Khuyến tuTải xuống chương 27

Nghe sách nói chương 27. Khuyến tu

 

I
Vật chất là ác, giáo lý của cái có là ác, tứ đại vạn sự là ác, thân trẻ nhỏ là ác. Vậy chúng ta muốn sống an vui, thì phải bỏ xuống cái ác mới được.
Có một chàng trai trẻ kia con nhà lương thiện nghèo khó, thấy mình thua sút người ta nên ráng công trồng tỉa, cực nhọc khó khăn mới kiếm được chút ít tiền dư, cậu liền mua sắm áo quần, giày mũ, và một cái đồng hồ vàng tốt đẹp.
Một buổi chiều nọ, cậu mặc đồ mới tốt, đeo đồng hồ nơi tay, ra đi dạo xóm. Đi được một đỗi xa, cậu nghe phía sau lưng có tiếng chân người chạy. Nhìn lại xem, cậu thấy có một tốp năm người, tranh nhau rượt theo cậu. Họ vừa chạy vừa nói với nhau, kìa chiếc đồng hồ vàng đeo nơi tay nó đó.
Bấy giờ hai bên đường đi trong bụi rậm, cậu lại nhận thấy có hai tốp người ẩn núp, đang chen vẹt bước ra, họ chăm chỉ ngó ngay bộ áo quần giầy mũ tốt mới của cậu mà xầm xì tranh cãi với nhau, nói rằng cậu là người giàu sang danh vọng.
Thấy biết cơ nguy, khó bề trốn tránh, cậu cổi phăng ngay áo quần giầy mũ với chiếc đồng hồ vàng, bỏ lại giữa đường, rồi vụt chạy. Chạy được mươi bước, cậu nghe phía sau la hét dữ dội, ngừng lại ngoái xem. Cậu thấy bọn người cầm dao phía sau chạy đến, toan giựt chiếc đồng hồ, phải bị kẻ cầm cây núp trong bụi nhảy ra đánh đập, đồng thời bên kia người cầm súng chận bắn liên thinh. Họ càng xáp cận với nhau, kẻ nào cúi xuống giựt đồ là liền chết gục. Họ hăng hái kịch chiến với nhau, sau rốt một đống thây người nằm ngang ngửa chật đường. Kẻ thì đã chết, người lại bị thương, đồng hồ bể nát, áo quần giầy mũ nhuộm máu, rách tan hoang! Thật là một cảnh quả báo rùng rợn của sự gian tham, cốt nhục tương tàn, đồng loài giết hại! Họ mãi tranh nhau vật tốt, rốt cuộc rồi người mất vật hư, của cải ghét bỏ cái tham lam, nó không ở với ai, nó lại giết người ta thêm nữa.
Chàng trai trẻ được thoát nạn, bấy giờ kinh tâm tán đởm, sợ đổ mồ hôi, khắp mình run rẩy, biết mình may mắn, nhờ trí lẹ khôn, sống được bởi nhờ không tiếc của! Cậu mau chơn trốn chạy về nhà mà trong tâm mãi sợ lo hồi hộp. Cậu nhận ra thấy mình quá ác, cũng vì tánh trẻ con nông nổi, ham khoe khoang bẹo nhử đồ vật, để cho bao nhiêu người phải chết vì cậu! Chính cậu là kẻ sát nhân, vô tình mà nên tội. Chính vật chất là món giết người ghê gớm.
Bấy giờ cậu mới nằm đêm suy nghĩ rằng những kẻ ấy họ chết là tại nơi họ tham ác, mà cái tội tham ác ấy là do nơi cậu ham sắm đồ vật. Như thế là đồ vật giết người, đồ vật là món ác, cái tội ác ấy bởi nơi cậu, tức là cậu giết người vậy! Cái án giết người này, xưa nay chưa ai từng truy ra thủ phạm, chưa ai từng nhận ra cái ác từ đâu. Chữ ác tiếng Hán viết là á tâm, cái món che đậy chơn tâm là vật chất, còn người tạo tội là kẻ tham ưa, do đó mà kẻ si ngây phải bị chết khổ vì nhau.
Chàng trai trẻ ấy xét thấy mình chẳng khác kẻ rèn dao sắc bén, đốc xúi đưa cho họ chém giết nhau. Cũng như một kẻ kia oán ghét loài người, muốn mượn tay họ giết họ với nhau, nên bày kế mưu nơi đồ vật tốt, để cho họ hại nhau. Khác nào như người nọ đúc gươm sắt bén, đâm chém giết người, mà thiên hạ mê muội hiểu lầm cho rằng tự người chết, hoặc cây gươm là tội ác, mà chẳng bao giờ biết truy tìm ra thủ phạm, tội nhơn, là kẻ tham sắm muốn ưa, tạo nên đồ vật tốt hay, khéo xảo, để gạt gẫm con người nhỏ dại, cho họ chết thảm hết vì nhau. Thật là tội lỗi, tội lỗi thay cho sự giết người không vấy máu, cái giết chẳng tự tay đâm, cái giết ấy mới phải to lớn đông nhiều hơn hết!
Bấy giờ cậu mới biết ăn năn mà hồi nghĩ lại những lời của cha mẹ dạy: “Đời là cõi sắc bén gươm đao”, là cõi mà họ đốc xúi sự giết hại cùng nhau. “Đời là ổ chết”, ai vào đó nào khác bị té xuống hố gươm đao phải rã rời xương thịt. “Đời là nguy hiểm”, nguy hiểm nhứt cho tánh mạng, là vật chất tốt đẹp, bao vây. Người trong đời là kẻ bị vây trong giữa vòng binh khí, mà ai ai cũng là giặc nghịch của mình hết. Cho nên mạng người là trong sự rủi may nháy mắt giây lát, của hơi thở cầm chừng, liều mạng nhắm mắt cầm cương ý dục. Đời là chỗ chết, ai cũng giết hại ta cả, hoặc tự họ giết, hoặc xúi người giết, mà chúng sanh là kẻ đã quen chịu sự chém giết chết sống lẫn nhau. Họ xem coi sự chém giết ấy bằng cách thỏa mãn hài lòng vui hạp! Như thế thì làm sao cho kẻ muốn sống đời ở được, mà không phải là tìm đường giải thoát xuất gia, để lo cho tánh mạng mình trước đã.
Trong đời có lắm kẻ hiểu lầm từ thiện là chẳng tự tay giết người, mà người ta quên rằng sự tạo sắm gươm đao vật tốt là có khác nào để đưa xúi bảo kẻ khác giết hại nhau. Vậy nên chúng ta muốn sống đời tốt đẹp thì đừng mãi tạo ra vật chất tốt đẹp cao sang. Chúng ta đừng để cho kẻ nhỏ dại hiểu lầm, mắc mưu của vật tốt. Chúng ta chẳng nên làm những việc vô ý thức, giết người mà không hề biết thấy nhận tội. Tội nghiệp cho kẻ chết kia, bị sắc tốt mê hoặc, đua nhau lo tìm chết, mà nào họ có hiểu biết nguyên nhân từ đâu?

II
Trong đời cũng có ít người hiểu rằng phải tu tạo vật chất tốt đẹp, cao sang, dư hơn, quyền quý, trang sức cõi đời se sua lòe loẹt bên ngoài cho là hạnh phúc, mà quên rằng trong đời đâu có trẻ nhỏ dại nào mà lại chẳng tham ăn món ngon vật lạ, để tránh khỏi chất độc. Trong đời ai mà không tham, cái tham có là do sự bẹo nhử cám dỗ của vật chất. Cũng vì thế mà kẻ trộm cướp kia mới nói rằng tại chủ nhà khoe khoang, tại đồ vật tốt đẹp chớ không phải lỗi bởi nó. Tại sự khoe khoang tốt đẹp xúi bảo nó, chớ tự nó vốn đâu có cái trộm cướp tham lam.
Có một ông sư già kia đã đi xuất gia tu theo Phật mà còn sự tham muốn bên ngoài, không thể cắt đứt sự tham muốn được. Ông trở ra thế làm ăn mua bán, ông cất nhà tốt, sắm đồ vật xinh, bên ngoài phết sơn bóng láng. V ì vậy mà ông phải khổ tâm giữ gìn lo sợ. Vừa làm ăn khá là bị trộm, lâu lâu lại bị cướp, nhà hư sửa lại, vật hư sắm lại, thân ông thêm bị kẻ cướp đánh
đập hành phạt, thế mà ông mãi chưa tỉnh ngộ, vẫn còn lo tạo sắm.
Ông thường nói với lối xóm rằng ông là người tu, ông là đệ tử Phật. Ông nói như thế để cho người ta thương, để cho người ta tin cậy và đừng có ai trộm cướp của ông. Nhưng ông đâu có hiểu được tâm lý của người trộm cướp, chúng nó nói rằng chính ông dạy chúng nó trộm cướp, ông xúi chúng nó tham, ông làm cho chúng nó phải bị bắt bớ, đánh đập, tù rạc và chết khổ. Chúng nó oán ông và hăm he có ngày sẽ giết ông, đoạt hết của một lần, để cho không còn sự đốc xúi chúng tham lam trộm cướp nữa.
Chúng nó nói rằng cái tiếng tu của ông ấy có khác nào là để cho người ta lầm mình, và không ai nỡ bắt tội mình, để cho mình dễ bề tự do gây sanh ác tội, xúi họ giết nhau, to tát lớn đông nhiều, mà lại chẳng bẩn tay ghê gớm. Người ta có biết đâu rằng sự giết người không bằng tay chân ít nhỏ, không bằng lời nói lớn tội hơn, mà là bằng tâm lý giết người vĩnh viễn. Kẻ nào mê hoặc tâm lý của chúng sanh, ấy mới là người trọng tội, cái tội đời đời mãi mãi, chính kẻ ấy mới là người đáng tội.
Thế nên sự tu thứ nhứt của loài người là phải đừng tham lam vật chất. Không tham lam vật chất thì tránh khỏi sân giận tranh đua và si mê dốt học. Mà cần phải biết rằng tham muốn là nguồn gốc của chiến tranh, nguồn gốc của sự chết khổ, và nếu xung quanh ta họ chết khổ với nhau, thì ta có đâu được sống yên vui một mình. Việc tham muốn ấy tức là ta hại ta, nghĩa là vật chất hại cả chúng sanh đó, chớ vật chất là món vật ác vô tri, thì có biết chi mà tha chừa riêng ai được.
Kẻ nào nắm lấy lưỡi gươm, ôm siết bó chặt vào mình, thì sao lại chẳng bị thương chết thảm, tự mình giết mình, đau khổ lấy mình.
Vậy muốn được sống yên vui thì chúng ta phải mở tháo buông ra vật chất tốt đẹp, đừng lòng tham muốn. Chúng ta nên phải biết rằng cái sống yên vui là do sự trung bình, chớ chẳng phải nơi thái quá bất cập.
Đời là cõi ác, đời là chỗ chết, vật chất là nắm đất chôn thây, loài người là kẻ chiến tranh, tâm người là khổ, trí người là rối, thân người là chết, tánh người là ác. Tánh ác là tánh của vạn vật, mà loài người sanh ra từ nơi tứ đại, vạn vật, vật chất, cái có. Thế nên giáo lý của duy vật là phải ác. Vậy những ai muốn tu làm người từ thiện thì phải vượt qua khỏi đạo người trong vật chất, mới gọi được là bậc siêu nhân. Siêu nhân là kẻ không còn chết khổ trong vòng tứ đại.

III
Người tu từ thiện yếu đuối mà còn ham se sua chưng diện, sang trọng, phong lưu; người ấy mãi lo tạo sắm dư nhiều để xúi bẹo kẻ ác, cho kẻ ác tham lam cướp giựt của cải, và giết hại đến bỏ thân mạng họ.
Kẻ ấy thật là lếu quá, chưa rõ cái tu, từ thiện là chi cả. Họ càng tham muốn, chúng càng giựt giành. Họ càng sống, chúng càng giết. Họ càng khóc, chúng càng cười. Họ càng nhịn nhục, chúng càng khinh khi. Họ càng làm, chúng càng phá. Kẻ ấy giống như người say rượu, quay múa khóc la. Họ mãi lạy bái kẻ ác tham mà chúng không cảm động chút nào, lại còn phải bị thêm những sự hành hà thảm họa.
Có một người tôi tớ kia giữ bò cho chủ. Mỗi buổi lùa ví đi cho ăn, nó tắm rửa bò sạch sẽ, nó cắt cỏ để dự trữ qua tháng khô, nó sửa soạn chuồng bò chắc chắn. Nó vái cầu Trời Phật cho bò nó sống hoài mập mạp, cỏ đừng thúi, chuồng đừng hư, chủ nó đừng rầy. Nhưng nó càng làm siêng năng, chủ nó càng quở phạt liền liền. Bò nó có ngày bệnh chết, cỏ của nó bò khác sẽ ăn, chuồng của nó ngày kia phải gãy, thế nên chủ nó không thương nó chút nào hết, dầu nó có cực nhọc đến đâu cũng không có món chi là của cải của nó, hay là của chủ nó.
Tội nghiệp cho nó, bị bán mọi chung thân từ thuở nhỏ. Nó ở mướn không một đồng tiền mà chủ nó lại còn đày khắc đánh đập, khi họ chết đi còn bắt nó chôn sống đem theo dưới đất.
Kẻ tôi tớ ấy là ý dục, bò đó là xác thân, cỏ đó là món ăn, chuồng kia là nhà cửa. Nó biết cầu vái Phật Trời là nó có tu, chủ nhà là kẻ tham lam tội lỗi.
Trong đời có hai hạng, ác thì phải thật ác mạnh, thiện thì phải thật thiện yếu! Nghĩa là không tu thì phải theo vật chất hoàn toàn, liều mạng chết khổ gì trối kệ, tới đâu hay đó; còn tu thì phải đúng tinh thần hoàn toàn mới chắc hưởng sự yên vui được. Cùng chẳng vậy thì tinh thần vật chất phải bằng nhau, hay là tinh thần phải nhiều hơn vật chất, chớ tu hiền yếu đuối hay nhường nhịn mà lại sắm lo vật tốt, có khác nào làm để xúi trộm cướp nuôi trộm cướp, như người chứa trộm cướp, rước trộm cướp vào nhà, tập cho kẻ ác quen tay được mợi, để làm gương ác hại đời, xúi giục sự gian tham cho nhân loại; khác nào là lòng ác ghét người, tâm lý ấy là sự giết hại chúng sanh, để cho ta và người thảy đều chết khổ.
Cũng vì thế mà xưa kia đức Phật có nói kẻ si mê làm ác không tự biết, ác ấy lớn vô cùng, vì nó làm mãi không ngừng. Có khác hơn người trí huệ bằng có lỡ phạm sái quấy, thì họ nhờ có trí mà tự biết ăn năn chừa bỏ, chẳng dám làm thêm. Kẻ trí mà phạm tội thì dầu nhẹ cũng phạt nặng, vì vậy mà ít làm tội. Còn kẻ si mê làm tội nặng tuy phạt nhẹ, mà nó làm tội nhiều, nhiều mãi. Kẻ trí huệ có lỗi quấy là họ rất khổ tâm, chớ người si mê khi làm ác thì phải bị chết luôn cả vừa thân lẫn tâm.
Người ở đời nếu không tu thì khó sống an vui, mà tu sái phép thì lại càng khó sống an vui hơn nữa. Vậy nên chúng ta phải thật chơn tu chín chắn, tu để dứt trừ chết khổ chớ phải đâu tu là để nuôi sanh chết khổ.
Như vậy là phải bỏ sự tham muốn vật chất làm đầu, có không danh lợi mới thấy rõ kết quả của sự tu hành tốt đẹp. Ở đời có vật chất cũng chết khổ, không vật chất cũng chết khổ. Trong lúc đang làm cũng chết khổ, sau khi đã có rồi cũng chết khổ, lúc chưa có cũng chết khổ! Chi bằng chúng ta hãy làm để đủ nuôi sống vừa thôi, mới là không chết khổ. Vậy chúng ta phải cần lo sự trau dồi tâm trí tu học, mới được sống vui hay hơn vậy.
Trong đời chúng ta đã không thể tin cậy nơi xác thân vật chất, không thể nương dựa theo xác thân vật chất được, thì sao chúng ta chẳng lấy trí tánh làm căn thân, lấy huệ chơn làm trần của cải, lấy hiểu biết làm mình, để cho được yên vui hơn là lấy ý làm căn lăng xăng chạy nhảy, lấy pháp trần làm của cải, giành giựt cái có có không không, lấy sự tưởng nhớ làm mình chi cho khổ nhọc, mãi mãi đeo đuổi lội theo cái có cái sự, cái hình bóng thay đổi, cái tướng vô thường, sanh đi sanh lại, chết hoài chết mãi, thật là vô ích quá.

IV
Kìa một cái cây, đầu đâm xuống đất, chân trở lên trời, cam chịu một chỗ trơ trơ, mặc cho nắng mưa gió bão hành phạt, người thú hiếp đáp; hoặc bị bứng nhổ, bẽ gãy, xiêu ngã; hoặc bị đốn cưa, mỗi nhánh bị chặt đi, mọc ra nhánh khác, cũng như thân này chết đi, sanh ra thân khác, đứng mãi một chỗ, không đường đi tới, chẳng cử động biết đi, vì phải mắt miệng rễ cây ghim sâu trong vật chất, chân nhánh chõi lại tinh thần, ngọn ở trên trời cao không không, còn gốc thì xuống đất thấp có có, càng lúc lắc càng lún hoài, càng lớn to là càng ăn sâu ghim tới mãi, nên không còn ai có sức thế gì nhổ đem lên được, rồi thì chẳng bao lâu phải bị đốn cưa ngã gãy.
Cây cỏ đi ngược thật là trái lẽ, nên mới chết khổ. Cũng vì chết khổ, cây cỏ mới tiến đến thú và người, đầu trên chân dưới, mới được đi tới bình yên xuôi thuận. Kìa cỏ cây còn bỏ mặt đất, vậy sao chúng ta chẳng bỏ vật chất, đội lấy tinh thần. Cũng như đầu chúng ta đang đội lấy trời không không, còn chân chúng ta đang đạp trên đất có có. Hôm nay chúng ta đang sống yên vui, bởi đầu trên chân dưới, thì lý nào chúng ta lại quây lộn ngược đi bằng tay trở xuống, để phải lộn ruột điên đầu, té đau chết khổ, như lúc buổi ban đầu.
Một em bé mới sinh ra đầu quay lộn xuống, khi nằm đầu chân ngang nhau, kế đến tập ngồi đứng và đi, đầu trên chân dưới, trình độ mỗi lúc lớn dần cao lên, nên nó phải cất đầu y như thế.
Hơi khói nhẹ bay lên trên cao, đồ vật thấp nặng nên phải rớt xuống. Trong võ trụ đã có phân chia trên dưới, vậy nên chúng ta phải cần phân biệt để bỏ cái dưới bước lên trên, mới là xuôi thuận.
Đất vốn chẳng cho ai chui xuống, thử chúng ta chun xuống hang hố vũng lầy, tức thì bị ngộp phải trồi lên, không ở đặng. Con cá kia còn ngớp nước, con dế nọ cũng bò lên. Mặt đất thì đặc dẻ, săn cứng, không cho chân ta lún xuống, còn trên cao không gian bao quát, đang ngoắc réo đợi chờ ta, thế là chúng ta không nên xoay lưng, úp mặt vào vách tường đất mãi, mà sự thật là ta phải ngó tới, đi tới cái không, cái cao. Tới một ngày kia chúng ta chết bỏ đi thân tứ đại này thì còn là một vầng khói bay cao, bay cao lên trên không gian, không sở trụ vậy.
Đất là vật có thể chất, đất vốn dơ nặng và bao giờ cũng ở dưới thấp. Vậy chúng ta không nên khòm cong cúi xuống, nắm níu dính dơ, mà phải nên ngay lưng, đứng thẳng lên cao, đi tới.
Chúng ta nên nhớ rằng trời không đất có, trời là mênh mông, đất là tấm vách, như thế thì chúng ta không thể đi tới đất, tấm vách đặng, vì đất có nó sẽ cản đường ta. Chúng ta muốn lên trời không, muốn đến với trời mênh mông, thì phải bỏ ra tuôn xuống cái đất có ấy.
Đường đi thì trên mặt đất, ta vẽ đường thì vẽ trên tấm vách tường. Vậy nên chúng ta phải lo tu, tu là đi trên mặt đất, đất là món lợi, đất là tiếng danh. Tu để đừng cho ngọn gốc ngang nhau, tu là đúng lẽ đầu trên chân dưới, mới đi tới nẻo cao siêu, sống mãi vui hoài tốt đẹp.
Tu để phủi sạch chân dơ, bước lên giường ngủ nghỉ. Tu để xức thuốc băng bó chữa bịnh ghẻ tham lam ung độc nơi thân. Tu là tắm rửa thân tâm dơ dáy, lem lấm bụi trần. Tu để sống trước và sau lại được yên vui. Vì ai cũng phải sống, mà sống khổ thì không ai sống được.
Người ăn ít no dai, tu tuy làm ít ăn ít mà được sống yên vui, quý hơn sự mãi lo tham muốn dư nhiều để cho chết khổ, chẳng an thân, bị cướp giựt, đã nhọc công lại còn sợ sệt. Thế nên chúng ta phải lo tu, tu là quan trọng cần yếu hơn hết, tu là lẽ chánh hơn hết. Cũng như đạo đức là cần thiết hơn cả xã hội, gia đình, cơm ăn, chỗ ở, áo quần, thuốc uống cho thân nữa vậy.
Sự tu hành thật là êm ái, dịu dàng khỏe khoắn hơn là pháp luật hành phạt. Pháp luật hành phạt kẻ không tu, sao chúng ta chẳng theo ý pháp luật, hãy tu hết để cho pháp luật nghỉ khỏe, không còn pháp luật. Chúng ta không tu, làm khó khổ kẻ cầm pháp luật, mà có ích chi cho ta và cho người ấy. Có phải chăng không tu là sự hành phạt người, thì người hành phạt lại ta, cả hai đều khổ hết. Phải như vậy thì chúng ta nên hãy nhớ ghi rằng, người tu theo đạo đức quý hơn là người cầm pháp luật và hay hơn là sự bị phạm luật pháp hành phạt.
Chúng ta ai cũng sợ địa ngục, nhưng sao lại chẳng bước tới thiên đường. Tại sao chúng ta chưa chịu đứng trên pháp luật, đầu trên chân dưới, đi trên vật chất, ở dưới tinh thần, tu làm chư Phật, đầu đội trời chân đạp đất mà đi? Tức là đầu đội thiên đường, chân đạp địa ngục, còn chúng ta ở nơi khoảng giữa làm Phật, là người giác ngộ sống bằng kinh nghiệm.

V
Cũng vì cái ác vật chất, con người mới tham trược. Có ác trược mới tôn trọng sắc thân, thương thân mình lại ghét thân người. Lòng duy kỷ càng nuôi to lớn, cho nên con người mới tội lỗi mê muội. Càng mê muội càng chìm đắm với thân sắc, hết thương đến ghét, hết ghét lại thương, mừng giận đổi thay, buồn vui lẫn lộn, ưa chán mãi liền. Tình dục làm tội lỗi con người, khi an ủi lúc hành phạt, thật không ngừng gián đoạn. Cũng vì tình tội mà chúng sanh lầm nhận xác thân tứ đại, vật chất, sự nghiệp làm ta, của ta. Nào biết đâu danh từ giáo lý: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhơn, thiên là chi. Người ta lầm tưởng những tên gọi sau khi chết, hay như thân tám chân mới là con vật, khác với người. Chớ không rõ sắc thân là vật, vật chất tứ đại, dầu hai chân hay tám chân cũng là sắc thân, thân vật chất, thân vật in nhau một loài, mà trong sắc thân ấy có chứa tên chữ: thiên, nhơn, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.
Thân của trời, người, thần, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, chớ đâu phải thân là trời, người, thần, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục! Thân như nhà, trong nhà ấy có chứa tâm hồn, giáo lý danh từ nào trong đó, tức gọi là thân của tâm hồn đó.
Dầu thân tám chân mà có chứa lòng nhơn thì cũng gọi là thân người. Cái thân tốt xấu bên ngoài là như sự phết sơn nắn vẽ, chớ có lợi ích chi đâu? Sự thật như vậy, giá trị nấc thang của con người là ở tại nơi danh từ giáo lý, mà biết bao kẻ hiểu lầm chúng sanh là tâm trí mà người lại tưởng là sắc thân, nên mãi chui tìm khốn họa, ấy cũng vì vật chất mà ra cả.
Lắm kẻ chết đuối với thú mê ly. Lắm người không có tiếng nhân người nơi thân hai chân. Lắm kẻ mải tô đắp cho thân. Lắm kẻ chết đi lại mau tìm sanh nơi tốt đẹp bên ngoài lầm lạc. Lắm người phải chịu quả báo hành phạt vì nghiệp tham lam. Nói cho rõ bao nhiêu cảnh ngộ trong đời có ra là do vật chất. Cõi đời còn có là do cái ác. Kẻ mà muốn có cõi đời, thâu giữ chấp lấy, là đã bị mê hoặc. Người ấy rồi sẽ thất bại, không còn hy vọng, họ sẽ khổ sở điên cuồng, tự vận liều mạng, uổng công vô ích. Đời là cõi ác trược đời đời, thế mà có kẻ kia lại nói, tôi chỉ muốn làm con ma đói ở hoài, giỡn chơi nơi đống rác đó, chẳng cần hưởng món chi hết! Những người ấy tâm hồn bị chôn trong trần bụi, chết ngộp trong cái vỏ khổ của hòm chôn, là bởi sự hiểu lầm nơi sắc thân vậy. Sống làm người ta, thác làm ma. Nhơn là sống, vô nhơn là chết! Có người lại lấy thân của người mà đắp cho thân của mình, sái quấy tội lỗi để vui chịu tâm chết mà làm ma. Nghĩa là tâm họ đã thác rồi đâu còn sống, nào có ai dám thấy nhìn họ và đâu có biết đến họ nữa. Có nhiều chúng sanh hay làm cho xác thân ra vẻ tốt đẹp mà trong tâm thì là ma quái. Sự ấy có khác nào lò thịt bằng tường ngói bên ngoài tô vẽ trang nghiêm, mà bên trong là chứa sự ác dơ đủ thứ, chớ ít có ai mà được trong ngoài như nhau.
Trong đời ít ai được hiểu rằng Tiên Phật ở nơi rừng núi vườn cây như nai vượn, sắc thân vất bỏ xấu xa mà tâm hồn trong sạch. Người ta mảng tưởng Phật Tiên là thể diện, sắc thân của cải nơi giữa chốn yêu ma quỷ quyệt, nên có người hăng hái đến đỗi phải lủi vào sâu, và tới mãi trong vòng tù tội. Đời nào cũng đua chen vào khám tối, kiếp nào cũng lấn lướt tới ngục môn, để làm tù tội mãi mãi, báo đời thiên hạ, làm khổ quan tòa. Có kẻ lại tự xưng ma quái, loài vật của thiên hạ, làm cho ai ai cũng sợ chạy, nhờm gớm cho cái ngông càn khác mặt! Cũng có kẻ xưng mình Tiên Phật rồi, khỏi cần tu nữa, họ bỏ Tiên Phật đi làm ma quỷ (láo khoét bịp người).
Họ hủy báng kẻ đang tu, gọi đó là còn chúng sanh mới còn tu, mà họ quên rằng chúng sanh tu, chúng sanh mới được thành Phật! Cũng có kẻ tưởng lầm, mình tu là phải làm khổ thiên hạ, phải lo đời, tham muốn của cải vợ con người! Chính người đã làm cái việc không đời, không bền dài, mà không tự hiểu; nói quấy mà cho là phải, giống như kẻ chết, thành ma tác quái hại đời hiện tại. Thật đáng thương xót thảm hại cho quá! Những kẻ ấy chưa nhận rõ mình là tay sai của cái ác. Vật chất tiêu hoại đổi thay mãi, và họ cũng bị chết khổ, trung thành lăn lộn theo như cái ác, không sai chạy.
Những kẻ ấy họ quên rằng hành vi của họ sẽ phải phản dội lại họ, kẻ khác sẽ hại họ, gương ác quấy ấy hại lại họ. Họ liều mạng, xem mình như vật chất tứ đại chết trơ như cái ác, nghĩa là họ phải ác và ác mãi, để phải chịu chết khổ mãi, tới đâu là tới, trối mặc rủi may, mất còn thây kệ.
Nói tóm lại, vật chất là vị ác thần hung bạo, chúng sanh là tay sai con cháu, từ xác thịt đến linh hồn, đều bởi ma vương sanh tạo. Tài hay trí giỏi, vật khéo thân xinh, từ trong thân khẩu ý đến bên ngoài sự vật, cảnh ngộ thời duyên, chúng sanh vạn vật các pháp, cõi đời ác trược như hầm ma, hang quỷ… thảy đều do nơi sự bày bố của ác thần vật chất, biến sanh hóa tạo. Chúng sanh sanh trong đời, giao phó tánh mạng mình cho vị ác thần điều khiển, sử dụng. Họ như những con trừu non, ngoan ngoãn với người chăn. Họ sống bằng vọng tưởng, bằng tham muốn, bằng ý dục, không còn lý trí quán xét chi cả. Cái thân của người như cái hố sâu đời đời kiếp kiếp, họ sống để chịu sự già bịnh, như vách đất lâu năm rớt sụp từ lần; ở nơi đó ăn lấy lá mục khô rơi của từ đâu đâu trên cao ban xuống; uống lấy nước mưa rơi như của đấng tạo hóa nào cho, họ lầm tưởng là con cưng của một ông chúa tể ác thần sống mãi. Người mãi sống trong hố hang thân xác, hết thức rồi ngủ, ngủ rồi thức, không tự chủ, không kiến thức, không chủ động, đành ở trong bóng tối, chỉ biết lo việc uống ăn, chịu bịnh hoạn lạnh lẽo, âm thầm ác trược, mà không biết chi là sự thật của võ trụ mênh mông bao quát. Nơi trong ấy có người chỉ biết cái ác, phải ác, phải sống, phải có vật chất, phải làm tội, không bao giờ chịu ngó trước xem sau của sự nay vầy mai khác.
Trong đời lắm kẻ mà còn như vậy, trách gì không tai nạn, không khổ sở nhọc lo cho tất cả. Những người ấy chưa được rõ có đạo mới có đời. Đạo đức mới là đời đời vĩnh viễn. Người tu hiền hết là được, chớ tội lỗi hết ắt chẳng xong! Người mà hiểu ngược rằng có đời mới có đạo, có khác nào xúi người ta làm ác gây tội. Mặc cho ai tu, mặc cho ai cứu độ, mặc cho ai từ thiện, còn người ta ác thì phải ác, phải làm khổ hại người. Nhờ có kẻ ác người kia mới có tu, nhờ kẻ giết hại người kia mới có cứu độ, nhờ có kẻ gian tham người kia mới mau thành Phật. Kẻ ấy làm cho người kia mau thành Phật, kẻ ấy làm cho người kia trau dồi đức hạnh, còn kẻ ấy thì kham chịu thiệt thòi, làm ác quấy ma vương phá đời mãi mãi, để chịu khổ mãi mãi.
Kẻ nói có đời mới có đạo, kẻ ấy có biết đâu rằng người ta tu hết là được, chớ ác hết ắt chẳng xong. Họ xúi người ta làm ác là để giết hại lại họ, họ khó mà được sống chung cùng thiên hạ. Kẻ ấy như người đã chết, và chỉ biết kiếm tìm sự chết mãi.
Vậy những ai trong đời thấy mình cần muốn sống thì phải nên biết rằng: có đạo đức mới có đời đời, đời đời không phải tham đắm nơi vật chất xác thân, mà là bằng đạo đức tinh thần vĩnh viễn.
Vậy thì chúng ta phải nên tu hết.

Đi TuXem tiếp chương 28