Nghe sách nói chương 24. Tông giáo
Khi xưa đức Phật sanh tiền, Ngài chỉ dạy đạo lý cho chúng sanh tu. Bấy giờ đạo Phật còn là thời pháp lý, giáo lý hay là triết lý. Cũng như một cội cây, gốc cái còn và các nhánh đều sống nương theo mình mẹ. Tăng chúng tuy chia ra đông nhiều Giáo hội mà vẫn quy hợp về theo Phật, nên cách tu học không có sửa đổi chi cả. Người ta gọi đó là thời chánh pháp. Từ ngày Phật tịch cho đến nay, Tăng chúng chia lìa, phân chia tông giáo, cũng như các nhánh cây, mất thân mình mẹ, bị chiết lạc đem trồng mỗi nơi, tùy phong thổ mà biến đổi không còn tánh chất giống y như hồi nguyên xưa nữa. Đối với Phật khi xưa, đạo là con đường giác ngộ, chớ không gọi tên là đạo chi cả. Các giáo pháp Ngài nói ra y theo chơn lý, chớ không gọi tên là giáo pháp chi cả. Đạo pháp có là do nhơn duyên, không lường đếm, chớ không phải một hay hai nhứt định, hoặc giữ hoài một việc. Nhờ vậy mà Tăng chúng của Phật, học hành rộng rãi uyên thâm, không còn sở chấp. Bấy giờ đạo Phật là đạo của tất cả, giáo pháp của Phật là giáo pháp của tất cả. Phật không chia rẽ đạo giáo nào, Ngài không cạnh tranh với ai hết. Ngài không chê bai chỉ trích một ai. Trong các đẳng cấp, ai muốn đi xuất gia nhập đạo theo Ngài cũng được. Ngài chỉ giữ riêng một lớp dạy bậc xuất gia khất sĩ mà thôi. Ngài không thâu nạp người tại gia cư sĩ làm đệ tử, không có giành choán tín đồ của tông giáo.
Cư gia ai theo đạo nào cũng được. Kẻ cư gia nào có lòng tin tưởng Ngài, thì Ngài khuyên người ấy, hãy tập lần noi gương về y theo Phật Pháp Tăng đó mà đi tới, và nên giữ lần từ năm giới, tám giới để bước lên mười giới tập xuất gia. Người cư sĩ chỉ có tâm quy y theo Tam bảo, tập xuất gia giải thoát theo Phật Tăng, là gọi tâm theo Phật, chớ năm giới, tám giới còn là bậc chư Thiên cõi trời, là người thiện nhơn, y như các tông giáo, chưa được ở trong đạo Khất sĩ giải thoát của Phật Tăng, chưa được ở gần bên Phật!
Giới luật của Tăng là bức tường hàng rào, đón ngăn giữa sự xuất gia và tại gia, không cho chung lộn. Người tại gia như còn ở ngoài hàng rào, chỉ có kẻ xuất gia nhập đạo mới là được ở trong hàng rào, trong đạo, theo hầu bên Phật. Khi xưa mặc dầu là Phật dạy Tăng, coi sóc cho Tăng, Tăng đi khít bên Phật, thế mà Phật cũng không nhận một ai là đệ tử của Ngài, vì đối với cái đạo của chư Phật, Ngài là người thay thế dạy bảo giùm thôi. Ngài không xưng thầy, Ngài không gọi học trò, Ngài dứt bỏ cái ta và của ta trói buộc. Ngài cũng chưa chắc tin một người đệ tử nào là sẽ theo đúng y như Ngài, và Tăng chúng cũng không ai dám xưng gọi thầy tôi, tôi là đệ tử Phật, vì sợ mình không giữ nổi đạo hạnh y như Phật, là hư tiếng Phật.
Mặc dù giáo lý thì nói rộng, để khuyến khích cư gia hay Tăng chúng. Phật gọi chung là tứ chúng: hai bên xuất gia nam nữ là đệ tử Phật, hai bậc tại gia nam nữ là thiện tín Phật. Phật khuyên cư gia nên phải xuất gia và Tăng chúng là thầy của cư sĩ, vì Tăng chúng như học trò ở học trong trường, còn cư gia là còn đang tập học, còn ở bên ngoài đời tội lỗi. Cư sĩ ngày xưa theo Tăng, chớ không theo Phật nhảy cấp. Cư sĩ ngó ngay mục đích của Phật, mà theo thì phải nương theo Tăng, vì Tăng là nấc thang gần trên cho cư sĩ (có cư gia mới giúp Tăng sư, sự ăn mặc ở bịnh, nhờ đó các sư mới dễ tu học). Tăng chúng còn là đạo Phật còn, mà Tăng chúng còn là do cư sĩ, vậy nên cư sĩ cũng có công lớn với đạo Phật về bên duy vật, tài thí hộ đạo. Nhờ công đức đó mà dễ được xuất gia về sau, nghĩa là sau này tu tới mãi, cũng sẽ được thành Phật, sau theo Tăng chúng.
Phật xưa gọi tứ chúng là kẻ vòng trong, vòng ngoài, trong mỗi khi thuyết pháp, nên gọi tứ chúng là kẻ Thinh Văn, thính pháp văn kinh. Nhưng trái lại, Tăng chúng không ai dám tự cao, mà xưng mình là đệ tử Phật, vì đức Phật là đấng hoàn toàn cao viễn quá, còn Tăng chúng thì ít kẻ diệt được phàm tâm. Hơn nữa cư gia lại cũng khiêm nhượng, không dám gọi mình là đệ tử của các sư, vì các sư phần nhiều chứng quả Thánh, còn cư gia thì đang bị lấm lem dơ nặng. Chỉ có sa-di tập xuất gia theo khít bên Tăng, mới tạm gọi là đệ tử của Tăng thôi, chớ cư gia thì chỉ nhận mình là thiện tín chung, chưa dám chịu làm đệ tử riêng một vị sư, vì bởi cư gia chưa thật hành giống y theo Tăng sư được.
Như thế là tránh cho Tăng sư khỏi phải mang tiếng “Giáo bất nghiêm sư chi đọa”. Cư gia cũng có thể là tín đồ của các tông giáo ngoài đạo Phật nữa, vì cư gia là người còn đang ở trong cảnh thế, còn mắc phải xác thân của cải trong gia đình xã hội.
Như vậy là sự xã giao phải rộng rãi, mới tránh được tai nạn cho thân. Đạo giáo nào, sự phước thiện nào, việc lành phải nào, cũng nên tán trợ, nâng cao, giúp tiếp, để ủng hộ tinh thần dân tộc, và cũng thêm sự ích lợi cho mình nữa. Như thế nghĩa là cư gia chưa có thầy như sa-di, và chưa có ông thầy nào bảo lãnh cư gia cả; cư gia là tín đồ của lẽ phải, chớ không phải của riêng Phật. Phật không có choán tín đồ của các tông giáo khác đạo.
Ngài sống chung tất cả, tất cả sống chung với Ngài. Ngài và tất cả đều ở trong một trường, Ngài là một ông thầy giáo dạy lớp trên của tất cả, chớ không phải đạo riêng. Ngài không tranh cạnh vì bài vở, lớp học. Sự dạy của Ngài khác xa lớp dưới, cũng rất ít ai theo được. Nhờ vậy mà ai cũng mến Phật, Phật đi đến đâu cũng được, và kẻ trí thức của các đạo giáo, ai cũng muốn xuất gia theo Ngài mà tôn Ngài là thầy chung của tất cả. Bởi Ngài là người đã giác ngộ chơn lý, Ngài không còn ngăn chấp nhỏ hẹp, chẳng giống như đời sau này, vậy nên mới gọi thuở ấy là thời chánh pháp.
Thuở xưa cũng có cư gia hết lòng theo đạo Phật, tuy chưa được vào trong đạo theo các sư, vì bởi nhơn duyên phước đức thiện căn kém thiếu, chớ họ cũng tu hành tinh tấn lắm; không được xuất gia đắc quả A-la-hán hiện tại, thì họ hành đạo Bồ-tát, tập giữ giới Bồ-tát, để được đắc quả A-la-hán lúc lâm chung. Cũng như cái vỏ ruột của trái, tuy thua kém bây giờ, chớ cái hột thì sau này cũng thành tựu được, theo sau ai nấy; vì người cho rằng hôm nay người còn nghiệp tội nhiều, chưa giải thoát xuất gia bằng thân đặng, thì họ tập lần cái tâm, nuôi sẵn hột giống Khất sĩ trong tâm. Hễ ngày nào rảnh rang, thân không còn có bận nữa, thì tâm họ cũng được xuất gia theo sau các sư, hay nhờ tâm chí đó, mà đời sau được xuất gia giải thoát. Đúng theo lẽ, nhiều kiếp ác mới tới thiện, nhiều kiếp thiện mới làm cư sĩ, nhiều kiếp cư sĩ mới đến xuất gia, nhiều kiếp xuất gia mới thành Phật. Như thế là chúng sanh từ trong cái vô minh ác quấy tội lỗi tiến lần lên, nhà sư nào đi trước mà tu hành giải đãi, là kẻ đi sau phải theo kịp được.
Vậy nên cư gia rất kỉnh trọng các sư trì giới, nhập định, đắc trí huệ, hơn các sư còn tội lỗi, vì các sư tu chín chắn, là lúc nào cũng đi trước hơn họ, họ phải noi theo và theo không kịp; chớ với các sư tầm thường, thì cũng chẳng hơn họ bao nhiêu, vì bởi họ thấy các sư còn tội lỗi y như họ, cư gia có mắt sáng, là nhờ gần gũi Tăng, và cũng biết luật Tăng; cũng có cư gia học xem kinh sách, chẳng thua gì Tăng cho lắm.
Tăng có hơn họ là bằng giới định huệ, họ mới kỉnh trọng, chớ sự thông minh văn học, họ có kém Tăng đâu, bởi thế cho nên đối với Tăng tội lỗi, thì họ gọi là không phải Tăng, họ chỉ kiêng nể cái áo bề ngoài thôi, chớ thật ra họ không kỉnh trọng Lỗi ấy tại Tăng bỏ đạo, chớ không phải tại họ, Tăng cải sửa không theo Phật, thì trách sao cư gia lại chẳng cải sửa, mà bỏ Tăng. Ở xứ này: Tăng không còn nhóm họp ngày rằm, ba mươi đọc giới bổn nữa, Tăng mạnh ai nấy tu, nên hư tự ý, không cần thuộc luật, không có Giáo hội. Tăng đã rạc rời, chòm nhóm đua tranh, không hợp tác thì trách sao cư gia lại không lập ra tông giáo, đảng phái tư riêng. Vì họ cũng như rắn không đầu, bởi Tăng chúng không cầm đầu họ đặng; cũng vì thế mới có kẻ cư gia lầm lạc bởi không ưa một hai vị sư sái quấy, mà họ khinh luôn cả Phật Pháp Tăng, khinh luôn cả sự xuất gia của họ, họ không bước đến sự xuất gia, họ lại còn ố ngạo kẻ xuất gia là khác nữa.
Cũng có kẻ cư sĩ lại chấp mình, tự cho mình cư sĩ mãi là đúng rồi, họ lập đạo giáo riêng, lập ra chòm nhóm quay đầu ố nghịch lại đạo Phật, để phải vướng cảnh thiên ma đọa lạc, không đường giải thoát giác ngộ, thật là tội nghiệp cho họ; mà lỗi của họ là tại nơi Tăng sư sái quấy vậy.
Cũng vì thế mà có kẻ lại dám nói: cả Tăng sư là bị quả báo, bị đền tội, đang tu, chịu khổ nhọc, còn cư gia là đã tu rồi, thành Phật rồi, bây giờ là đang hưởng phước, không cần tu xuất gia nữa. Họ nói kẻ xuất gia là vì hoàn cảnh trốn tránh, thất bại, chớ không có ai xuất gia vì giác ngộ, vì lòng từ bi thương xót chúng sanh đâu. Thế là cư gia hủy báng Tăng bảo, và kẻ cư gia với người xuất gia ấy là hai người đồng lõa, giết phá đạo Phật.
1. SỰ HIỂU LẦM
Có kẻ lại hiểu lầm là cư sĩ Bồ-tát lớn hơn A-la-hán, họ không hiểu lý nghĩa A-la-hán là Ứng Cúng. Danh từ Ứng Cúng có là do nơi hai chữ Khất sĩ, mà Khất sĩ là chơn lý của võ trụ chúng sanh, Ứng Cúng là xứng đáng cho người cúng dường lễ bái. Nếu không phải là Khất sĩ thì đâu có chữ Ứng Cúng A-la-hán. Đó là một danh từ mà Phật khi xưa là một vị đại A-la-hán, sau khi tu hạnh Bồ-tát đã nhiều đời, mới thành được A-la-hán đó. Phật cũng gọi là Như Lai, nên cũng gọi là có tu hạnh Bồ-tát mới đắc quả Như Lai. Vậy thì Như Lai tức là A-la-hán, đều là thầy của Bồ-tát. Bồ-tát có hai hạng, A-la-hán cũng có hai hạng: Bồ-tát phàm và Bồ-tát thánh, A-la-hán thánh và A-la-hán Phật. A-la-hán Phật là trên Bồ-tát thánh, A-la-hán thánh là trên Bồ-tát phàm.
1. Phật: Như Lai Đại Thánh (đắc đủ thần thông), A-la-hán Phật.
2. Bồ-tát (đủ lục thông): Bồ-tát Thánh.
3. Bích-chi (đủ lục thông): Bích-chi Thánh.
4. A-la-hán (đủ lục thông): A-la-hán Thánh.
5. Bất Lai (chưa đủ lục thông): Bất Lai phàm.
6. Nhứt Vãng Lai (chưa đủ lục thông): Nhứt Vãng Lai phàm.
7. Nhập Lưu (chưa đủ lục thông): Nhập Lưu phàm.
Người xuất gia có thể đắc đủ 7 quả thành Phật.
Người tại gia có thể đắc 4 quả thành Thánh.
Bậc Bồ-tát phàm là còn ở trong 3 quả: Nhập Lưu, Nhứt Vãng Lai, Bất Lai chưa đủ lục thông, kêu gọi là tập tu hạnh Bồ-tát, tập làm việc pháp thí, chớ chưa phải Bồ-tát thiệt thọ. Nghĩa chữ Bồ-tát là giác tha rất rộng, mỗi một việc làm phải nào cũng gọi là pháp giác tha Bồ-tát được hết. Cư sĩ thiện nhơn chư thiên, mà biết làm việc pháp thí, tu tập phước huệ để cho mau dứt nghiệp, đặng đi xuất gia, cũng gọi là tu hạnh Bồ-tát vậy. Tất cả chúng sanh cũng đều gọi là Như Lai tử, hay Bồ-tát tử được hết. Tịnh là Như Lai, động là Bồ-tát. Cư sĩ là Bồ-tát tập tu, theo phép lục độ vạn hạnh, chớ chưa đắc lục độ vạn hạnh. Đắc lục độ vạn hạnh là chỉ có Khất sĩ Bồ-tát mới được. Vì người xuất gia Khất sĩ là đã Bố Thí hết rồi, tài thí, thân thí mới đi tu, và đang hành pháp thí; Nhẫn Nhục đi xin ăn mỗi buổi sáng, và mặc đồ hoại sắc, y bát một bộ; Tinh Tấn là đi hoài không ở một chỗ; Trì Giới là giữ 250 giới xuất gia trọn đủ; Thiền Định là nhập đại định dưới gốc cây; Trí Huệ là cắt đứt phiền não bằng sự thuyết pháp tham thiền luận đạo. Người Khất sĩ có thể đắc quả thánh hiện tại, là nhờ sự xuất gia giải thoát, lục căn thanh tịnh, đủ phép lục thông, thành A-la-hán, rồi kế đó đi tu thiền định thêm, thành Bích-chi, và sau trở lại giáo hóa chúng sanh làm Bồ-tát Thánh, có nhiều kiếp Bồ-tát Thánh mới sẽ đắc quả Như Lai, hay Đại A-la-hán, Phật. Nơi đây Bồ-tát Thánh ấy mới cao hơn bậc A-la-hán thánh vậy. Người cư sĩ ráng lắm thì sau khi chết mới đắc quả lục thông thành A-la-hán, chớ hiện tại còn đang sống thì cũng khó mà đắc ba quả: Nhập Lưu, Nhứt Vãng Lai và Bất Lai được; cũng như các sư khó mà đắc quả A-la-hán, Bích-chi, Bồ-tát lắm. Và cư sĩ thì chưa rồi độ bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, ráng lắm là đắc ba quả phàm này; chớ trì giữ 250 giới cụ túc, để thu thúc lục căn thanh tịnh là chưa, chưa nhập đại định được, và cũng chưa phải là bậc trí huệ, diệt hết phiền não, như bậc Bồ-tát pháp sư, tham thiền luận đạo, thuyết pháp đặng. Cư sĩ thì chẳng đắc đặng lục thông.
Như vậy thì tiếng cư sĩ Bồ-tát là pháp lý nói rộng ra, để khuyến khích cư gia tập tu, chớ cư gia là đang tập tu để làm thiện nhơn, khó mà diệt trừ gốc tội, vì bởi còn đang ở trong trần lem lấm. Bồ-tát đa hạnh, là bậc Bồ- tát Thánh có đủ lục thông, có nhiều hạnh kiểm nết hạnh của bậc thầy, chớ không phải nhiều hạnh là bỏ giới luật mà làm cư sĩ trở lại, hay đi làm sái quấy. Bậc Khất sĩ pháp sư Bồ-tát có đủ thần thông kia mà còn không gọi mình là Bồ-tát thay, cư gia sao lại tưởng mình là Bồ-tát, bậc thầy, không lẽ để dạy cho người khác nhiễm ô bùn bụi đời đời mê đắm, tưởng rằng Phật xưa là cư sĩ. Như thế tức là đọa lạc rồi, vì giết hại sự tấn hóa xuất gia giải thoát của mình và ai nấy. Không lẽ cư sĩ lại tưởng rằng mình đã hơn bậc Thánh Tăng xưa, có đủ lục căn thanh tịnh, giải thoát, và có lục thông rồi ư; đành rằng tiếng xuất gia là thân tâm xuất gia, chớ thân xuất gia là chưa đủ. Nhưng đối với chúng sanh, nghiệp tội lâu đời, tâm trí yếu đuối, nếu thân chẳng xuất gia, tâm nào chắc được xuất gia, hòng đắc thần thông trí huệ, quả A-la-hán nơi cư sĩ. Kìa Tăng chúng từ xưa, hay như Phật, lấy cảnh tạo tâm trước, rồi tâm mới tạo cảnh sau. Các Ngài cần phải xuất gia bằng thân trước, để tạo tâm xuất gia, thành A-la-hán trước, thế mà các Ngài còn ít ai đắc được, và quả Bồ-tát Thánh đối với các Ngài còn xa quá, đâu phải sự nói suông nghe dễ, như là không cần xuất gia, cũng đắc quả Bồ-tát cao hơn A-la-hán, và Phật là tại gia cư sĩ đang ở trong bùn lầy, không cần ra khỏi, không cần diệt trừ ác tội. Tuy lý Phật nói rộng ra: Ai ai cũng có thể tu để thành Phật, nhưng mà nào ai đã tu, và ai là người đã dám gọi mình là Phật rồi đâu, mà không tu, không giải thoát; không lẽ vì chê bai một hai vị sư Tăng sái quấy, mà chê bỏ luôn giáo pháp Phật, để hiểu bằng cách sái khác lạc lầm. Tấm lòng như thế thì đâu còn phải là Bồ-tát, mà sao lại chẳng tự mình xuất gia Khất sĩ, làm Tăng sư cho đúng đắn, để cứu chữa đạo Phật lại, vừa là để giúp ích cho chúng sanh, lại được tấn hóa cho mình nữa. Hay là tại sao chẳng đi tìm kiếm chơn Tăng, để gom hiệp lại, khuếch trương Tăng bảo, thống nhứt tăng-già, sửa chữa giới luật Phật lại, chớ để chia lập chòm nhóm cư gia, ố Tăng phá đạo, ích chi như thế? Không lẽ ai rồi cũng tranh nhau để lo phá đạo?
Vậy nên cư gia phải thấy mình cần xuất gia giải thoát, để làm du tăng Khất sĩ. Vì Bồ-tát Thánh thì dạy Tăng, và không luân hồi; còn Bồ-tát phàm là dạy cư sĩ thiện nhơn, còn phải luân hồi. Như thế chánh nghĩa cư gia là thiện nhơn, trí thức, chư Thiên, tập hạnh Bồ-tát, để tích trữ phước đức đặng xuất gia, chớ chưa là Bồ-tát thiệt thọ. V ì lời nói của cư sĩ không thể bảo dạy kẻ khác xuất gia cho đặng, là bởi mình chưa xuất gia, cũng như mình còn đang tội lỗi mà bảo kẻ khác dứt chừa tội lỗi là không được.
Cư sĩ muốn cho lời nói của mình có hiệu quả, ai cũng tu nghe theo mình, quốc độ mình được rộng nhiều to lớn, thì phải bước tới xuất gia Khất sĩ cho trong sạch đã, cho đúng câu qui y Tam Bảo, và lời nói cho đúng với sự thật hành, mới chắc chắn sẽ thành Phật đặng. Như vậy là phải bỏ sở chấp nhỏ hẹp, tư riêng, gia đình, xã hội, mà phải phát tâm Chánh đẳng Chánh giác, sống chung cả thế giới, học dạy chung cả chúng sanh, mới nên việc lớn đặng. Phải vậy, chớ chi cư sĩ cứ thật lo tu, mà đừng nói Bồ-tát A-la-hán gì hết là tốt quá.
2. TĂNG SƯ CHIA RẼ
Trong số Tăng đồ khi xưa của Phật, có ba hạng trí, kẻ đang học, người đang tu, kẻ đang dạy, gọi là bậc Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát. Ba thặng này, khác nhau bằng tâm trí, chớ giới luật y bát cũng như nhau, đều gọi chung là Tăng, Khất sĩ, Tỳ-kheo; hay gọi là Tỳ-kheo có ba hạng giáo lý, ba cỡ pháp.
Cũng như loài người có ba hạng trí, mà cũng là một loài người chung, chớ không phải chia rẽ phân biệt, nghĩa là Tăng chúng tu học giới định huệ, kẻ cao người thấp, chớ không phải là khác đạo, khác giáo pháp; thế mà từ khi Phật tịch đến nay, người ta lại phân chia ra làm Đại thừa Tiểu thừa, đối nghịch, chỉ trích lẫn nhau. Một đàng các sư gọi mình ăn chay là Đại thừa, mà không có y bát trì giới, các sư tự mình cải cách theo Nho đạo Khổng Tử. Một đàng khác, các sư trì giới y bát, nhưng lại ăn dùng cá thịt gọi là Tiểu thừa.
Sư Tiểu thừa thì chuyên học pháp vi tế tự độ nhiều hơn. Sư Đại thừa thì học pháp độ tha bao quát bên ngoài. Cũng như cái nhỏ của hột, và cái lớn của vỏ, mà chẳng có thịt cơm, nên không thành trái đặng.
Các sư lại không cho Tăng chúng xem học bài vở lẫn nhau; Tiểu thừa hay Đại thừa ngày nay, không phải là trình độ cỡ trí của mỗi nhà sư, mà là sự tranh cạnh của bề ngoài tông giáo, một Sa-di, một em bé, một cư gia cũng gọi là Đại thừa hay Tiểu thừa nữa.
Người tu đời nay ít ai chịu hiểu rằng: Không có tam thừa gì bề ngoài cả, tam thừa là tâm trí của mỗi người, từ nhỏ tới lớn, từ hẹp tới rộng, chớ không phải mới sanh ra cũng Đại thừa, hay tu thành Phật, già lão rồi mà cũng còn gọi là Tiểu thừa mãi. Có người lại nói rằng có y bát khất thực là Tiểu thừa. Vậy ra đức Phật khi xưa trọn đời y bát khất thực, đức Phật ấy cũng là Tiểu thừa hay sao?
Phải chi các sư đời nay chỉ cứ lo tu là tốt hơn, dứt lòng tư kỷ ngã ái, dung hòa hiệp một lại, thành ra mỗi sư đều ăn chay, và có đủ y bát giới luật, thì chắc là chánh pháp của Phật hưng thạnh trở lại; cũng như cái chén bể gắn dính liền, cũng như cái vỏ lớn, cái hột nhỏ, dính hiệp nhau, thì làm sao chẳng có được thịt cơm nơi khoảng giữa, mà thành nên trái giác thơm ngon như vậy. Chớ chi các sư mà hợp tác, chắc tu mau đắc quả lắm, và chúng sanh sẽ hưởng được biết bao mùi vị của chánh pháp đạo Phật, còn nếu các sư mà chia rẽ, thì có khác nào xé hai thân hình Phật, giết đạo Phật khó mà ai tu thành đạo được, và không ai được toàn giác bởi mắc phải động tâm vì nhau mãi mãi, dễ gì tu; còn tín đồ cư gia thì điên đảo, rớt rơi chán nản, tách lạc tư riêng cả. Đã vậy mà nơi xứ Ấn Độ, ngày nay các sư lại tranh đấu với nhau, thì trách gì cư gia không lập riêng môn phái, và thế giới trách sao chẳng đại loạn.
Chớ chi mà các sư hiểu rằng phải học, học hết thảy các pháp, phải tu, tu hết thảy các pháp. Ai cũng phải cho được toàn học, toàn giác, toàn năng, chớ đừng giữ riêng cái sơ giác, độc giác, hay cái giác thiếu kém; chỉ có giới, định, huệ là phải tu học, chớ không có thừa gì cả. Dầu trình độ mình đã đến Đại thừa, là để cho người ta tự nhận biết, chớ đừng nói ra, mà phải nên khiêm nhượng. Còn trình độ mình có Tiểu thừa là để cho người kia tự hiểu, chớ đừng dòm ngó nhau, là tốt lắm. Vả chăng sự tự cao là dốt, hạ mình là hay, vậy người thật tu học, cũng nên gọi mình là vô thừa, nghĩa là không có thừa gì của tự mình nói ra mới phải, và chỉ có một sự tu là quý hơn cái học, quý hơn cái nói cãi cao kỳ vậy.
Như thế thì cần gì môn phái đông nhiều, không thể dạy, cho hư đạo pháp. Phật xưa đâu có nạp thâu nhiều người không giới hạnh. Phật xưa đâu có dụng số đông người, người tu dầu ít, ít mà chơn chánh đắc quả, tiếng tăm thơm nức vang lừng, nào phải đợi số đông, cái đông không kỷ luật. Khi xưa còn Phật hiện tại, bậc A-la-hán rất đông, mà đệ tử rất ít, ngày nay Phật Thánh ít, mà Tăng chúng lại thâu nhiều, thì có khác nào gạo, lúa, tấm, cám, đều ở chung cả trên một cái sàng, làm cho sàng phải nứt gãy; chớ chi mà các sư lại tự sàng đi cho rớt bớt; giới luật là sàng, sàng giới luật nứt gãy, là tại Tăng chúng đông nhiều quá nặng; các sư có biết đâu rằng viên ngọc quý là rất ít, chớ cát đất thì thật nhiều. Đạo Phật mất là tại Tăng chúng đông, và tín đồ nhiều, ai cũng tưởng lầm mình là con trưởng nam của Phật. Thật là nguy hại thay cho đạo Phật. Thế mà đến nay, các sư lại còn gọi là giữ mãi gốc Tổ Thầy, mà Tổ Thầy xưa đâu có chia rẽ, đâu có chẳng tu theo phép nào thuận hạp cho tất cả ta và người, cho hạp với đạo của ta và người, mà nên cho tất cả; và các sư là phải đoạn nhứt thiết ác, tu nhứt thiết thiện, độ nhứt thiết chúng sanh mới phải là người tu Phật đạo.
3. TÍN ĐỒ THẤT LẠC
Thuở xưa hồi Phật sanh tiền, Phật và Tăng chỉ thuyết pháp, đem chơn lý dạy cho người tu tấn hóa, chớ không có thờ phượng chi cả; các Ngài đi, đi mãi không ở trụ một chỗ; tịnh xá người ta cất ra để thỉnh Phật Tăng đến nghỉ chơn và dạy đạo; tịnh xá làm bằng cây lá sơ sài, gồm cả một khu vườn rộng, cốc am, nhà giảng; nhà giảng là nhà mát trống rộng để che mưa nắng, trong khi giảng đạo tạm thời, khi nào các Ngài đi thì bỏ hết, vì Tăng chúng luôn luôn theo Phật (chỉ trừ ra các bậc Bồ-tát và Bích-chi, Duyên Giác là đi hành đạo riêng được). Chính giữa nhà giảng là pháp tọa thấp của Phật, ngoài ra không có chi cả, tứ chúng Thinh Văn thảy đều ngồi trên mặt đất mà nghe pháp. Đạo pháp khi xưa là dạy tu, ai nấy lo giải thoát tu tâm, chớ không có bận rộn sự ngoài, vì vậy mà có rất nhiều người đắc lục thông, trí huệ, thành A-la-hán, và không có học nơi văn tự nghề nghiệp, thờ cúng lễ bái chi cả. Các sư chỉ lễ Phật trong khi nghe pháp, và trong khi học hỏi thôi; còn ngoài giờ khác là lo học giới, tham thiền, nhập định; tuy chẳng phút nghỉ, không thong thả trong tâm, mà bên ngoài thì thật như là rảnh rang vô sự.
Những lúc về sau này không có Phật, người ta bèn ghi chép lời nói của Phật, phân làm Kinh, Luật, Luận để học, và sau truyền ra nhiều xứ, nhiều thứ chữ, tiếng đọc khác nhau, và ý nghĩa không còn xác thật! V ì vậy mà lắm kẻ cư gia chỉ đọc tụng khen tán, tin tưởng lời nói của Phật là linh thiêng, chớ không cần hiểu chi là nghĩa lý, ý dạy chi cả; vả lại Tăng chúng cũng lu mờ, thì cư gia biết hỏi nơi ai nghĩa chữ, nào ai dạy pháp lý, nào có ai chỉ rõ ý nghĩa của Phật dạy, trách gì chơn lý khó ai đạt được! Cho nên dầu ai có muốn vượt qua ngoài lề tông giáo, của tín ngưỡng, thì phải rất khó khăn, sưu tầm khảo cứu, bươi vẹt ra từng gai chông gút mắc, mà còn phải tránh xa tông giáo, để khỏi phải vướng nạn xích xiềng bắt buộc. Thời kỳ tông giáo xa Phật, người ta ít lo tu trí đức, ai cũng muốn cho đạo đông, tín đồ nhiều, kinh sách nhiều, mở rộng lớp dưới, dắt dìu kẻ ác lên thiện, mà quên lãng sự xuất gia giải thoát, thế nên các sư cũng đem mình chung lộn với cư sĩ, và cư gia thì lôi kéo trở lại các sư, cư gia muốn cho ai cũng là cư sĩ hết, bỏ đạo Phật để lập ra đạo cư sĩ, thiên đường, cho thạnh hành sáng tỏ, mạnh mẽ thế lực. Cũng có số ít cư gia lại quá kiêu sa, chưa hiểu ra mục đích, cho rằng giáo pháp cư gia là vững bền đúng đắn, cư gia khỏi xuất gia, như thế là cư gia ấy thất lạc, sa đọa mất tấn hóa, vì việc làm ấy tuy ích lợi cho kẻ tội lỗi thế gian, mà vướng phải trọng tội hủy Tăng báng đạo. Bởi không phải cả thảy Tăng sư đều là càn lếu. Cư gia dầu thông học đến đâu, mà còn ở trong trần tục, dễ gì tu hành đắc trí huệ thần thông được, mặc dầu các sư tuy ít học, mà cái học chín chắn bằng sự tham thiền, học đến đâu tu hành theo kịp đến đó, chẳng là có kết quả hơn cái học mênh mông. Vả lại, học tuy được mà chưa hành được, thì chắc gì ai dám tin trọn lời nói đó. Tài học không bằng tu đức, đức trên tài dưới, tài đức phải nương nhau mới đặng. Các Phật Thánh xưa xuất gia là để tu, từ nơi chỗ thật hành tu đức mà sanh trí huệ toàn học, nhờ học chậm rãi, khó khăn, kinh nghiệm, mà pháp bảo đối với các Ngài hưởng được mùi vị hay quí thơm ngon lắm. Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là cũng bởi trọng học tài quên tu đức, và tưởng lầm là cư gia đã trọn lành trong sạch.
Đạo Phật ngày nay không còn cao quý là bởi Tăng-già suy kém, vật chất thạnh hành. Đạo Phật rồi đây sẽ gia nhập bằng thẳng về theo thế sự vào các ngoại giáo khác, Đức Phật Thích-ca sẽ không còn hình bóng tiếng tăm nữa.
Xem ngó lại, nơi giữa chánh điện của ngôi chùa ngày nay, ngôi chùa nguy nga lộng lẫy mà chẳng có một pháp lý ích lợi dạy đời; vì tín đồ, vì tông giáo, vì số đông thấp dưới, các sư làm người thủ tự cho tín đồ, đâu có rảnh rang dạy đạo nói pháp; vì muốn cho đông người lui tới, nên phải bày ra sự thờ phượng, tượng cốt đủ đầy; Tiên Phật hội đồng, quỷ thần hộ trợ, đủ thứ; vì tín đồ bày ra sự tín ngưỡng, chớ ít kẻ lo tu học tìm đạo.
Thuở xưa Phật ngồi trên pháp tòa giữa nhà mát, dạy đạo tứ chúng, thật là đơn giản quá. Sau khi đó không còn Phật, các sư chỉ treo tượng Phật trên cao, phía dưới các sư thay Phật, đọc lại cho ai nấy nghe những lời của Phật hoặc có sư thuyết pháp đặng, thì tự nói ra thay Phật, khỏi cần đọc tụng, như vậy là cũng còn khá. Đến nay người ta lại cất ra nhà thờ, thờ đủ thứ, đóng cửa lạnh tanh, không còn ánh sáng, đạo lý chi cả. Kẻ tu học không ai bước tới, chỗ ấy chỉ dành riêng cho đám người cầu vái, họ tới nơi để cầu vái, chớ không phải là đạo tràng như xưa kia nữa, và kể từ nay chưa biết tới chừng nào, chúng ta mới sẽ gặp trong một nhà mát sơ sài, cây lá trống trải, không còn sự thờ phượng ấy, mà lại có một vị Bồ-tát Pháp sư dạy đạo như xưa; hay nơi dưới cội cây, một vị Duyên Giác giảng giải lý đạo cho những bậc khá
cao, đã vượt qua khỏi sự mê tín tà kiến.
Đời nay vật chất quá thạnh, con người ngộp lún quá sâu, khó mà lên đặng, nên sự tu thì ít, để một người kia đến khi chết thì cả thảy lo sợ giùm, xúm nhau lại cầu siêu. Đưa đi về tịnh thổ bằng kinh kệ, hoặc bằng cách làm chay cúng thí; mà ít ai hiểu ra lý nghĩa chữ siêu độ: siêu là vượt qua, độ là bến bờ bên kia, nghĩa là ly tục xuất gia hay bước lên bờ giác (miếng đất Phật ấy là nền Tăng bảo giới luật). Lại cũng lắm kẻ không ưa xuất gia, khi sống lúc chết đều ghét Khất sĩ, khinh Tăng mà bảo phải siêu độ làm tăng Khất sĩ được đâu; thử ngay những người sống nào, không muốn giải thoát bỏ trần, mà bảo kẻ kia nghe theo, đi xuất gia, làm sao cho được.
Đành rằng chữ siêu là vượt qua, ví như siêu địa ngục là ngạ quỷ, siêu ngạ quỷ là súc sanh, siêu súc sanh là a-tu-la, siêu a-tu-la là nhơn loại, siêu nhơn loại là chư Thiên, siêu chư thiên là Phật. Sự vượt qua cũng như là tấn hóa, hay giải thoát từ cấp, cũng giống như siêu tham lam là bố thí, siêu sân giận là nhẫn nhục, siêu si mê là tinh tấn, siêu ác là thiện… Vạn ức pháp, pháp nào mà lại không siêu, vượt qua khỏi pháp kia kém thấp, cũng như vượt qua khỏi vật chất đến tinh thần, siêu khỏi tham lam là bố thí, lên khỏi đời là đạo! Như Phật khi xưa nói pháp dạy người tấn hóa là siêu, khi được xuất gia vào đất Tăng bảo là độ. Người con đối với cha mẹ tội lỗi, phép phải lạy cầu xin cha mẹ tu hiền là cầu siêu cha mẹ; đánh con ngỗ nghịch răn dạy nó, cũng làm cho bảo phải siêu; khuyên lơn bạn hữu tu hành cũng là để cho siêu; anh đi ăn trộm, em đi phá đám cũng là phép cầu siêu; anh làm quấy mắc tội tù, em đi tố cáo thêm tội, để ở lâu ngày thêm trong ngục khám, đặng chừa bỏ hết tội lỗi, còn em thì ở ngoài lo nuôi dưỡng, như vậy cũng là cách cầu siêu. Bao nhiêu những cách cầu siêu: bằng phạt, thưởng, hay khuyên dạy, là để cho giác ngộ giải thoát, vậy nên phải giải thoát mới là siêu lạc độ. Còn sự tấn hóa từng pháp kêu là siêu tạm.
Cũng vì thế mà khi xưa, con khuyên cha mẹ đi tu không được nên phải rước Phật, Bồ-tát Pháp sư đến nhà, trước đãi cơm, và sau cầu xin dạy đạo cho cha mẹ, siêu độ giải thoát xuất gia. Đời sau ít có pháp sư, nên cư gia thỉnh các sư đọc lại lời nói của Phật; và nếu không có Tăng nữa, thì sẵn có kinh sách, cư gia số đông xúm nhau lại đọc tụng, và giảng giải nghĩa lý, khuyên tu học hỏi với nhau, cũng là phép siêu độ. Thế mà đời nay, có kẻ hiểu lầm, lo lót Ngọc Hoàng, hối lộ Diêm Vương, bày ra lắm sự giả dối như vua, quan, giàu sang hiện tại; thật vậy, cư gia ít ai hiểu rằng chỉ có pháp thí là pháp cầu siêu độ.
Phật xưa kia thuyết pháp giảng đạo dạy tu là siêu độ cả chúng sanh, và muốn cho người siêu độ là tự mình phải siêu độ trước. Nghĩa là muốn cho ai nấy tu giải thoát đến bờ kia là tự mình phải xuất gia tu giải thoát trước đã, để cho họ coi đó noi theo, và mình dẫn đầu cho họ. Khi xưa đức Phật nếu chẳng xuất gia, thì đâu có bảo ai xuất gia đặng, vậy thì pháp cầu siêu là phải tự mình đi tu giải thoát trước, cho kẻ kia đi theo mới được. Như thế thì những ai có muốn siêu độ chúng sanh là phải xuất gia giải thoát làm Tăng Khất sĩ; vì chúng sanh mà ta đi tu hành đạo, cắt đứt tham ái của ta, thì tham ái của người mới mong diệt được.
Tóm lại, đạo Phật ngày nay đã không còn giống y như xưa nữa; ai cũng gọi là đệ tử Phật, niệm tên Phật mà không giữ giới luật. Tông giáo càng rộng, sự tín ngưỡng càng nhiều, thì giới lại càng mất, triết lý càng lu. Tăng đồ càng suy, thì vật chất càng thạnh. Tăng là giềng mối tâm hồn, là tinh thần sanh chúng, thế mà Tăng chia lìa, thất lạc, thì thần vật chất, sao chẳng hoành hành, chôn lấp chúng sanh. Trần thế trách sao không nguy hại?
Vậy muốn chấn hưng lại đạo Phật trong một lúc, thì hãy thu hẹp lại sự tín ngưỡng tông giáo, tín đồ, cũng như từ xưa, mở cửa thâu vào đã lâu, nay cũng nên đóng cửa tạm ngưng lại một lúc, để mà lựa chọn sắp phân lớp học; chớ không lẽ đạo Phật lại là hỗn tạp. Và nên phải bành trướng giới luật, khuyến khích cư sĩ xuất gia, chỉnh đốn Tăng già, thống nhứt thế giới quần Tăng đại hội; mới mong kéo nổi đời vật chất trở lại tinh thần đặng, Tăng chúng phải đủ giới luật để quy hợp cư gia, để gắn liền tông giáo, hầu vẹt bóng mê tín, đem cõi đời trở lại ban ngày y như Phật hồi xưa khi trước.
Mỗi cư sĩ đều có phận sự phải xuất gia, mỗi tăng sư đều có phận sự phải dung hòa giữ giới, người hành chưa đặng, thì phải biết kính trọng những người đang hành, phải hộ pháp nâng cao tán thán, chớ đừng gièm pha ố chọi, hãy nghĩ đến đạo đến Phật, đến chúng sanh, mà đừng kiêu sa ém tội. Phải khuyến khích người tu, phải giúp đỡ người ta hơn mình, phải hợp tác với họ, phải sửa chữa điều kém thiếu, phải nâng cao giới luật, đó mới là phận sự của Tăng bảo, mới gọi là Tăng bảo không tạo tội. Phải tạo nấc thang cho người lên, phải chỉ bờ mé cho người đến, phải sắm tàu ghe để vớt người nguy, đó mới là phận sự chánh của Tăng-già đối với cõi đời tràng giang đại hải, của chúng sanh ngày nay đang lặn hụp. Thật vậy, chỉ có Tăng chúng mới lập đạo đặng, rồi thì các tông giáo sẽ tự nhiên thống nhứt.
Còn nếu đạo Phật bằng chẳng đặng chỉnh đốn y như vậy, thì âu là Tăng sư ai nấy hãy tách rã riêng ra, tu trì độc giác, khắc nghiêm giới hạnh, ở ẩn rừng sâu, cũng còn khá hơn là sự xuất gia cẩu thả, ở nơi thành thị, chi cho phải bị cư gia hủy mạ.
Có như thế, thì cái nạn chiến tranh tông giáo, từ nay mới đặng dứt hết.
02. Ngũ Uẩn
03. Lục Căn
04. Thập Nhị Nhơn Duyên
05. Bát Chánh Đạo
06. Có và Không
07. Sanh và Tử
08. Nam và Nữ
09. Chánh Đẳng Chánh Giác
10. Công Lý Võ Trụ
11. Khất Sĩ
12. Y Bát Chơn Truyền
13. Ăn Chay
14. Nhập Định
15. Bài Học Cư Sĩ
16. Cư Sĩ
17. Tâm
18. Tánh Thuỷ
19. Học Chơn Lý
20. Trên mặt nước
42. Học Để Tu
43. Đạo Phật
44. Tu và Nghiệp
45. Pháp Tạng
46. Vô Lượng Cam Lộ
47. Quan Thế Âm
48. Đại Thái Thức
49. Địa Tạng
50. Pháp Hoa
51. Thờ Phượng
52. Pháp Chánh Giác
53. Số Tức Quan
54. Sám Hối
55. Chơn Như
56. Hoà Bình
57. Lễ Giáo
58. Đạo Phật Khất Sĩ
59. Khổ và Vui
60. Pháp Học Cư Sĩ