nơi nhau. Cũng như chúng sanh vạn vật và các pháp bao giờ cũng là một, một thể sống ở trong nhau, không dư thiếu, mà trái lại sự ẩn hiện của nó lại chẳng đồng đều, hoặc đã có, hoặc đang có, hoặc chưa có, tức là cái có đã tự bao giờ, không đầu đuôi chính giữa, nên gọi là thể của chơn như một mực. Cũng như quá khứ, vị lai và hiện tại vốn không phân biệt, vẫn là trong mỗi lúc có đều đủ cả thảy, xưa nay có một, động tịnh vốn không hai. Lý sự có đổi dời, bánh xe lăn xoay có lui tới, có khổ có vui, có sống có chết, có giặc giã có thái bình, nhưng trong này có kia, trong kia có này. Từ tinh thần vật chất, thân tâm, ta người, hôm nay và ngày mai thảy đều có chứa đựng lẫn nhau. Cho đến trong mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi ý niệm cũng đều có chứa đủ cả các pháp tương đối khác, cho nên gọi là đạo lý công bằng, không bỏ sót điều chi mảy may. Cũng như Niết-bàn, thiên đường, nhơn loại, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, cảnh giới nào cũng có đủ hết, ai cũng vẫn chứa mang những cái kia, tức là một thể sống điều hòa, không cho ta thiên vị, sa ngã. Do công lý đó tạo cho tâm hồn ta sự giác ngộ lẽ chơn như, như nhiên, như thường, như vậy, như như, sao cũng được, sao cũng xong, sao là sao, sự bất chấp, công bằng, thứ tha, đứng vững, tức là từ bi hỷ xả và bình đẳng vậy.
III
Công lý tức là tự nhiên, dầu thưởng phạt hay không thưởng phạt, dầu trị lập hay không trị lập, trong mỗi lúc công lý đều có chứa sẵn cái tương đối để giác ngộ, dạy dỗ chỉ rõ bày, chậm mau gì ai cũng được học. Cho nên chúng sanh gọi công lý là pháp, hay là giáo lý để đưa người đến nơi toàn giác là sự biết, sáng suốt, hết mê lầm thì mới chịu giải thoát đứng yên nghỉ mệt, cũng như cây trụ cốt cân nơi chính giữa, thẳng bằng đứng sựng. Bởi công lý trùm khắp tất cả, nên gọi cõi đời dầu lúc nào cũng là Phật quốc tịnh độ cho người giác ngộ, an dưỡng nghỉ ngơi vắng lặng. Người hiểu công lý rồi thì tâm định, được hưởng quả yên vui, cái ta chắc chắn, không còn rối loạn, câu chấp nói làm lo âu nghĩ ngợi. Vì vậy mà kẻ trí gọi công lý là mặt đất lưu ly pha lê vàng bạc, sạch sẽ bằng thẳng quý báu vô cùng, hay cũng gọi đó là chỗ tâm của chư Phật vậy.
Thấy được công lý là nhờ cặp mắt sáng tương đối của trí huệ, cho nên gọi rằng: Công lý sanh trí huệ, hay là trí huệ sanh công lý. Khi đã biết gặp rồi thì hết lầm lạc, không còn níu đeo theo cái khổ nghiệp, mới đứng yên chịu phép (Pháp là ánh sáng giáo lý giữa trí huệ và công lý, gọi là Pháp bảo của chư Phật, đang vẫn sẵn có trong thế gian).
IV
Vậy nên, khi đã giác ngộ rồi thì ta thấy rằng: Phật, Trời, người, thần, thú, ma, địa ngục, cỏ, cây, đất nước gió lửa thảy như nhau, bằng nhau, giống nhau không có điều chi phân biệt, trong những sự sai khác, khác nhau nơi bề ngoài. Và cái ý của chúng ta không bao giờ còn có được. Công lý cũng như hai bàn chưn của ta, cũng như hai lỗ mũi, như hai lỗ tai, như cặp mắt, như hai tay, là của cải, sự thành công. Do các căn lành ấy, để thâu vào một cửa miệng, chứa vào một bao tử đặng nuôi sống cả cơ thể chúng sanh chung; hay công lý tức là cái trường học, để chứa ở dạy nuôi người hiền thánh vậy. Sức mạnh của công lý như hai vai, như cầu sắt, như mặt đất, như nước bằng, như tàu xe, như hàng rào, như lộ cái, như biển cả núi to, như lửa gió, hư không là một sức mạnh từ nhỏ tới lớn, một sức mạnh không lường. Nắm được lấy nó sẽ toàn thắng tất cả mọi phương diện, mà gọi là cái sống của tất cả chúng sanh, không có nó muôn loài chết thảm.
Công lý sanh ra giáo lý, giáo lý có hai để đem lại công lý là một, nên gọi rằng: Giáo lý là pháp thế gian tương đối để đem lại sự giác ngộ là công lý pháp Phật tuyệt đối, tạo cái giác là Phật cho chúng sanh, vậy nên gọi cõi đời là cõi Phật. Phật đã thành, Phật đang thành và Phật sẽ thành, ai ai rồi cũng là giác, biết, Phật cả thảy. Cũng như mặt đất là cõi Phật đã lập, cõi Phật đang lập và cõi Phật sẽ lập, như vậy tức là xứ Phật tất cả rồi đó. Chỉ có điều là chúng sanh đã giác ngộ nhận ra, hay đang giác ngộ nhận ra, hoặc chưa giác ngộ nhận ra đó thôi. Như kìa là thế giới của Phật A-di-đà phương Tây, hay là cõi của Phật Dược Sư phương Đông, thật trang nghiêm bình đẳng mát mẻ thanh tịnh vô cùng. Cõi của chúng ta mai kia cũng được như vậy là do mọi sự cố gắng của công tâm, do nhờ giáo lý tiến hóa của chúng ta thì mới chắc được sự sáng lòa rực rỡ, đâu còn lo gì sự lổng chổng không công, mệt nhọc, mãi hoài thót ruột.
Công lý vốn sẵn nơi việc làm, nơi lời nói, nơi ý tưởng, nơi ta, nơi người, nơi xác thân, tâm hồn, lý trí. Nó phát sanh từ nơi tứ đại lăn xoay, như bánh xe, như cây cân, như mặt kiếng, là sức rung động phản dội mạnh mẽ phi thường huyền bí kỳ diệu. Vì đó mà lắm kẻ quá tự tin cho rằng: Có bàn tay sắp đặt cõi đời, có đấng chúa tể nào đó mới có chúng sanh, và chúng sanh ở trong định luật các pháp của vị ấy. Vạn vật bởi vị ấy tạo ra, vị ấy là cha sanh ra, trước hết sanh ra vị ấy bởi một lý thuyết mênh mông; chúng sanh là con, mỗi chúng sanh đều có tay sai quỷ thần hộ mạng, sắp đặt giữ gìn nuôi sóc. Cũng có kẻ trong giấc chiêm bao mơ màng, khi tưởng tượng cùng trong khi mới chết, hay lúc trở về già đối mặt với phản giác kính trừu tượng của công lý như đứng trước gương nghiệt cảnh mà thấy ra tù khám Diêm vương xử phạt, hoặc gặp phải cảnh Thiên đường xứ Phật trong thế giới tưởng tượng, chịu lắm sự thưởng phạt vu vơ hình bóng lâu ngày.
Đã đành rằng công lý là luật dĩ nhiên của tạo hóa thì cần gì sự bênh vực hay xử phạt để giúp đỡ cho chúng sanh tiến hóa mau hoặc chậm mới được hay sao? Nào đợi phải vua trời, vua đất, vua người, kiếm người làm việc mà gìn giữ cảnh giới nào? Đã là công lý thì kẻ ác trẻ con phải chịu sức phản dội nặng nề đau đớn của việc làm hơn là người thiện; hành vi của kẻ thiện như giá cân lổng chổng, ngông nghêu, mỏi mệt, ngộp sợ hơn là người không thiện không ác, giữ mực song bằng. Công lý vốn không thiện ác thưởng phạt, mà kẻ làm ác thiện thì bị thưởng phạt, khổ vui, cười khóc, phiền não, lăng xăng, trói buộc, chớ ích gì! Thế nên cõi của bậc giác ngộ và những bậc đã giác ngộ rồi, thì cần gì pháp luật cõi linh hồn hay xác thịt, nào đợi gì phải có âm phủ, dương phủ, sự thưởng phạt của người trời quỷ. Nếu họ biết xử phạt cai trị người, còn ai xử phạt cai trị lại họ, chẳng là bất công, hay lợi dụng công lý, làm quyền, chẳng là ngang bạo lắm sao? Đã là ai cũng như ai, nếu không ai mượn mình chỉ dùm công lý, thì hà tất phải tự mình bày khai, bắt buộc ép người phải học, phải tuân theo. Bởi vậy cho nên, cõi công lý là cõi vô quyền, vô trị, không có giai cấp việc làm chi cả, mà chư Phật Thánh y theo, nên không bao giờ khổ lụy.
Kìa xứ Cực Lạc, nọ Giáo hội Tăng-già, nơi ấy chỉ có công lý là Pháp bảo, giáo lý học hành, không giai cấp phái môn, chẳng ai làm việc cho ai mà được muôn năm hạnh phúc, vĩnh viễn yên vui, giải thoát hoàn toàn, nào đợi oai quyền chế độ.
Than ôi! Nếu bao giờ chúng sanh chưa tỉnh ngộ, chưa nhận được công lý nơi mình, chủ tể là mình, thì muôn kiếp vẫn mãi làm tôi mọi cho kẻ hoang đàng dốt học, mà bị trói buộc đáng thương xót vậy. Nếu chúng ta hiểu ra công lý, thì trong đời cần gì ai lại phải đi làm tôi mọi sắp đặt xử trị cho kẻ khác hay sao? Đã sẵn công lý thì nào ai phải mượn ai, mà có ai lại sắp lo cho rồi, những việc mà người ỷ lại, để buông lung làm ra mãi mãi. Vậy nên tốt hơn là mỗi người đều phải tự học hiểu công lý, để rồi đời sống của mình ra sao do hành vi của mình, là mình chịu lấy chớ khen chê, chẳng là hay hơn. Chớ nếu, kẻ thì giữ gìn luật pháp sắp trị như tôi tớ, còn người lại làm chủ ỷ lại pháp luật có sẵn để cứu mình, mà mãi tha hồ tạo nghiệp, để đến lúc bị xử phạt lại than van, hoặc được thưởng khen thì cười vui hê hả. Như vậy chẳng là tội nghiệp cực khổ cho kẻ làm quan vua lắm sao? Mảng vì bị danh lợi, dân chúng tôn hùa bợ đỡ, để mãi làm tay sai cho dân chúng suốt đời, mà trái lại lắm kẻ ham đua chen vào vòng xích tỏa, rồi một ngày kia ai cũng quan vua hết, thì hỏi vậy chớ còn ai mà làm dân, rồi ai xử phạt cho ai? Lắm khi mảng lo thiện ác cho người, mà quên sự phải quấy của mình, bởi địa vị càng cao lòng tự ái càng trọng, khó dằn tâm sửa trí mà phải bị quả báo trừng phạt về sau.
Công lý võ trụ chẳng bao giờ bảo ai đứng ra thay thế cả, chẳng bao giờ bảo ai dạy sắp cho ai, và chẳng bao giờ bảo ai ỷ lại nương theo ai, sao chúng ta lại tìm chi những cái vô lý ấy vậy. Công lý là chủ tể, tâm của mỗi người. Tánh của nó là định, chơn như bình đẳng, bằng ai vọng động bất công thì bị quả báo vay trả tức thì. Nên chi chư Phật tạm gọi là chỉ bảo đạo lý cho chúng sanh, người mà cầu khẩn tìm nghe học hỏi, chớ chẳng xưng thầy, buộc người phải học, vì ai nấy cũng như nhau mà thôi.
Vả lại, dầu có khổ vui còn mất đi nữa, thì trong cái này có sẵn cái kia, trong cái kia có sẵn cái nọ, dầu thái quá bất cập hay trung dung đi nữa thì cũng như nhau, có ai mà đi chiều được ý muốn của kẻ tham lam, khi ưa vầy khi muốn khác, cho họ được vừa lòng. Cho nên bằng sự dạy chỉ cho công lý kia, mà chư Phật còn ít nói thay, huống chi là đem mình đi làm những việc vô ích chi chi, lếu rộn, bôn chôn, giữ gìn, bênh vực. Bởi thế cho nên, chư Phật dạy rằng: Cõi trời người địa ngục còn khổ bởi vô minh, biết thiện ác mà không có học công lý, nên mới chấp nắm giáo lý thế quyền khổ nhọc không công, vô lý sái trật lắm; mà lại nếu pháp luật nhiều thì kẻ gian ác lại thêm nhiều. Kìa Phật là một kẻ chúng sanh như ta, nhưng nhờ biết công lý rồi, thì vua trời, vua người, vua quỷ, không lấy lẽ gì cai trị đặng, mà trái lại còn tôn thờ học hỏi.
Vậy ta nên làm Phật, học hiểu công lý, biết thấy đạo tâm, mới là giải thoát, giải thoát hoàn toàn. Vậy ta nên nhớ rằng: Giác ngộ công lý như Phật kia mới là thật. Còn giáo lý thế quyền giai cấp, chế độ thần quyền, là lớp tạm
để dạy phạt kẻ tối tăm dốt nát, dại khờ quấy ác thôi.
Vậy nên, các thầy giáo trong đời ấy cũng là tạm theo mỗi lúc, rất mệt nhọc. Mà tất cả thầy trò lớp học còn phải cần sửa đổi học hành, để đem nhau đến lần công lý đặng giải thoát. Hiểu nơi công lý, các lớp xã hội ấy dầu không có cũng được, đợi gì phải đi bênh vực lo riêng cho loài người mà bỏ thú vật, hay bỏ các loại khác bất công để lo cho vô ích, đã không ai mượn lại cũng chẳng ai nghe lời đó vậy. Dầu mà có người tôn lập ép buộc cầu khẩn đi nữa thì khi nhận lấy thế quyền, mục đích là phải lo cần yếu dạy học, còn sự sắp đặt là tạm sơ cho có chừng trong mỗi lúc theo thời duyên cho xong mà thôi. Cốt yếu làm sao cho học sanh mau hiểu biết, để khi nó đã biết công lý rồi thì không cần sắp đặt, chúng nó cũng tự hòa hiệp yên vui lấy nó, mà đố ai xúi bảo nó đi làm sái quấy cho được. Vậy ta nên xem gương học trò lớp chót hỗn tạp ồn ào bất trị, mà nào ông thầy giáo có khổ tâm về chỗ đó, ông chỉ sắp tạm sơ cho lấy có, và cần dạy học mà thôi, nhưng trải qua lâu ngày giờ có học tập, thì nó càng êm thắm thuần thục lần, và khi đã lớn khôn bước lên lớp trên cao, thì học sanh ấy thật là hoàn toàn tốt đẹp. Chớ nào phải đâu là sự mãi lo ăn ở giựt giành trốn học để đi chơi chịu dốt hay sao? Nếu không hiểu công lý thì thật là dốt, đã là dốt thì làm sao hiểu được mục đích chánh đẳng chánh giác, trung đạo Niết-bàn là chỗ đến của tất cả chúng sanh hòng đi tới, đi tới công lý của võ trụ để làm chúa tể lấy ta, giữ gìn bổn ngã.
Trong đời kẻ không biết công lý, cũng như người không có con mắt chủ tể, thì các căn kia cũng chết liệt, khác thể thây ma, như cái tử thi vô dụng, dơ thúi chật lối choán đường để phải vịn đeo lần mò theo kẻ khác, mặc phú thác cho kẻ dẫn đường, rủi may tới đâu trối mặc. Nếu gặp phải thầy trò như nhau, hay quỷ ma dối gạt thì còn gì là số phận, vấp té sụp nhào ngã lộn đớn đau, bị hành phạt mãi, bởi mê tin theo lời bốc bướng.
Cũng lắm kẻ cho rằng không có công lý, nên tha hồ làm ác, phải chịu họa tai. Chính công lý là một sức mạnh, một quyền thế, chớ không phải quyền thế sức mạnh là người ta ai ai, mà lắm kẻ lại áp dụng để hiếp đáp người. Nhưng đã là công lý, như bóng theo hình, kẻ trèo cao sẽ té nặng, người xảo trá há lại được bình yên mãi đâu? Đối đầu mới biết mình thất bại, tự mình hại lấy mình, không than trách. Vậy nên ta nhớ rằng: Trong đời chẳng có ai hơn và
chẳng có ai thua, cả thảy sau trước vẫn bằng nhau mà thôi.
Xưa kia có kẻ giết một tên cướp để cứu mười thương khách, nên đời sau được hưởng giàu sang của mười gia tài, mà sau rốt phải bị chết chém. Một vị tướng giết muôn mạng để binh vực một xứ kia, nên được xứ kia tôn làm vua, nhưng muôn kiếp khi chết đều bị giết hại. Ấy đó tức là công lý rõ rệt, thưởng phạt phân minh, mà chính trước mắt chúng ta hằng thấy mỗi ngày nơi nhân loại, dầu việc to việc nhỏ không bao giờ khỏa lấp. Một nhà sư đi đường đạp cỏ, nên tới nhà người phải bị chúng khinh khi. Một kẻ ngắt luộc rau, về sau cả mình đau nhức. Người đập muỗi, giết ruồi, chà kiến, nên phải bị sự đánh đập, ép ngặt, chà xát, chết vì đòn đau. Người làm cá, sau phải bị phân thây, lột áo, khi chết đứt đầu, mất ruột. Kẻ giết chó thì chết tru. Người làm heo khi chết bị nghẹt cổ. Kẻ lột da thú cả mình ghẻ lở. Cùi phong là bởi chặt tay chân người. Còn kẻ giết người thì bị người giết lại. Các nghiệp quả sẽ trả lại cho người gieo, hoặc bây giờ, hoặc khi chết, hoặc đời sau, nhơn thiện nhơn ác thì quả thiện quả ác, trước sau hoặc mau hay chậm. Người gieo nhơn lộn xộn thì kết quả lộn xộn, kẻ lựa giống rặt ròng thì kết quả rặt ròng. Nhơn trong sạch không thiện ác thì quả cũng trong sạch không thiện ác. Khi người gieo nhơn thì quả đã tượng trong tâm, và sau này nó còn xuất hiện ra ngoài mà đến cho ta. Cũng như kẻ làm ác, một là bị lương tâm hành phạt, và rồi còn bị quả báo đến nơi ngoài: hoặc kẻ đó hại lại ta, hay là người khác trả giùm, dầu sau hay trước, ta không tránh đâu sự báo đáp. Có điều là nặng hay nhẹ, do sự biết sám hối cùng không! Cũng như kẻ kia bằm cá, soi ếch cho là không tội, bởi nói không tội bướng liều, nên quen tay làm mãi, tập lần tánh ác giết đến cả người ta. Cho nên về sau bị giặc trăm người bắn giết phân thây trăm mảnh. Chớ chi mà biết sám hối ăn năn sớm chừa dứt lỗi thì quả báo nhẹ hơn, hoặc vả như đau nhức từng miếng thịt, hay như bị trói mình cũng còn dễ chịu.
Vậy nếu chúng ta sớm nhận tội, chẳng khá hơn là để tội kéo dài, nảy nở chịu nặng lâu ngày. Nếu biết tội thì tội còn phương chừa bỏ, còn mà không biết tội thì tội mãi thâm sâu. Cho nên, xưa kia Phật có dạy rằng: Giặc giã cũng như người giết cá, tiền khiên ai giết cá thì đời sau cá tìm giết lại, mà chẳng bao giờ nó phá hại kẻ vô can. Khi ta làm giặc giết cá, thì khi kia cá cũng làm giặc giết ta, không sao tránh khỏi. Có những kẻ kia đạp gai, cá đâm, vấp người mà chết, ấy cũng chẳng phải là công lý nhơn quả hay sao? Có người nọ ăn rau sanh bịnh, ăn thịt làm độc, đánh người mà đau, ấy chẳng phải là vì ăn nó nó ăn mình, mình đánh họ họ đánh mình, mới ra nông nỗi.
Cho hay rằng nếu trong đời không có lăng xăng như vậy thì đâu có cõi đời. Mà thử hỏi lăng xăng nhơn quả thiện ác như vậy, cho khổ mệt để làm chi? Ích lợi cho ai? Như vậy thì sự bằng thẳng yên lặng không thiện ác như chư Phật, chẳng là hạnh phúc quý báu hơn hết? Ta nên biết rằng, thiện ác phát sanh tại tâm lúc khởi, thì quả báo cũng đã có sẵn nơi tâm xuất hiện rồi, nào đợi phải có kẻ nơi ngoài mà ngăn tránh, và tránh sao cho khỏi? Mọi nỗi vui buồn trong từng giây, từng phút là do nhơn quả, bằng không nhơn quả tức là sự phẳng lặng Niết-bàn công lý, thì không còn sự khổ não của vui buồn lộn xộn.
Cũng có kẻ gieo hột mà không có trái là bởi sự không vun phân tưới nước mà nó chết ngang, hay chặt bỏ khi mới mọc, cùng là hột giống gieo trong đống lửa bị chết co thì mới không còn quả báo. Hột giống ấy tức là tâm vọng, lửa kia là trí huệ, lửa trí huệ đốt trừ tâm vọng, gươm trí huệ cắt chẳng cho sanh, hay như sự chẳng nói làm ô nhiễm là không nước đất, thì mới không thọ hưởng quả báo. Có người mãi gieo trồng vun phân tưới nước, lại sợ quả báo chua cay. Vậy nếu sợ là sợ khi trước sự gieo trồng. Bằng sự đã dĩ lỡ rồi, tốt hơn là đừng vun phân tưới nước nói làm nữa. Và còn lại hột giống bao nhiêu trong tâm hãy liệng thảy bỏ đi, hay tìm dao trí huệ, lửa thiền-na trừ diệt, đừng cho sanh thêm nữa. Còn cây nào đã có quả, quả đang sanh mà ta không thể đốn trừ, thì tốt hơn là không thèm sợ, mà bỏ qua tới đâu hay đó, ta chỉ lo nhập định cho vui mà quên lấp nó đi, khi nào quả tới thì mau ăn cho hết, chớ để dần dà cất lại bỏ rơi, đừng cho mai sau mọc lại mới là hết tuyệt.
Ví bằng ta muốn đốn cây đã thật to, thì phải ráng ra công rèn đúc búa to cưa lớn, như bậc Bồ-tát kia mới được. Mà cũng còn là sức đốn một hai cây, chớ như đã trồng nhiều như đám rừng, thì lớp đốn lớp ăn, đừng cho sót mọc. Nếu biết sợ thì đừng gieo, gieo hột có trái rồi thì sợ nữa mà làm chi cho vô ích. Còn sự đốt bỏ, chặt đứt, chẳng tưới vun, là phải xuất gia bỏ thế lìa đời, xa vòng ô nhiễm, trì giới, nhập định, trí huệ mới được. Ngoài cách xuất gia để không tạo nghiệp thêm, để tránh quả xấu và vui chịu hưởng quả cũ, là không có pháp nào yên vui được. Bởi hột giống của chúng sanh vốn sẵn, tức là si mê ngòi mộng, sân giận thịt cơm, tham lam như bao hột, ôm giữ lấy nó làm thân tâm trí của cải lâu đời, để nó ở trong trần thế là chỗ nói làm như đống rác, thì sao lại chẳng mọc lên chồi?
Chỉ có xưa kia chư Bồ-tát triệu ức kiếp vay của chúng sanh hoặc bằng thân mạng, hoặc món cửa nhà, để lo ăn học đeo theo mãi mục đích của sự học, nhờ vậy mà đặng thi đậu đắc quả thành công, trở nên bực toàn năng toàn giác. Các bậc ấy không sợ quả báo luân hồi là do nhờ chủ định, thấy ra mục đích của chúng sanh là học, nên lo tìm học công lý cho mau giác ngộ để cứu đời. Vay của người nuôi thì để đó mà không thèm vội trả, cho rằng bổn phận mình chỉ lo ăn học; còn kẻ nuôi là ý họ muốn cho ta học nên, để dạy chỉ bảo lại cho họ thấy đường đi về sau mà đền ơn, chớ không phải họ nuôi ta như voi ngựa, để bắt ta phải làm thân nô lệ mà đi đền đáp xoay vần.
Vậy bổn phận ta là phải lo chăm học, hãy quên lãng bỏ qua ân nghĩa tạm, đặngđừngphụýtavàlònghọ;màsựcungcấpấydongườihảotâmtựý,chớ ta không gây tạo, nói làm ép buộc, có chi nuôi sống lấy tạm, lếu láo qua ngày, thanh bần đơn giản, làm kẻ du tăng trò khó, chẳng tham sân vậy. Đợi đến chừng đắc quả rồi, mới đem đạo lý giáo hóa cho cả chúng sanh chung, một thời nói pháp cho cả vạn ngàn người nghe, một lời thốt ra để mãi trong thế gian, ghi sâu trong sách sử triệu kiếp, quý giá hơn kim cương. Một câu giảng dạy cứu khắp địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhơn, thiên, đưa về cõi Phật. Cha mẹ quyến thuộc muôn đời, kẻ ơn nghĩa từ xưa, dầu ở đâu đâu cũng đều được giác ngộ siêu thăng. Như Phật Thích-ca xưa, khi đắc quả A-la-hán rồi thì đi giáo hóa cho khắp chúng sanh mà đền ơn xưa nghĩa cũ, khi thì vào địa ngục giải cứu chỉ dạy, khi đến nơi ngạ quỷ khuyên răn, lúc sanh làm thú để cảm hóa làm gương tập dạy, khi làm thần dạy dỗ chư thần, lúc làm cây cỏ thọ thần thuyết pháp, khi sanh cõi người lập đạo, lúc sanh lên trời giáo hóa. Sau khi kiếp chót đền trả hết công ơn của chúng sanh rồi, trong tâm mới được yên vui nhẹ nghiệp mà vào cảnh vắng lặng Niết-bàn. Chính Niết-bàn là nơi hết nghiệp của tâm, mà ơn nghĩa lòng thương của chúng sanh, ta đã được đáp đền thỏa mãn tròn xong đó vậy. Thật vậy, chỉ có pháp thí mới là cách trả nợ mau lẹ đông nhiều, khỏe nhẹ và ích lợi hơn hết. Kẻ chủ nợ ta sẽ làm đệ tử ta, khi trả nợ ta vẫn không mất chủ quyền. Chỉ do lời nói, nơi kẻ tham lam đòi của, ta lại dạy cho bố thí là bến bờ bên kia, để lánh xa địa ngục vật chất; với kẻ sân giận đòi mạng, ta dạy cho nhẫn nhục là cõi Niết-bàn diệt khổ, tắt lửa trong a-tỳ; kẻ giải đãi ăn chơi, ta lại chỉ cho phép tinh tấn là món vui ngon, để dứt lìa nơi cấu trược v.v… Chính nhờ sự vạch đường chỉ lối cho kẻ tối tăm mà cứu độ họ, thì kẻ chủ nợ không còn đòi hỏi, mà lại rất mến cảm thâm ân vạn bội. Bởi pháp bảo là quý hơn hết. Pháp bảo như thịt xương của Phật, đã nắm giữ được nó thì ai còn ức hiếp gì mà đi đòi ngũ trần như thịt thúi xương khô mà làm chi. Ấy vậy cho nên không làm Bồ-tát, không đắc quả Như Lai, không giáo hóa chúng sanh đền ơn, tâm ta không yên vui bằng thẳng, Niết- bàn, ngơi nghỉ. Cũng như chưa làm thầy giáo thì có đâu đốc học hưu trí, và ơn thí chủ của họ còn vẫn kêu đòi, dễ gì cho ta yên tịnh.
Vậy nên nhớ rằng: Niết-bàn là sự không còn nghiệp nữa, sau khi đại nguyện, từ bi, trí huệ đã mòn hết không còn. Cũng giống như kẻ đã ăn no quên hết, như ngủ nghỉ sau khi thức mệt, là lý sự đã hết tiêu, không còn có được, giống như ngọn đèn cạn dầu đã tắt nghỉ, cái nghỉ không cùng. Đại trí huệ của chư Bồ-tát cũng như cái búa to, cây cưa lớn, nên chúng sanh không còn đòi nghiệp quả nơi Ngài, là bởi được học và mến đức Ngài; nhưng tuy vậy chớ nơi nào Ngài chưa xét đến nhân duyên để giáo hóa, thì nơi đó quả chín cũng có kẻ đòi hỏi la rầy, không sao tránh hết được.
Bậc Bồ-tát là đã thi đậu, được học, đi chơi rồi và đang giáo hóa.
Bậc Bích-chi là đã thi đậu rồi và đang nghỉ, đi chơi.
Bậc A-la-hán là mới vừa thi đậu.
Cho nên gọi là Bồ-tát như thầy giáo, Bích-chi là kẻ có học, A-la-hán như học trò mới thi đậu; đều là những bậc đã đắc quả hết rồi, khác nhau theo danh từ của sự: đã mặc áo thầy, đã dạy học, sau trước đó thôi. Bậc A-la-hán và Bích-chi thường khi phải bị trả quả; nếu quả nào chín trước là bởi tại mình chưa đi dạy đạo trả cho họ, nên phải chịu hỏi đòi. Tuy nhờ nhập định đắc quả yên vui, nhưng chỉ là Niết-bàn tạm, vì cái yên vui của người mới thi đậu và còn say mùi pháp, nó chỉ được nghỉ lặng trong một thời gian, khi lâu về sau, tâm sẽ bị xao động lại vì lòng từ bi, đối với nghiệp quả đang đòi hỏi mà phải bước ra đi giáo hóa, tự mình trở lại luân hồi làm Bồ-tát để dứt nghiệp cho mau xong. Các Ngài khi thì tạm mang xác thân trời, người, thú, cỏ cây, thần quỷ; cũng như mặc áo diễn trò, chớ thật ra tâm các ngài không phải giống như trời, người, thú, cỏ cây, thần quỷ đâu. Các ngài chỉ mượn thân xác ấy, đặng dựa theo chúng sanh loại đó, để làm quen mà dạy dỗ đó thôi. Cho nên không có chê thân thú, thân cây, quỷ ma gì cả. Chỗ nào cũng được, chẳng lựa sạch dơ, hạp duyên thì đến, mãn thời lại đi, đã là mục đích đi trả nghiệp bằng pháp, thì không có sự nệ câu chi chi cảnh ngộ nào. Nơi đây các ngài lại được hưởng sự yên vui cao thượng hơn là sự trong sạch của nhập định, chỗ vắng, cảnh tịnh, pháp hay, mà là nhận lấy cái vui tuyệt đãi nơi người, mà quên sự khổ nhọc của mình, vui nơi cái khổ, vui bởi trí hay, vui cùng khắp xứ, vui với đủ hạng chúng sanh, nhứt là cái vui nơi nhẹ nghiệp, như người tắm sạch bụi đất rớt từ lần, như cái vui của một bà mẹ hy sinh, nhứt là cái vui nơi bầy con ngoan ngoãn.
Vậy muốn thấy rõ Niết-bàn công lý của tâm chơn, thì nên suy xét về câu chuyện này. Thuở xưa kia, có một vị sư trong 20 năm thọ cúng dường nấm ngon của một vị thí chủ, vì đó mà thấy sự mang ơn, cho nên sau khi chết tâm nhập định yên lặng không được, mãi vì xao xuyến bứt rứt sanh phiền não, không thể ở chung với bậc A-la-hán đặng, mà lại sợ nẻo luân hồi nên khổ quá mà chẳng biết làm sao. Khi ấy chư A-la-hán thấy vậy mới chỉ cho phương pháp tế độ, là mỗi ngày biến sanh làm nấm ngon mọc trong vườn của người thí chủ mà trả lại. Mỗi ngày mỗi mọc cho đủ 20 năm, sanh làm nấm để chịu nấu luộc đau đớn, nhờ vậy mà mỗi ngày sau khi tỉnh lại là trong tâm thấy nhẹ bớt một phần, đến khi đếm đủ 20 năm nghiệp vọng mới hết, trong tâm được tịnh định mà đắc quả A-la-hán.
Điều nhơn quả ấy là bởi tại vị sư, quên phận sự mình là học trò tu học, mà lại nhận thấy miếng ăn ngon, thèm nhớ, nên mới phải chấp công ơn mà quên đạo lý, lại cũng do thí chủ tu phước đức mà thiếu trí huệ, vả sự nuôi học trò khó sĩ hiền là phải, nhưng sao lại cho miếng ăn ngon, để phải học trò hư tâm và sau này không ai dạy bảo đường lối cho mình. Còn vị sư ấy không được sự nhận xét đến lẽ tế độ chúng sanh về sau, mà bỏ qua ơn nghĩa tạm, mảng vì lòng tư kỷ, tự độ lấy thân mình, bắt người nuôi sóc, thì sao lại được tâm chơn, diệt vọng, mới mãi khổ nhớ công ơn, lương tâm xao xuyến cắn rứt. Ấy bởi học trò lỗi đạo, không thông mục đích của mình, nên mới phải tự đem mình đền quả báo, để mong cho được sự yên vui tạm của Niết-bàn A-la-hán, rồi thì về sau lâu ngày cũng còn nhớ lại đến ơn nghĩa của chúng sanh muôn đời trước, mà trở lại cõi đời để giáo hóa tế độ chúng
sanh nữa vậy.
Vậy thì chúng ta nên nhớ kỹ rằng: Không phải nhơn quả chỉ có một đời, cho một hai người, mà ta hằng đem thân đền trả cho hết đâu! Ta trả nợ xong một chủ, thì sự yên vui vắng lặng chỉ được trong ít ngày mà thôi. Muốn trả hết nợ từ vô thỉ thì bây giờ ta đừng tham sướng no thân, đừng cần thấy nhớ ơn nghĩa chi cả, và phải hiểu mục đích của học trò, lòng mong mỏi của chúng sanh, mà chỉ phải ráng lo tu học thôi, để rồi sau này dẫn đạo giáo hóa lại cho họ, để đạo lý lại muôn đời, mới phải là kẻ giác ngộ, toàn hiếu toàn trung, vẹn toàn ân nghĩa. Nên bỏ sự nhỏ gần, dòm ra nẻo xa lớn, mới không còn lầm lạc khổ sở, mà để lợi ích cho ta và người. Trong đời cũng có lắm sự thiển cận như vậy, cho nên có kẻ mãi chịu luân hồi trả quả, vừa trả lại vừa vay, trả một vay mười là bởi tại có xác thân bao tử, tham sống ăn chơi, nên muôn kiếp trầm luân trong bóng tối, vui để chịu khổ, khổ vui thay đổi, an ủi để hành phạt trong chốn địa ngục a-tỳ vô gián mãi không ngừng, thật đáng thương xót lắm!
Vậy chúng ta đừng chấp công ơn mà trả nợ bằng cách ấy, và cũng đừng bướng bỉnh ngang tàng cho rằng không công lý, mặc sức tung hoành, mà còn quên rằng cái ý của ta bao giờ nó cũng tráo trở, phản đối với hành vi giáo lý của ta luôn luôn, và nó dắt chúng ta đến nơi hành phạt; nhứt là cái ý nó làm cho ta khổ, khổ tại ý mới tìm đường trả quả, mà lắm kẻ lại chưa hay, để khi vui thì cười, khi buồn thì khóc và khóc mãi, lại đổ thừa ai ai trời đất quỷ thần may rủi. Chính cái ý là quỷ vô thường, nó đem xiềng xích bắt lôi kéo tâm hồn ta vào xuống nơi địa ngục, cũng gọi nó là quỷ la-sát dạ- xoa; trí ta như phán quan thơ lại, ghi xét nhơn nghiệp hằng ngày; lương tâm chủ tể ta như Diêm vương ra lịnh đày phạt kết án. Hành vi của ta là vách sắt tường đồng, của cải sự nghiệp ta là sình lầy than lửa, lý thuyết chương trình giáo lý chủ nghĩa của ta là bóng tối ban đêm. Các sự hành phạt là đau thương xiềng xích của luyến ái thân tình. Nó làm cho ta đau đớn khổ chết tâm hồn, chết đi rồi sống lại để hành phạt kiếp tới, lớp khác liền liền. Chính nguồn gốc của sự tìm thân sống là hành phạt nơi địa ngục, làm cho tâm phải chết. Sợ chết lại càng tìm chết, tránh khổ lại chun vào ổ khổ, càng lăn sâu vào thành thị phố xá phiền ba, càng nhào tuông vào cửa vua quan giàu sang phú quý vinh hoa, lại nhủi tuốt vô nhà giam khám tối, chịu lụy khốn
cả thân tâm trọn vẹn.
Ấy bởi sự hiểu lầm, tưởng nơi chốn phong lưu xa mã ồn ào là cõi thiên đường xứ Phật, nên ai mà lại chẳng ham tìm sanh vào nơi phú quý vinh hoa, để hưởng bụi trần no bụng. Nào dè Phật Tiên lại ở trên cao rừng núi, sự tốt đẹp mừng vui, lại là lý trí tinh thần không không các vật. Nên khi mà dầu có tỉnh ngộ thì đã mang tật chướng gông xiềng, nặng nề đau đớn, làm sao mà lên khỏi mặt đất dưới hầm sâu.
Than ôi! Sự mảng lo tranh giành cái địa ngục vật chất nấm mồ, quỷ thần ấu đả, mãi mãi nắm chặt lấy cái ta và của ta nơi đó chẳng hay rồi; còn thì giờ rảnh đâu mà ngó lên thiên đường, dòm qua Phật quốc, xem tới nhân loại, hòng ra khỏi nơi tam đồ bát nạn. Bởi say mê điên đảo, chưa thức tỉnh, chẳng nhìn ra. Có lắm kẻ ỷ lại rằng: Tôi hay phải, tôi tốt đẹp, cao ráo trên đời, tài hay trí lạ. Nhưng nào biết đâu đó chẳng là trong bóng tối ban đêm, sự tiến hóa khéo hay của chư thần quỷ xinh lịch ảo thuật có thua gì, mà nào biết được sự lánh trược tầm thanh, sự bỏ đông tìm vắng, sự bỏ vọng tìm chơn, sự bỏ ma tìm Phật, sự bỏ phàm tìm Thánh, sự bỏ khổ tìm vui, sự bỏ ác tìm thiện, sự bỏ thấp tìm cao của chư Phật Thánh, hoặc của bậc nhơn hiền, mà đem thân làm cây cỏ thú cầm, mặc áo thú cầm cây cỏ để giáo hóa chúng sanh, để đền bù nghiệp tội, để giải thoát phiền não, để lo tu học, để hưởng thanh nhàn. Tuy áo thân dơ xấu, mà tâm hồn an lạc thong thả Phật Trời, hơn là sự chấp lầm thân áo tốt đẹp xuê xang tưởng như Trời Phật, sự tô nhuộm sơn phết bên ngoài khám ngục, để gạt gẫm kẻ tội nhơn, lưới bẫy rập nơm để rình nhốt kẻ gian tà, bắt được tâm hồn đem vào trong rồi mặc sức khổ la cầu cứu.
Chúng sanh bởi chẳng biết mình là kẻ tội nhơn nên mãi tự đi trói buộc, chôn mình, tự đắc, chấp khoe thân mạng; mà lọt sa vào cạm lưới vô minh, lại càng tự cao quây lộn càng bó xiết chặt mình, nên khi đến lúc thì phải chết trơ không còn cựa quậy, đó tức là công lý. Thái quá bất cập, nhơn quả bằng nhau, trồi lên thụp xuống, vui khổ xoay vần, thân tâm tương đối, cái được cái thua v.v… thật là phiền não vô ích, tai hại không ngừng, cao thấp mệt nhọc, tức là bài học trường đời để dạy chúng ta giác ngộ lẽ công bằng chơn lý. Cho nên khi kẻ đã hiểu đạo rồi thì dầu thân này thân khác, tâm kia tâm nọ đi nữa cũng vẫn yên vui một mực, yên lặng dung hòa. Dầu ai có gọi Phật, trời, người, thú, cỏ cây, ma quỷ mất còn sao cũng được, sao cũng xong, miễn
là ta biết lấy ta là đủ.
Ấy vậy chúng ta nên hiểu rằng: Người tội sanh pháp luật chớ không phải pháp luật sanh người tội. Pháp luật cai trị kẻ ác chớ không phải áp chế người hiền. Luật pháp để đem người ác đến chỗ hiền. Muốn cho người hiền và kẻ hiền rồi thì phải lo tu học, tìm hiểu công lý lẽ thật, đặng đến chỗ yên vui cực lạc, chớ khá tự cao đứng hoài mỏi cẳng, sa ngã té rớt xuống hố ác khốn họa, không nên vậy.
Cách ngôn:
“Công lý hơn pháp luật.
Hiền nhân chăm tu học quý hơn là sự lo ăn chỗ ở”.
Thế là ai ai cũng cần phải biết hiểu công lý hết.
02. Ngũ Uẩn
03. Lục Căn
04. Thập Nhị Nhơn Duyên
05. Bát Chánh Đạo
06. Có và Không
07. Sanh và Tử
08. Nam và Nữ
09. Chánh Đẳng Chánh Giác
10. Công Lý Võ Trụ
11. Khất Sĩ
12. Y Bát Chơn Truyền
13. Ăn Chay
14. Nhập Định
15. Bài Học Cư Sĩ
16. Cư Sĩ
17. Tâm
18. Tánh Thuỷ
19. Học Chơn Lý
20. Trên mặt nước
42. Học Để Tu
43. Đạo Phật
44. Tu và Nghiệp
45. Pháp Tạng
46. Vô Lượng Cam Lộ
47. Quan Thế Âm
48. Đại Thái Thức
49. Địa Tạng
50. Pháp Hoa
51. Thờ Phượng
52. Pháp Chánh Giác
53. Số Tức Quan
54. Sám Hối
55. Chơn Như
56. Hoà Bình
57. Lễ Giáo
58. Đạo Phật Khất Sĩ
59. Khổ và Vui
60. Pháp Học Cư Sĩ