Trường Đạo LýTải xuống chương 33
Nghe sách nói chương 33. Trường Đạo Lý
Thuở xưa có một xóm nọ con trẻ rất đông, cha mẹ chúng nó bởi mắc lo làm ăn nuôi con, nên cũng ít học, nơi xóm ấy chưa có trường học, vì vậy mà đối với sự học vấn giáo dục chẳng ai được hiểu ra sao. Người lớn thì quanh quẩn trong sự ăn mặc ở bịnh suốt ngày, bỏ mặc cho trẻ con ham chơi chạy giỡn, bắt dế, câu cá, đánh vòng, thêm sự cỡi trâu, hái trái, đánh lộn, phá tán người ta; khiến nên xóm ấy, chẳng bao nhiêu người mà lại như ở trong cái rọ, cùng đường, không còn biết thêm việc ngoài, chi chi ích lợi của mục đích tấn hóa về đạo đức. Đã vậy nào thôi, người ta lại còn hãnh diện mà khoe khoang những cái cổ lệ, phong tục thành kiến của ông bà xưa, hồi lớp toại nhân, vượn khỉ mới tập nên người.
Người ta cho đó là trung thành với các bậc tiền bối trò cũ và thầy xưa, họ giữ lấy mãi một bài học của hồi thuở nhỏ, đành bỏ mặc cho tháng năm đi tới, thể xác đổi thay, họ không cần phân chia ác thiện khổ vui, chết sống cũng như lắm kẻ cất ra được một ngôi chùa thờ riêng tư. Họ cất ra để thờ ông bà riêng của họ, họ làm chủ chùa thờ, chủ Phật Thánh, chủ đất ruộng; đến sau khi chết thì tan hoang hư sập hết, không ích lợi chi cả. Thường ngày thì lại bỏ trống quạnh hiu, không ai tới lui dòm ngó, vì bởi cái nạn bước vào là phải làm tớ, tớ lõm đất, tớ chùa thờ. Đó là nói đến nền đạo đức cao quý của họ.
Đất của nước biển lóng sanh, cây của đất nảy mọc, nước của hơi mưa rưới xuống, cả thảy tứ đại vạn vật trong võ trụ là cái có sẵn tự nhiên do nhơn duyên dời đổi, không ai có hỏi, có xin, không ai mua gì của võ trụ, thế mà lòng tham lam tư kỷ, nó bảo người ta phải làm chủ, phải bán buôn (bán buôn cả chùa thờ), cho rằng là của ta và ta sống mãi, thật là tội lỗi vô cùng. May là đạo đức mà cũng là của tôi, của riêng, mua bán, chủ tớ; chớ nếu sự đời theo tánh cách chợ nhà, thì lại còn phải không biết bao nhiêu điều câu xéo nữa, chớ nào chịu nhận là cõi tạm sống chung tu học, của cái không ta, không của ta trong võ trụ.
Nền cổ giáo của xóm ấy như vậy, cho nên các khối gia đình mạnh ai nấy tư riêng dục lợi, chẳng kể gì nhau. Họ xem họ như những con cưng của ông vũ trụ nào đó, vạn vật là của cải kho tàng riêng của họ, nên mạnh ai nấy lo chụp giựt, giành nhau, bán đất, bán cỏ, bán cây, bán thú, bán người, bán nước, bán lửa, họ bán cả núi sông, thiếu điều là bán luôn võ trụ. Họ chưa nghĩ ra được mục đích của chúng sanh để bước đến sống chung, vui chung, của chung tốt đẹp. Như kìa cỏ cây kia trước mắt họ, thật là cao quí! Họ mãi giày đạp trên cây cỏ, mà họ quên rằng: chơn lý cỏ cây chung sống thật là hay báu hơn những sự tác động tội lỗi dối tham trong lòng họ. Ấy cũng vì bận rộn muốn ham, say mê vật chất mà họ không còn suy nghĩ ra đạo lý chi khác nữa, để cho đến đỗi nhiều phen đổ máu với nhau vô lý, mà họ cũng chưa hề giác ngộ, biết ghê sợ cái tội lỗi của cải! Thét rồi thì họ liều mạng, nhắm mắt ngông ngang, không còn biết kể chi hết, càng khổ họ càng ác hung thêm. Cũng như trong một thế giới vô minh, họ đang sống trong vô minh hãi hùng hăng bạo, bực tức nóng nảy vô cùng. Chẳng khác nào trong giữa ruột địa cầu ngộp kín phát lửa, lửa hơi càng cuộn lộn ngộp tức bốc phừng, càng lâu năm lại càng dữ dội thêm tới mãi, bởi bên ngoài nước mãi lóng trong, đất bùn thêm dẻ đặc càng dày, bít kín hơi lửa bên trong để cho thêm nóng lung, bực ngộp.
Lửa cháy trong hang tối dưới đất ấy tức là sự nóng nảy trong dốt nát dưới vật chất của cải, của cái ta, của người ta nơi xóm đó. Chỗ đó cũng như dưới sự nắng gắt của thời gian khô hạn, càng nóng hạn trên biển cát sa mạc kia, khiến cho nhân vật cỏ cây nơi ấy phải chết hết lần hồi, vì bởi khát khô nóng mệt. Chúng sanh nơi đó họ đang sống trong những phút kinh sợ điếng hồn, xem chừng như đã chết rồi, đang ở cảnh giới ma thiêng nào đâu, không còn biết được sự thật, không tỉnh giác, khác nào những kẻ thức đêm, khổ nhọc quá lâu, tinh thần mất hết, thấy ra như lạ cảnh lạ vật, ngơ ngác, dáo dác của kẻ lạc hồn. Bởi thế nên mới có một ông già, thấy vậy thương xót, bèn đứng ra xây dựng giùm một cái trường học, trong giữa xóm ấy.
Ở tại xóm kia có một ông già, sau sự kinh nghiệm của thời gian, ông đứng ra xây dựng tạm một cái trường học nhỏ, để dạy đạo lý cho thiên hạ. Trước hết ông đem đạo lý ra chỉ dẫn cho bà con, để cho có một số ít kẻ trí thức nương theo. Sau đó ông khuyến khích họ cất lập ra từng lớp ngăn, hàng dãy. Trường sơ học ấy chia ra làm ba lớp: lớp trên, lớp giữa, lớp dưới cho ba hạng trí. Ba lớp đó cách xa rời nhau, từ đầu xóm đến giữa xóm và cuối xóm. Mỗi chặng có một dãy lớp rất nhiều ngăn, để cho ông già, người lớn, trẻ nhỏ, ai ai cũng đều có học. Như vậy đặng tránh cho sự kẻ có học người không, phá khuấy lẫn nhau. Mỗi lớp tức như một tông giáo, để thâu dạy học sanh tín đồ học đạo. Đạo là trường học, tín đồ là học trò. Mục đích học là để cho được sáng suốt hiền lương khỏi khổ, tuy sự vào học hay không là không có quyền ép buộc, nhưng sự dạy học là bao giờ cũng khuyến khích nhân loại tất cả, phải nên đi học để cho xóm làng được trở nên mặt đất tốt đẹp. Trong sự học không phải ở hoài một lớp, mỗi cuối năm là phải có một lần thi chọn, để bước lên lớp trên học thêm nữa. Ba lớp ấy tức là đảng phái của xã hội gia đình, bước lên tín đồ của thế giới, và đến Tăng đồ của cả chúng sanh, gồm cả ba pháp ấy kêu là đạo, hay trường học.
Trong lúc đang cất lớp lập trường là người trong gia đình, xã hội, đảng phái lãnh phần cất lợp, rộn rịp lăng xăng; người tín đồ của thế giới là đang đi kêu gọi khuyến rủ những kẻ nông công thương sĩ nghệ; còn Tăng chúng thì chưa có, nhưng cũng có một số ít đang tu học trong rừng sâu, hoặc ở nơi xa xứ khác chưa về. Chừng trường cất xong, họ về là sẽ làm thầy giáo dạy lại hai lớp dưới giữa, để cho có được học trò lớp trên, số đông; sau đó là người giám đốc mới đến phần chỉ dạy.
Đó là tam giáo của chúng sanh: Nhơn giáo, Thiên giáo và Phật giáo. Nhơn thiên để đưa về đến Phật. Lớp Phật sẽ dạy cho toàn giác, toàn năng, hoàn toàn đức hạnh, nên danh thi đậu và an vui kết quả.
Những bài học trong trường, chúng sanh không phải học một kiếp một đời, vì phải vừa học vừa tập tu hành. Như thế là kẻ yếu đuối, tối tăm sẽ phải còn sanh đi sanh lại nhiều lần ở nơi một lớp; còn ai hay sáng là họ sẽ bước tới đi mau, hoặc mỗi kiếp lên mỗi lớp, hay hai ba lớp chẳng hạn. Nơi trường học, những ai học giỏi thì yên, ai thi đậu thì vui, cũng giống như người ta sau khi chết rối khổ hay yên vui là do tâm trí của họ, chớ trường đạo lý võ trụ vốn chẳng có nói năng nghe thấy, bênh vực ai cả.
Học đạo lý tức là học cái lẽ sống, con đàng bước lên, mà đối với cổ nhân xưa, hồi thú mới tiến hóa ra là chưa có được. V ì vậy nên gọi tam giáo là ba nấc thang thiện, trên súc sanh trong ngày hôm nay. Có tam giáo mới có tạo ra trẻ nhỏ, người lớn, ông già; ba hạng phân biệt là từ ác đến thiện, đến tu và thành đạo. Như thế nghĩa là đối với chúng sanh nhiều kiếp ác mới tới thiện, nhiều kiếp thiện mới tới tu, và nhiều kiếp tu mới thành đạo. Và sự cao thấp lớn nhỏ của chúng sanh, là những ai sanh ra trước tất sẽ thành đạo trước, hơn người đang tu, kẻ tu là lớn hơn người thiện, người thiện là cao hơn kẻ ác, vì cái ác là cái mới sanh ra sau hơn người ta, đúng theo lẽ chúng sanh tiến ra, là từ trong cái vô minh ác quấy.
Vả lại, người với thú là chung một loại lớp giữa, Trời với Phật là một chặn lớp trên, cỏ với cây là một loài lớp dưới. Thú cỏ cây là vô minh hành ác, người Trời Phật là hữu minh hành thiện. Giữa người với thú là cái ngăn ranh thiện ác. Lớp trên, người Trời Phật là tam giáo, có biết đạo đức; lớp dưới, thú cỏ cây là chưa có biết đạo đức, hoặc là đang có đạo đức ít hơn. Bởi người Trời Phật là lớp có học, có dạy bằng đạo đức, nên người ta đã biết lẽ phải rất nhiều, cũng ví như loài người thì không nỡ bắt thú giết hại bán buôn. Trời thì không nỡ đốn cây, xẻ cưa buôn bán. Phật thì không nỡ ngắt nhổ cỏ rau, bán buôn nấu luộc. Sự không bắt giết phá hại, bán buôn ấy là đức của tam giáo. Nền giáo lý từ bi đó kêu là đức dục, dưỡng nuôi đức hạnh, đức hạnh là điều cao quý hơn hết của nhơn giáo và thiên giáo.
Từ khi trường học vừa cất xong các lớp, bài vở còn đang chép soạn bên trong, thì trước cửa trường đã có những học sanh lần lượt rủ nhau kéo tới, la ó rùm beng, tranh nhau chơi giỡn theo tánh đã quen. Chúng nó rất ngơ ngác với cái tiếng học, tên học trò lần thứ nhất. Chẳng bao lâu các thầy giáo cũng tựu hội lần về đều đủ, giờ học gần đến là trẻ nhỏ càng hồi hộp mà giảm bớt sự ăn chơi lần, chúng nó sợ lo ngó chừng giờ khắc, lặng im đứng đợi. Trong những đám đó cũng có số ít học trò cũ đã có học từ xa tìm đến để học tập tu thêm, nên có cắp sách tập vở, giấy bài, ra tuồng đã quen thuộc tự nhiên, khiến cho các trò mới nhỏ xem thấy rất ngạc nhiên, nhìn sững. Chính nơi đây các trò mới nhỏ ấy mới thấy mình quê dốt, ngờ nghệch hơn người ta, không còn giữ được tánh cách lanh khôn của nơi ngoài đường như khi trước nữa. Chúng nó thấy ra, rồi đây sẽ sống một cuộc đời mới, sẽ ở trong một thế giới mới lớn đông. Từ đây chúng nó sẽ bỏ đi, xa nhà xứ sở cha mẹ ông bà để đi vào trong trường học, sống chung với tất cả, tâm trí phải không còn được nhỏ hẹp tư riêng, hoặc tự do chơi giỡn như khi xưa nữa được. Từ đây là phận sự mỗi lúc phải giữ gìn, sợ sệt, khép nép, khiêm cung với đủ các bậc hạng. Thật là trường đạo lý mới đối với học sanh mới, rất ngộ nghĩnh vui hay. Kìa có ai thử nhìn xem, có nhiều kẻ sợ lo muốn khóc, đứng nép trốn trong các góc kẹt, như nàng dâu run rẩy; có đứa lại còn hăng hái đua chơi, đánh lộn giành ăn; cũng có đứa đang ngồi học đọc trang nghiêm; cũng có kẻ đi qua lại lui tới chờ giờ, xem ra ham thích lắm; lại cũng có đứa còn nắm tay cha mẹ, quyến luyến bà con không chịu rời buông. Bấy giờ mỗi khắc qua là mỗi quả tim cùng đập mạnh, dầu chúng nó chưa biết phải học cái chi, làm sao, khi lát nữa, chớ chúng nó cũng đã biết rằng khi vào đó rồi thì không còn những sự lo ăn chơi, không còn tranh giành nhau, không còn tự do ác quấy, mê chơi nơi chỗ học, với cái tiếng học. Cái học sẽ đánh đổ cái ăn, cái ác, cái tranh, cái tham, cái chơi, tất cả. Cái học cũng như bức tường, nó cản dừng hết thảy những ngọn gió, thì những lá cây sẽ không còn xao động. Cái tiếng học, nó thắng tất cả sự hơn thua mê muội. Người ngó ngay nơi cái học làm mục đích là sẽ không còn tham sân si chi nữa hết, thế giới tất sẽ bình yên.
Quả đúng y như vậy! Chúng sanh có cái biết là mục đích phải học, có cái linh là mục đích phải tu, có cái sống là mục đích phải chung hiệp. Hiểu ra được ba phép ấy, mà nơi trường đạo lý đây sẽ có đủ dạy, thì đâu còn có chi cái dốt, cái loạn chia rẽ, giết hại nhau được.
Khi tới giờ mở cửa ra, các học sanh trước sau lần lượt vào trường, ghi tên sắp lớp, tất cả ai ai cũng đều có đủ lớp học, không dư nhiều, không ít thiếu, tùy theo trình độ rất vừa, già trẻ bé lớn, chẳng còn ai được lêu lổng ở không bên ngoài, phá tán người ta. V ì bởi lẽ, sự học tập vốn không cùng, dầu bé nhỏ tới đâu, hay ông già cao niên thế mấy, cũng đều có bổn phận học hành tu tập, tới mãi. Hễ ai còn có ăn, còn có sống, thì phận sự trau sửa cõi đời, mặt đất, chúng sanh, ta người, vẫn là còn có thêm hoài; cảnh đời sẽ là càng trang nghiêm tốt đẹp tới mãi.
Từ lúc khởi sự khai trường cho đến học sanh sắp hàng đi vào trong lớp là còn phải những sự lộn xộn, để lựa chọn thầy lớp, học trò; khi đi vào lớp yên xong, thì ngoài sân yên lặng, con dế gáy cũng nghe, gió thổi cỏ rung rinh đều ngó thấy; và cũng bắt đầu từ đó, sẽ được bình yên luôn luôn mãi mãi, là nhờ nơi sự học; có chăm chú nơi cái học, thì mới khỏi phải sắp đặt lo nhiều, vì nhờ ai nấy đã có cái tên học trò rồi.
Học sanh khi mới bước chân vào lớp, thầy giáo đã bảo phải đọc lớn tiếng với nhau rằng: “Đường học quý báu cao trên, trẻ mà không học già đời không nên”. Kế đó vào lớp, sắp chỗ ngồi xong, là chúng nó phải đọc thêm nữa rằng: “Giờ chơi đã hết rồi, giờ chơi đã hết rồi, bây giờ phải chăm chỉ học hành. Đường học quý báu cao trên, trẻ mà không học già đời không nên”. Rồi thì kế bắt đầu lo học tập, thầy giáo khởi sự dạy rằng: “Hỡi các em! Các em trước hết muốn làm nên việc chi, thì phải cần hiểu ra mục đích chỗ đến, như vậy là trước nhứt các em phải hiểu ra chơn lý lẽ thật, nguồn gốc căn bổn mục đích của mình mới thấy rõ con đường đi, đi đến chỗ nơi được. Hỡi các em! Trường học nhỏ này sẽ là thay cho cả thế giới lớn lao đại học. Nơi đây sẽ là chỗ ở nhiều đời, nhiều kiếp của các em. Nơi đây sẽ là chỗ thành công hạnh phúc của các em, đúng y theo chơn lý, từ địa vị một học trò để tiến lên một đàn anh, và đến trở nên thầy giáo, sau rốt là giám đốc tổ sư nghỉ việc. Con đàng ấy các em phải cố gắng tự đi, xem nơi thầy gương dạy mà đi, và nương theo các bạn. Trường sơ học này đây tuy rất nhỏ, chớ với sự học của các em, mãn kiếp cũng chẳng hết bài đâu, vì nơi đây có đủ phép dạy để cho nên người, làm Trời, thành Phật đặng. Vả lại với sự học là phải tu một lượt, các em trong một kiếp này giỏi lắm sẽ đi tới Phật là cùng rồi. Các em cũng khỏi cần phải muốn tìm hiểu chi thêm các trường khác cao khỏi hơn lớp trên Phật của trường này nữa. Các em hãy cố gắng cho được toàn giác, toàn năng nơi thế giới này trước đi, rồi sẽ đi tiếp đến khắp cả thế giới trong võ trụ. Các em phải ráng lên để thi đậu quả Niết-bàn an vui trước đã. Quả ấy an là bởi học giỏi, vui là bởi tu nên. Tu học giỏi nên là đạo quả của các em sau này”.
Nhưng muốn đến được thật tu học, các em phải cần giữ giới, để răn
cấm những tật xấu từ xưa:
1. Không nên sát sanh mạng người, thú cùng cây to hay cỏ nhỏ.
2. Không nên trộm cắp, giựt, mượn không trả của người ta.
3. Không nên dâm dục, lếu quấy nam nữ đực cái với nhau.
4. Không nên nói dối, chửi rủa với nhau, hay khoe khoang, đâm thọc.
5. Không nên uống rượu cùng tham lam, sân giận, si mê.
Đó là năm giới lớp dưới trước hết, cũng như năm ngón tay trái nơi bàn tay của các em. Còn này là năm hạnh của người mới tập sự lớp giữa và lớp trên:
6. Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn chỗ xinh đẹp (như vua).
7. Không nghe xem hát múa đờn kèn chỗ yến tiệc vui đông (như quan).
8. Không trang điểm phấn son dầu hoa, áo quần tươi tốt (như người giàu sang).
9. Nên tập nuôi trí, ít ăn, không ăn sái giờ từ quá ngọ tới ngọ mai, phải ăn chay, ngày ăn một bữa.
10. Không nên rớ đến tiền bạc vàng, của quý, đồ trang sức, vì nó làm vọng động hư tâm, và bị thêm trói buộc…
Năm hạnh này cũng như năm ngón tay mặt nơi bàn tay của các em, và các em hằng nhớ, các em hãy thường nên chắp hai bàn tay mười ngón giới hạnh ấy lại khít khao trước ngực (ngang cằm, trên chớn thủy, giữa tâm trí của các em, luôn luôn trong mỗi lúc chớ khá lìa quên).
Đó cũng là mười giới sơ cơ, lớp trên xuất gia của trong trường học. Các em mà tập lần quen được từ lớp dưới năm giới đến lớp giữa tám giới, để đến được lớp trên mười giới và Tứ y pháp Khất sĩ, thì sau này khi sự học tu khá cao là sẽ còn tự mình nảy sanh ra hằng muôn ngàn giới pháp tốt đẹp hơn nữa, mới thành đạo. Hễ thân giới trong sạch thì tâm định yên lặng và trí huệ mới sáng suốt. Có giới định huệ mới mong được chơn như chánh giác như tổ sư giám đốc kia đặng, ấy là con đường, chỗ đến của các em trong đời này.
Còn đây là điều tôi cần phải dạy thêm các em nữa. Nơi đây là cõi của chơn lý võ trụ, mặt đất chúng sanh chung. Hôm nay các em đã đang sống chung tu học, thì phải nên nhớ rằng: Đạo là con đường của tất cả chúng sanh, mỗi người tự đi, chớ không có tên đạo gì cả. Giáo là sự dạy học để tu hành, chớ không có phải tôn giáo gì cả. Và phái là sự làm việc giúp ích lợi chung cho nhau, chớ không phải phái gì cả. Vì đối với tất cả chúng sanh, những sự việc, lý lẽ của đạo giáo phái là để sống chung tu học cho được sáng suốt yên lặng và trong sạch mà thôi. Như vậy là lớp trên, lớp giữa, lớp dưới phải biết kính nhường nhau. Mỗi người đều phải biết lớp của mình, ví như trò ở lớp giữa thì phải kính trọng thầy giáo học trò lớp trên để cho có chỗ mai sau mình bước tới; phải thương yêu trở lại học trò lớp dưới, phải dìu dắt chúng nó, vì chúng nó cũng có thể theo kịp được với mình; và phải biết nhớ công ơn các ông thầy xưa cũ, lớp dưới đã qua; dầu mình có cao giỏi đến bực nào, cũng chớ khá khinh chê, bạc ơn các ông thầy xưa cũ! Phải đừng ở một lớp một thầy, phải đi tới với nhiều thầy nhiều lớp, nhưng mỗi lúc thì phải chỉ một lớp, một ông thầy thôi, mới có thể học nên được. Trong sự học cần phải biết rằng tự cao là dốt nát, vì mình tự cao là mình sẽ không còn học thêm, và cũng chẳng ai dám dạy mình nữa, mà chính là mình phải tập khiêm nhượng, mới mong tấn hóa được.
Ngoài sự tu học, lúc rảnh ra các em còn phải tập thể dục bằng cách làm việc chung cho tất cả, vừa là để tự túc cho mình và tạo sắm phước đức để làm của cải cho tâm, có ăn tu học thêm. Về sự làm việc thì đối với các lớp dưới đảng phái, xã hội, gia đình phải làm nhiều hơn học bằng sức lực. Còn các lớp giữa tông giáo thì sự làm với học bằng nhau. Trên nữa lớp Tăng-già Khất sĩ xuất gia thì học tu nhiều làm việc ít, ấy bởi đã đến lớp lo tu học được nhiều. Nơi trường học không phải tính số tuổi lớn nhỏ theo đời, mà tùy theo trình độ tâm trí cao thì ở chung lớp trên, tâm trí vừa thì phải ở chung theo lớp giữa, trí thấp thì theo lớp dưới, chớ không phải nhận nhìn quyến thuộc, ngồi chung nhau được. Và cũng là giới luật giữ được nhiều, lớp trên thì ở chung theo giới luật lớp trên; giới mực trung lớp giữa thì ở chung theo lớp giữa; còn giới ít lớp dưới thì ở chung theo giới ít lớp dưới. Như vậy thì hạnh phúc sẽ toại lòng, không còn lộn chung trong một lớp, mà trái ý phiền nghịch nhau nữa được. Đó là lấy giới định
huệ của mỗi bậc mà làm thân quyến với nhau.
Các em nên biết rằng trường học là nơi quy hợp tất cả chúng sanh, là chỗ câu hội của tất cả gia đình xã hội thế giới, là nơi sống chung không còn chia rẽ nữa. Mỗi xã hội gia đình đều có người cho con đi học nơi trường đạo đức, chính giữa xóm trung tâm như cái hột giống bên trong, thì các xã hội gia đình bên ngoài cũng như cái vỏ trái kia sẽ bao bọc ủng hộ, dính liền với nhau, bằng nơi sự nâng bước chân vào trong trường đạo lý ấy, mà không bao giờ còn có chiến tranh nhau nữa được. Cũng như các cây căm xe đều đi thẳng ngay vào trụ cốt để gặp nhau; chớ chẳng phải xoi ngang, nghịch nhau. Ví như những gia đình kia ghét giận nhau, mà khi có con đều cho vào trường đạo lý để học. Những người cha mẹ sẽ tới lui theo con, nơi trường lớp ấy tức là họ sẽ gặp mặt nhau tại chỗ đạo đức và nhờ được hiểu đạo đức lần hồi nên họ hòa thuận yên vui với nhau trở lại. Các xã hội cũng y như thế, có những đứa con tin ở trong trường đạo lý, thì chúng nó sẽ thương yêu nhau và chúng nó kéo lôi được những xã hội nhập chung với nhau hòa hiệp. Bởi thế cho nên người ta gọi: “đạo giả hòa dã”, nghĩa là đạo đức sẽ hòa giải tất cả cuộc tranh đua lớn nhỏ đặng. Vì đạo đức tức luôn luôn lúc nào cũng ở chính giữa của hai bờ lề tương đối. Các em mà quen ở trong trường học đạo lý này được, không cần chia màu da, giai cấp, số tuổi, chỉ biết có sự ngăn ác, làm thiện, tu học chung sống với nhau được, thì không khác nào đang ở giữa các thế giới lớn lao ngoài kia! Như thế là sau này các em không còn nạn khổ nữa, vì cái tâm của các em đã trau dồi thuần thục rồi. Chừng đó khi các em có việc đi ra ngoài thì các em sẽ thấy biết mình là cao quí, và không còn lầm lạc sái quấy như những kẻ khác. Vì những kẻ khác thiện ác sạch dơ chung lộn mà phải gọi là gia đình, xã hội, thế giới và chỗ nơi chen lộn không có thứ lớp ngăn ranh chi cả. Họ chỉ biết sự ăn chơi mà thôi”.
Quả nhiên lời nói của các ông thầy giáo đúng y như vậy. Từ đó về sau mỗi buổi giờ chơi thì đông đảo mà chúng nó không còn ác bạo, đến lúc vào học thì ngoài sân lặng trang vắng vẻ. Chúng nó ở chung tu học số đông nhiều năm mà không có xảy ra điều chi tai hại, là bởi nhờ tự mỗi ai nấy biết dòm ngó trau tâm mình và chung lo sự học, có tên học trò thì mất hẳn việc
ăn chơi xài phí của cải vô độ, nên được yên vui cao thượng lắm.
Từ ấy, kẻ trong người ngoài thảy đều ngó ngay cái chung sống tu học. Xóm đó thật quí ích, đã trở nên một trái giác có ba phần:
1. Tăng-già Khất sĩ bên trong trường lớp trên, chỉ lo tu học chờ thi như cái hột.
2. Tông giáo cư sĩ như thịt cơm một trái kế đó, đang tập tu tập học lớp giữa, tới lui đi về mỗi bữa.
3. Đảng phái lớp dưới là gia đình, xã hội đang làm ăn và lo hộ pháp lập công, bảy ngày tới trường lớp một lần để nhắc tâm tu học, như bên ngoài cái vỏ.
Gồm cả thảy là một cái trái, chỗ ở có đủ nơi thứ tự thật là tốt đẹp quá. Nhờ họ biết được mục đích tấn hóa, bước lên, đi tới, học chung, nên con đàng sống rất thông lưu, không phải kẻ trước người sau tới lui cụng dội. Họ không có ở một chỗ hoài, họ không đi lui trở lại đảng phái nào, tông giáo nào. Tăng-già nào cũng là lớp của họ. Họ sẽ đến được ở chung, không còn phải bị ai bắt buộc trọn đời nô lệ ở hoài một lớp. Họ không còn mê muội ở hoài một chỗ, học một bài mãi nữa, vì đã là chúng sanh thì không có chia rẽ chi hết.
Càng nhiều lớp học, nhiều ngăn, nhiều đảng phái, nhiều tông giáo, nhiều Tăng-già, nhiều chừng nào lại càng hay quý, ích lợi, để cho tất cả trình độ chúng sanh đều được tu học hết thảy, và sẽ không còn ai thiếu học, ở ngoài đi phá bậy nơi trường học các học sanh. Mặc dầu lúc mới đi học thì còn quê dốt lộn xộn, chớ lâu sau cái tiếng tu học sống chung học trò, nhắc mãi quen tai, rồi thì tâm ắt cũng trở nên khá đẹp, cũng là ở trong ấy. Dầu sự tu học của mình có sút kém hơn người khác, chớ đức hạnh cũng được sửa đổi trang nghiêm trong sạch rất nhiều, như thế cũng đủ tránh xa sự chết khổ, tội lỗi của bên ngoài trường kia được. Nên miếng đất đạo tràng ấy cũng kêu là Tịnh Độ Cực Lạc, Tây phương xứ Phật. Thật vậy, trong đời có nhiều lớp nhiều ngăn mà không hiểu ra đạo tràng học chung thì nguy hại quá, tránh sao cho khỏi phải phá hại nhau. Danh từ đảng phái, tôn giáo, Tăng-già đâu còn ích chi giá trị cho nhân sanh dùng được. Vậy nên, tất cả phải thấy ra mục đích, vì nếu nói mục đích thì tất cả chỉ có một, là sửa đời lập đạo, chớ đâu phải hai hoặc tên chi chi phân biệt! Đúng lý là y như vậy, cái chùa là đạo tràng chung của đức Phật, khi xưa cũng đã y như vậy.
Trong đời người ta không nên thiếu hiểu rằng tất cả phải theo một lớp, học một bài, ở một mực, ai ai cũng phải theo mình chờ đợi mình. Mà tại sao mình chưa nhận hiểu rằng tâm của mỗi chúng sanh đều khác nhau do duyên cảnh, nhà của ta đâu có giống nhà anh kia, cái áo ta đang mặc khác với áo của anh đó, cái tâm của chúng ta vẫn chẳng giống nhau, mỗi chỗ ngồi đứng nào có in nhau thì tâm trí phải có khác nhau chớ? Như vậy thì tại sao chúng ta dám bảo là kẻ kia phải theo ta? Tại sao ta dám bảo kẻ kia là quấy? Đành rằng ta có thể cầm roi đánh trên đầu họ, bắt buộc họ phải theo ta, nhưng khi họ chịu đi theo ta rồi, ta xoay lưng lại đi trước, để cho họ đi theo sau là họ sẽ giết hại ta trở lại, chớ nào không phản dội. Như vậy có ích lợi chi đâu? Sao bằng ta hãy lo trau dồi tâm trí ta cho tốt đẹp, tự họ thấy đó là nơi đáng nương dựa tin cậy, tự họ xin theo, chẳng là ích lợi cho tất cả về sau. Thật vậy, mỗi khi ta thấy có người nào khác với ta, về lý sự chi thì ta hãy hạ dẹp tấm lòng ngã ái xuống, nên mở túi trí của ta rộng ra để chứa thâu thêm mỗi giáo lý. Ta phải học thêm nữa cho mau đầy đủ, chớ đừng trút túi trí của mình ra mà đi đánh đập họ, làm chi cho dốt nát, đói khát lại bị rớt hết phải nghèo thêm. Có vậy mới gọi chúng ta là người có học, biết học, được học, vì đời là cõi trí trường học, đủ lớp, đủ bài, đủ hạng, chớ đâu phải chỉ có một câu, một giáo mà tưởng đủ rồi, như của ta bấy lâu lầm chấp. Mà cũng là sự thật đúng như vậy, vì nơi lời nói của chúng ta mỗi ngày cũng nói rằng: “Trong đời nào có ai là toàn học đâu?”
Ở xóm đó nhờ có ông già mắt sáng, thấy xa xét kịp, nên tránh được những tai vạ lớn lao. Vì nếu không có trường đạo lý sống chung tu học mở rộng các lớp, lấy dùng chung tất cả đạo giáo phái thì nguy hại lắm. Vì các khối gia đình ấy, họ cứ mãi tranh nhau, họ không có mục đích tu học, họ lại lấy cái ăn làm chỗ đến thì không tài gì ai sống chung nhau được.
Thế mới biết rằng cái nên với cái hư vẫn ở khít một bên. Người có đức thì sẽ thành công, không dùng sức lực. Cái cười ở bên trong lộn với cái khóc là y như vậy. Người tĩnh tâm thì bao giờ cũng nên được việc lớn lao
trong cơn thất bại.
Cái xóm đó đã trở nên một cái trái ngon thơm của ba lớp người. Cái xóm đó đã biến thành một cái hoa đẹp tươi của ba cỡ học. Cái xóm đó đã trở nên một cái trường đạo lý có cả ba lớp:
1. Lớp mười giới xuất gia khất sĩ như cõi Tây phương Niết-bàn xứ Phật bên trong, làm ngòi mộng của hột, khác nào cõi trời Vô sắc giới.
2. Chính giữa là tông giáo tám giới như thịt ruột cơm của hột, là cõi trời Sắc giới.
3. Bên ngoài là đảng phái xã hội gia đình năm giới như bao vỏ ruột hột chở che, là cõi trời Dục giới hoặc nấc nhơn loại tối cao.
Cõi ấy tức là người Trời Phật tại thế, sẽ là hột giống sắp nảy nở lan tràn cho khắp thế giới nhân loại mọc nối theo sau, và sẽ là gương mẫu thiên đường, miếng đất mới đầu tiên trong không gian lịch sử của quả địa cầu này. Y theo đó làm bản dạng thì vĩnh viễn chúng sanh không còn chiến tranh nhau, không còn chết khổ vì nhau, không còn vô minh tội lỗi, phân chia cướp lợi, là bởi ai ai cũng tự giữ gìn luật răn cấm ác, từ năm giới sắp lên, và có được học kinh nghiệm. Noi theo đó thì trong đời chỉ dụng cái thiện, cái học, cái tu. Càng nhiều cái thiện là càng hay, còn cái ác một mảy cũng không nên chứa để. Cũng như sống mà ác thì nên phải chết đi cho rảnh, còn người thiện thì nên phải ở lại để lo giúp ích lợi chung cho tất cả vậy. Ở xóm nào mà người ta biết tự chủ, biết cần xét chỗ đến, biết nghĩ để hạnh phúc chung về sau mãi mãi, thì ai ai cũng mong muốn được cái nên hay như vậy, mà cả thảy đều cố tâm trì giới, siêng lo tu học, tuy ăn ít mà vui nên bền dài thỏa dạ, sung sướng khoái trí lắm.
Xóm ấy tức không phải là một xóm riêng, cũng chẳng phải là xóm chung của cả thế giới ta bà này, về sau sẽ y như thế, mà xóm ấy tức là mỗi tâm địa chứa đựng chúng sanh của mỗi một thân hình người. Mỗi thân hình người, mỗi thế giới, cũng có thể lập nên một cõi Phật, giống y như xóm kia được. Vậy nên chúng ta phải biết thân ta là như trường đạo lý, như xóm kia, như thế giới. Nó phải là cái nhà sống chung tu học hòa thuận an vui của chúng ta tạm trong mỗi kiếp. Nó có ích quí đối với chúng ta lắm. Chúng ta chớ nên vội bỏ qua, quên lửng, dùng sai, ắt phải sanh ra tai hại. Điều ấy đáng cho chúng ta phải nhận xét cho đúng.
Chơn lý vốn y như vậy. Sự thật trong những lúc nào cũng đã có y như thế! Từ đảng phái xã hội gia đình để đưa chúng sanh bước lên tôn giáo, đem đến Tăng-già giải thoát xuất gia khất sĩ là đạo đức hoàn toàn vậy!
Quả địa cầu là cái quả to bằng tứ đại, trong đó có chứa chúng sanh cũng bằng tứ đại, đủ ba hạng như vỏ, ruột và hột. Đúng y như thế!
Cho nên những ai đã hiểu ra sự thật được rồi thì lấy làm vui thích hành theo, mà cho là sung sướng lắm. Từ đây có lẽ nhờ nơi một xóm tiểu học ấy mà sau này cả thảy thế giới ắt sẽ trở nên đại học đường được. Sự thật như vậy thì trong đời đâu có chiến tranh, đâu phải chiến tranh, và sẽ không còn chiến tranh, vì ai ai cũng sẽ giác ngộ lần ra, lo tu tìm học hết, chớ đâu còn tưởng lầm, như khi mới tựu trường kia mãi, mà đi lo sợ.
Như thế là các ngôi chùa, đạo tràng phải lo mở cửa cái trước mới được, và bắt đầu từ đây là chúng ta không nên thờ cúng cầu nguyện riêng cho ông bà quyến thuộc của ta ích kỷ tham vọng, mà nên phải xét nghĩ đến chúng sanh hiện tại, vì những kẻ quá khứ hoặc đã là Phật Thánh rồi, hay đang là chúng sanh hiện tại sau này. Vậy sao chúng ta chẳng biết kỉnh trọng Phật Thánh, lo cho chúng sanh? T ại sao chúng ta chẳng lo cho chúng sanh để đi thờ cúng vái nguyện làm chi, cho mắc tội tâm vô ích? Lẽ thật đã phải có đúng y như thế.
Lành thay vậy!
XUẤT GIA KHẤT SĨ LỚP TRÊN: TỨ Y PHÁP
1. Người tu xuất gia giải thoát phải lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
2. Người tu xuất gia giải thoát chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp đọc giới bổn, được ăn tại chùa.
3. Người tu xuất gia giải thoát phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.
4. Người tu xuất gia giải thoát chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc dầu đường thì được dùng.
Tứ y pháp là chánh pháp của võ trụ, quý báu hơn hết.
Nguồn Đạo LýXem tiếp chương 34
02. Ngũ Uẩn
03. Lục Căn
04. Thập Nhị Nhơn Duyên
05. Bát Chánh Đạo
06. Có và Không
07. Sanh và Tử
08. Nam và Nữ
09. Chánh Đẳng Chánh Giác
10. Công Lý Võ Trụ
11. Khất Sĩ
12. Y Bát Chơn Truyền
13. Ăn Chay
14. Nhập Định
15. Bài Học Cư Sĩ
16. Cư Sĩ
17. Tâm
18. Tánh Thuỷ
19. Học Chơn Lý
20. Trên mặt nước
42. Học Để Tu
43. Đạo Phật
44. Tu và Nghiệp
45. Pháp Tạng
46. Vô Lượng Cam Lộ
47. Quan Thế Âm
48. Đại Thái Thức
49. Địa Tạng
50. Pháp Hoa
51. Thờ Phượng
52. Pháp Chánh Giác
53. Số Tức Quan
54. Sám Hối
55. Chơn Như
56. Hoà Bình
57. Lễ Giáo
58. Đạo Phật Khất Sĩ
59. Khổ và Vui
60. Pháp Học Cư Sĩ