Khi xưa tại xứ Ấn Độ, thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn nên không có thờ phượng. Các Ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiến phức tạp, các Ngài chỉ quí trọng tư tưởng giáo lý. Còn đối với các hàng cư gia hữu lậu tội lỗi thì còn ham mộ đức tin, việc thiện chút ít nơi hình thức, như là tạo xây cốt tượng, cất lập chùa tháp, lễ bái cúng dường, đi viếng các nơi kỷ niệm quan trọng của Phật v.v… Nhưng điều quí trọng hơn hết của cư sĩ là sự học nghe Pháp bảo.
Lại cũng như vua A-dục xây lập ra vô số những tháp để thờ cốt tượng Phật, hoặc thờ món vật dụng dấu tích, thờ xá lợi tro tàn, cùng thờ Pháp bảo sách kinh của Phật tại các ngã ba, ngã tư đường đi, trên cao chót vót, mà bụi bặm, lời thô, việc ác trược của thế gian không hề bám tới. Vì đối với đạo Phật là Pháp bảo chung của tất cả chúng sanh, nên những kẻ đã biết đạo rồi là không bao giờ ai dám giữ lòng tư riêng ích kỷ trái ngược. Người ta cũng không dám thờ cốt tượng Phật tại nhà, mà cho rằng đó là một sự sái pháp luật của đạo, của lời Phật dạy, của sự giác ngộ tiến hóa cho cư sĩ. Người cư sĩ thuở xưa thờ phượng chư Phật Thánh là bằng đức tin tư tưởng và bằng giáo lý trí huệ. Vì hai lẽ thờ quí báu ích lợi ấy mà cư gia kính trọng lắm, chẳng bao giờ dám để tại trong nhà, là chỗ đi qua lại dể duôi cùng sự ăn ngủ khít bên, hay nói làm thế sự vô lễ.
Như người ta nhận thấy ra rằng Phật và Tăng là bậc đã giải thoát xuất gia thanh tịnh, không thế nào ở trong nhà thế một ngày hay đêm. Bởi tâm của các Ngài đã quen sự yên lặng trầm mặc, các Ngài chẳng còn thấy nghe việc đời, tâm ấy như đã khắc kỵ tương đối với cõi đời, các Ngài đã xuất gia rồi thì đâu còn nhập gia luân hồi trở lại. Vả lại cũng không ai cư sĩ mà dám ép buộc cầm mời các Ngài để đặng phá hại đạo Phật. Đành rằng khi xưa cũng có lắm kẻ cư gia, vì sự mến mộ Tăng hoặc Ni thái quá, lắm kẻ muốn rước thỉnh Tăng hay Ni vào ở luôn trong nhà của mình, kẻ ấy tính ngăn ra một căn nhà để làm phòng cho các Tăng hoặc Ni ở đó với cư gia, khác nào là sự cầm tù nhốt trói các Ngài lại, để đặng làm tội phạt khổ các Ngài không cho tu học. Những kẻ ấy cũng là vọng tâm lành thái quá, mà không hay sự tội lỗi về sau. Muốn được riêng ích kỷ cho phần mình, hoặc mình sẽ được phước cúng dường riêng, không muốn cho Tăng hoặc Ni đi khất thực chia phước chung cho tất cả hay cũng là một mình muốn cho Tăng Ni ở chung gần khít một bên, để nhắc nhở tâm mình mỗi ngày, cùng dạy học tu cho một mình mình.
Những lúc ấy chư sư thường dạy bảo cho rằng: Vẫn hay tấm lòng mộ đạo mến tu được đến thế là rất ít có, tốt đẹp báu quí lắm. Nhưng mà cái chi thái quá là sẽ có sự bất cập rất gần. Hễ ăn no là cái chi cũng nhàm chán chẳng còn biết ngon. Các Ngài bảo rằng: Phật Tăng vốn không khi nào ở trong chỗ thế, kìa chư Phật Tăng sống chết trọn đời đều ở nơi vườn rừng thanh vắng. Các Ngài không còn quyến luyến thiên vị riêng ai. Các Ngài bảo giữ trí huệ, thần thông, đức hạnh là phải ở nơi chỗ vắng êm cảnh tịnh. Thế nên giới luật của các Ngài là phải tách phân với cư sĩ thế tục. Các Ngài càng tu lâu là giới luật càng tăng thêm nhiều thì sự giải thoát thanh tịnh càng nhiều.
Lại còn đối với sự tinh tấn là các Ngài chẳng bao giờ dám ngó ngay mặt Phật, chẳng dám ngồi ngang, ngồi gần, hoặc đi trước mặt thoáng bóng, cho đến chỗ ở ngủ của các Ngài thảy cách xa nơi Phật ngự, nhứt là nơi thờ phượng. Những lúc sau Phật tịch, các Ngài thờ phượng xây lập đền tháp nền cao, chỗ tịnh; ngoài cuộc nhóm họp làm lễ, sám hối, khi có việc, hoặc quét dọn, chẳng bao giờ ai dám léo hánh tới gần. Chỗ ăn ngủ phải cách xa nền đất, riêng hẳn mái hiên, tiếng nói chẳng cho nghe lọt bay vào nơi ngôi cốt Phật, giữ y như lúc Phật thuở sanh tiền. Các Ngài kỉnh Phật như thế, tất là để kỉnh tâm, tâm sẽ biết quý trọng pháp mà dễ bề tinh tấn, tu theo chơn Phật. Vì ở trong đời, hễ cái chi ta còn quí trọng là sẽ còn ham mộ cố gắng thật hành, bằng hết quí trọng là cái chi ta cũng sẽ giải đãi chán nản bỏ bê. Vậy nên bỏ cái chi thì các Ngài còn bỏ được, chớ đối với vấn đề sanh tử khổ báo luân hồi, thì các Ngài làm sao dám khinh thường; mà chẳng phải là càng tu lâu, càng thấu đạo, càng đi xa, càng an lạc kết quả là càng phải cung kỉnh Tăng thêm, phải càng biết sợ Phật, càng nên sợ Pháp, tức là phải sợ tâm. Nếu tâm càng tự cao, giải đãi dể duôi là tức thì sa địa ngục trọn vẹn, vì địa vị càng cao là tánh mạng càng nguy hiểm, cũng như người trèo núi, càng lên cao là đáy hố sẽ càng xa sâu thêm mãi. Vậy nên các Ngài phải cần quan tâm thận trọng, phải có biết sợ dè dặt, mới chắc đi đứng vững yên. Mặc dầu Phật không bảo sợ, mà kẻ giác ngộ là phải càng thêm tự sợ lấy mình, ấy mới phải thật gọi kẻ chơn tu. V ì mình càng cung kỉnh biết sợ là sẽ giúp ích cho mình mau nên, chớ có ai được hưởng nhờ?
Các Ngài cho rằng chỉ có một pháp tu để đắc quả thánh trong sạch A-la- hán thôi, pháp ấy là dứt lòng kiêu mạn, mà pháp ấy có ra là do sự biết quý trọng một cái pháp để tự lặp đi lặp lại mãi, không cho nhàm chán là sẽ được sự trong sạch hoàn toàn, giải thoát hoàn toàn. Câu ấy thật rất đúng!
Sở dĩ các Ngài quý trọng quả Vô Sanh A-la-hán, Ứng Cúng ấy là vì nếu chưa đắc quả thánh thì có trông mong gì được quả Phật ở đâu đâu? Ai đem cho? Phật kia há chẳng phải là một vị đại A-la-hán đó ư? Bởi thế cho nên khi xưa các bậc A-la-hán là không hay dám gần Phật, và bởi không dám dể duôi với Phật, nên không nhàm chán Pháp. Mặc dầu ít nghe ít học, mà mùi vị đạo lý giúp cho các Ngài được no vui sống mãi đời đời, khác xa hẳn với ông A-nan theo chi gần Phật, thông minh mà không đắc quả. Đúng lý như vậy, kẻ chưa tu thì còn dám làm vi trùng sâu rận ở trong mình Phật, chớ người có tu lâu là sẽ càng xa Phật lần lần, nên đến một ngày kia, ở nơi những thế giới xa, có ra đời những đức Phật khác được.
Khi xưa cũng vì sự kỉnh trọng sợ sệt quý báu nên hay ích lợi ấy, nên các Ngài thường dạy bảo cho các hạng cư gia, khuyên chẳng nên thân cận tới lui với Phật, với các Ngài lắm. Nếu thái quá thì có ngày bất cập, sao cho bằng sự thường bền là tốt hay hơn. Đạo là mực trung, lợi ích cho cả ta và người mới phải. Kìa như năm bảy ngày ta đến chùa lạy Phật sám hối một lần, thì sự cung kỉnh sợ sệt của ta càng biết tăng thêm quý trọng, lại đạo lý và quả linh của ta càng thêm tinh tấn bội phần. Lâu lâu ta gặp được một vị sư, ta sẽ thấy tâm mình sanh thêm mến mộ, biết quý trọng sự xuất gia, và còn hăng hái giảm dứt nghiệp trần toan lo giải thoát.
Thế mà trái ngược, khi ta có thỉnh được Phật đến nhà ta mỗi ngày, thì mỗi ngày sự quen lờn của ta càng nảy nở, ta sẽ không còn biết lo sợ đời địa ngục, tức là ta đã càng dể duôi bất kỉnh khinh thường. Cũng như người cư sĩ kia thờ cốt tượng tại nhà, người cho rằng thờ Phật như thế là ích lợi cho tâm người, người sẽ xem thấy trước mắt luôn luôn mà giảm bớt được rất nhiều nghiệp tội của thân miệng ý. Đó là theo ý riêng của người, nhưng người quên dòm xem lại những kẻ chung quanh cư sĩ như người, cả thảy ai ai cũng sa đọa dể duôi chìm đắm! Người ta chỉ biết quý trọng, cung kính sợ sệt trong một đôi ngày đầu, lòng muốn xuất gia giải thoát khất sĩ, sợ ác trược, phát tâm tu chỉ được có vài hôm, rồi sau đó thì thờ là thờ cho có lệ, còn sự thế lại say đắm bất kể, không còn biết nghĩa lý đạo đức, Niết-bàn, địa ngục. Người không còn biết đến, cũng không dám biết đến, cũng không cần biết đến, chừng ấy người xem ra Phật Thánh như là kẻ ăn đậu ở nhờ nơi nhà người. Đạo Phật có ra do nơi sự thờ phượng của người, người lấy kể công lao cực nhọc nhắc chừng, cúng vái mỗi buổi đó để tạo gây phước nghiệp tội lỗi bên ngoài. Cũng có kẻ lại lấy nể Phật làm bia, cho dễ bề gây sanh ác trược.
Có người lại tưởng chừng như cốt tượng ấy là vị thần tài, thổ địa, giúp sự nên hay nơi gia đình người. Ấy bởi do nơi sự dể duôi nhàm chán mỗi ngày, mà gây sanh ác tội không hay. Ai ai tâm trạng chúng sanh là thảy giống nhau: ăn cơm mãi một món thì đâu còn biết ngon? Nói hoài một lời, làm cố một việc thì đâu còn vui thích? Sao bằng là ít nói, ít làm, ít ăn, hay lâu lâu mới ăn, làm, nói một lần, mới gọi là quý hay tốt đẹp.
Đã vậy nào thôi, sự muốn rước thỉnh Phật vào mãi nơi nhà, hay cùng sự thờ phượng cốt tượng Phật trong nhà, ngoài sự vị kỷ sái luật tai hại cho mình ấy, còn thêm phải mắc tội tâm với chúng sanh, với đạo Phật. Vì sự cầm chưn Phật, nhốt phạt tượng cốt Phật là có tội với chúng sanh chung. Đem Phật Thánh vào chôn sâu trong giữa nơi uế trược quấy ác phiền não xấu xa là tổn hại cho tinh thần và giáo lý đạo Phật. Ngoại giáo sẽ chê cười rằng Phật Thánh ở nơi cấu trược. Trẻ nhỏ về sau sẽ tưởng lầm Phật Thánh cũng ở trong nhà người thế. Lại những kẻ Tăng Ni về sau lấy nể đó mà làm việc thế gian tội lỗi, cùng với cư gia chung lộn đặng bỏ đạo lo đời. Và lắm kẻ cư gia cũng lạm dụng danh từ Tăng chúng, cho mình cũng như xuất gia, như hầu cận Phật, như là con trưởng nam của Phật, nên không cần kể gì luật pháp giới hạnh, không cần giải thoát làm Tăng khất sĩ, lại khinh chê luôn cả Tăng sư, Ni cô, Pháp bảo; tự xưng mình làm Phật tại nhà, xem thường chư Phật, chẳng kể đạo Phật để tự buông lung ác tội, té sa vào địa ngục thảm thương. Bấy giờ, người đã trở nên kẻ hủy báng Tam bảo, cho rằng nhà cũng như chùa, cũng có Phật như chùa, cũng có kinh Pháp; người như Tăng rồi không cần nhập chúng với ai, tu riêng một mình, theo ý riêng, một lớp một bài cũng đủ, đạo Phật như là đạo của một mình người đúng phải. Kẻ ấy bằng có thiện lành, thì chỉ được là chư thiên thôi, nhưng với tánh tự cao, là gốc ác tội, thì thiện lành đâu vững chắc? Kẻ ấy không bao giờ xuất gia được, sẽ càng sanh thêm tội lỗi mãi. Kẻ ấy không bao giờ được gặp các bậc chơn sư đại đức hay chư Phật, vì người không thích hạp ai, bởi sự kiêu căng tật đố. Kẻ ấy chẳng hề được nghe pháp lý để học thêm, không hay gặp được bậc đức hạnh, vì chẳng biết đến sự thấy nghe hoặc gần giới luật. Kẻ đó sẽ chết khổ giữa trong sình lầy ô trược phiền não, lấp chôn địa ngục, mà đành vui chịu cho rằng đã là Phật Thánh thì không cần gì giải thoát ra ngoài đi đâu. Khi khổ vì chỗ động, người chẳng biết đi đến tìm nơi cảnh tịnh, để đặng khỏa khuây giác ngộ trở lại v.v…
Đó tức là sự đọa lạc mất tấn hóa, bởi tội lỗi dể duôi của người cư sĩ chư thiên thiển cận, được trước mất sau, biết bao nhiêu những kẻ đã lâm vào cảnh ấy.
Với cốt tượng Phật mà còn như thế, huống chi là chư sư khất sĩ Tăng Ni, kẻ đang còn mang thân sống tạm bợ, nếu được sự ở chung chạ gần gũi ra vào thấy gặp, lại còn phải chịu sự cung cấp, làm như kẻ ăn xin, thì cư gia tránh sao không nặng nề công cán khinh thường, sẽ từ bậc thầy xem lần như khách, kế đến như bạn, sau rốt chẳng khác cháu em, thì còn chi đạo Phật và sự tấn hóa giải thoát giác ngộ cho mình.
Còn Tăng Ni nào mà đi chịu ở chung như thế, kẻ ấy đâu còn phải Tăng Ni có giới luật, thì cư sĩ kia nuôi dưỡng hạng mưu cầu y thực, há chẳng tưởng lầm, gây sanh ác tội hay sao? Mà cũng tệ thật, đời sau này cũng có ít nhà chùa và Tăng sư Ni cô cũng không còn giống như khi xưa. Có lắm nơi Tăng Ni ở chung nhà thờ Phật, chùa chẳng được chỗ vắng êm thanh tịnh an nhàn của tinh thần đạo lý, Tăng Ni không có thì giờ tu học giảng dạy pháp lý, giới luật cũng chẳng chịu theo xưa, tín đồ bổn đạo lại càng thâu nhiều phụ nữ, giai cấp lợi danh, chia rẽ đúng bực, không còn phải là chỗ tinh thần gom hiệp, tập sống chung bình đẳng, để dứt nạn chiến tranh của đạo Phật. Bởi thế nên có kẻ cư sĩ kia thấy mình tới đó không ích lợi chi, mà cho rằng chùa cũng Phật, ở nhà cũng Phật, đi tới đó lại thêm xót mắt đau lòng vì Phật. Thế là các Tăng Ni vật chất lợi danh ấy đã tự đốt chùa giáo hội đạo tràng tịnh xá của Phật, và luộc thiêu cả hột giống Phật tử cư gia kia. Như vậy thì ai cũng tội lỗi cả, hai phía càng tranh nhau tức là càng giết đạo Phật, thảm thay!
Hồi nghĩ lại đạo Phật khi xưa ở nơi xứ Ấn Độ, người ta biết xây tháp lập đền chỗ tinh khiết thanh tịnh mà thờ và Tăng sư có giới hạnh, có thuyết pháp. Cư gia có chỗ tới lui tu học, được giải thoát phiền não, khuây khỏa tâm thần. Cư gia đến để tắm rửa thân tâm trong sạch, mát mẻ nhẹ nhàng và tập sự sống chung hòa thuận, thật là hay quí tốt đẹp. Kế đến xứ Tàu theo đức Lão Tử, người ta cất lập lư bồng nhà mát rất cao, ở nơi chỗ vắng cảnh êm là cảnh mát tâm rộng trí, để tu học cho mau tấn tới quả linh và đạo lý, cũng là còn khá. Trái lại đời nay, xứ này lắm nơi thờ phượng, không phải để nâng cao tinh thần giáo lý thanh tịnh của Niết-bàn vắng lặng, mà là sự thờ phượng tự ý cho là tượng trưng, trò chơi kỷ niệm, không kỉnh trọng, xem thường địa ngục, khinh dễ Niết-bàn, tưởng mình như Phật, để chôn sâu đạo và Phật trong giữa đất bùn, nhiễm ô vật chất lợi danh. V ì thế nên ai ai cũng khổ nạn về sự sống chung tu học của trong đạo và tiếng Phật, tức là nạn khổ của sự tục và Tăng tranh nhau cái tiếng đạo Phật. Ấy cũng vì sự mắc bận việc nên các người đã quên không hay xét đến nguồn gốc tội lỗi của việc làm. Kìa cốt tượng Phật còn đang bị hành phạt nơi giữa nhà, xóm, chợ búa kia thì Tăng đồ tín đồ có đâu yên ổn đặng.
Thật vậy, đời nay ai cũng muốn đặng gần Phật, ai cũng muốn học để dạy người, dùng tiếng Phật để thâu người, mà ít ai biết sợ đọa chướng dể duôi đặng tự lo tu, để cho thiên hạ xem gương noi dấu. Người ta mảng ngó chừng cho kẻ khác mà quên mình. Kẻ khác tấn hóa còn mình phải bị thối lui. Nếu như một ngày kia mình sa địa ngục rồi thì hỏi vậy còn độ dắt ai. Không lẽ lại cũng dắt họ đi luôn, lộn tròn xuống địa ngục?
Thế mới biết rằng tiếng Phật cũng có lợi và cũng có hại. Lợi cho kẻ chơn tu hiền trí, mà hại cho kẻ sái quấy vọng ma. Đành rằng trong kinh Pháp Hoa, Phật có dạy: Kẻ mà nghe đến một tiếng Phật cũng là có hột giống Phật trong tâm, mai sau cũng sẽ thành Phật đặng. Kìa như Đề-bà-đạt- đa, kẻ hại Phật bị sa địa ngục, chớ lâu sau cũng sẽ thành Phật, là do nhờ có sẵn hột giống. Kẻ ấy sẽ thành Phật chậm sau người ta ai nấy, vì còn mắc phải ở dưới trong địa ngục rất lâu, chịu quả báo khổ sở, mới sẽ được tỉnh ngộ, phát tâm vượt lên lần trở lại. Những kẻ ấy gần Phật để mà xa Phật, không có được sự giác ngộ chi, rất vô lý.
Kìa trước mắt ta, kẻ đồng bóng quỉ thần nọ cũng dựa nương tiếng Phật mà làm việc ác gian. Lắm kẻ lại xưng gọi cứu độ đời, Phật nhập cho người, tưởng chừng như tiếng Phật là trò chơi, đạo Phật như hình vẽ. Chính người thân kề bên Phật như kẻ dựa bệ, để đặng danh vọng lợi lộc, hưởng vui một lúc, đành chịu khổ muôn đời, thật là tai hại mê muội. Kẻ ấy phá đạo, giết Phật, hại chúng sanh, làm ra ma quái, tội lỗi lớn biết dường nào, thì làm sao tiến hóa kịp theo với người ta.
Vả lại, Phật bảo người ta tu y theo con đường của Phật, chớ Phật nào có bảo ai thờ phượng Ngài, độc tôn ích kỷ cho Ngài. Ngài muốn cho tất cả chúng sanh đều bình đẳng giác ngộ như Ngài cả cơ mà! Thế sao chúng ta lại đi thờ cúng lễ bái mãi làm chi như kìa để cho trẻ nhỏ hiểu lầm sanh ác tội. Sự thật đã có, phải chăng như thế? Vậy thì chúng ta nên hiểu rằng, thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu cho kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ. Sự thờ phượng tạm ấy là để an ủi khuyến khích kềm giữ đức tin, nhắc nhở cho kẻ mới sơ cơ, như nhỏ dại một lúc đầu thôi, rồi về sau là phải tự giác ngộ, tự lo tu để mà làm Phật, y như Phật, chớ phải đâu vĩnh kiếp làm tôi đòi cho cốt tượng, cùng sự lập công kể ơn với tượng cốt, đặng mưu sự toại danh hưởng lợi cho thêm khổ nạn. Thế mới biết rằng: sự thờ phượng không phải thật, thờ phượng là pháp trợ tu cho kẻ nhỏ, chớ đó chẳng phải là cách tu đâu, thì chúng ta đi nhọc lòng bào chữa làm chi?
Kìa như khi xưa chư Bồ-tát, sở dĩ các Ngài lập ra đền tháp, chỗ thờ Phật và pháp, ấy cũng bởi tại nơi người thế gian ngoại đạo hằng bày ra lắm việc ố ngạo, lợi dụng, đem kinh pháp cốt tượng bán buôn, sa thải, hủy hoại, phá đạo, nên các Ngài mới cực lòng lập ra đền tháp có chỗ nơi để gom thâu kinh pháp cốt tượng lại, hoặc đốt thiêu hay phượng thờ chung. Đó là cách cứu vãn mua chuộc đạo Phật, và cầu siêu giảm đọa cho kẻ thế ngạo mạn, chớ chẳng phải nơi đó là chỗ chứa, để đặng phát ra cho thiên hạ xác thân bình yên mạnh giỏi. Các Phật Tăng chơn chánh là sẽ thuyết pháp dạy đạo, lo tu làm gương chớ nào ỷ lại vào sự làm giả tạm ấy. Vì các sự bán rẻ đạo pháp xa xí hủy hoại ấy, cầu danh mưu lợi, tuy có được sự ích lợi mau lẹ rộng nhiều thật, nhưng mà chỉ giúp cho chúng sanh được ham vui trong chốc lát, rồi thì về sau phải đọa khổ muôn đời. Vậy nên các bậc trí huệ thì chẳng bao giờ nỡ lòng nào đi làm việc quá thiển cận, tai hại như thế. Do đó mà các Ngài chỉ ra rằng đạo Phật, chỗ đến của chúng sanh là tinh thần trong sạch vắng lặng cao quý. Những ai bày ra lắm sự hữu vi sắc tướng phá Phật, giết đạo, mê hoặc chúng sanh mãi, tội lỗi khổ báo ấy chẳng vừa đâu! Kẻ ấy dầu có được nhờ phước hữu lậu đó để sanh lên cõi Trời kia đi nữa, thì họ cũng phải chịu khổ báo mãi, bởi những cố chấp nặng nề đọa lạc, khó trông gì giác ngộ vượt nghiệp, bước qua đến được Niết-bàn vô lậu an vui thiệt thọ của Phật.
Thật vậy, nhờ Tam bảo mà nhân loại bước tới chư thiên, nhờ Tam bảo mà chư thiên đứng vững; nhưng chư thiên khó đem mình giải thoát làm Tăng để dứt khổ cõi trời. Ấy cũng bởi một là lãng quên Tam bảo, và hai là ngạo mạn tưởng mình như Phật. Hai hạng ấy thái quá bất cập với Tam bảo là bởi quá thân cận ôm giữ phượng thờ cốt tượng, cùng sự không còn biết đến làm Tăng mà phải sụt lui trở lại.
Thế nên, sự thờ phượng tạm của chúng ta là nên phải đơn giản thanh tịnh một lúc đầu thôi, rồi thì lo tu giải thoát làm Tăng, chớ chẳng nên cố chấp lắm, nhứt là sự thờ phượng phải cung kỉnh trang nghiêm, chẳng nên giữ tại chốn lợi danh phiền rộn, để phải mất sự tấn hóa giải thoát về sau. Những kẻ thật chơn tâm, tu cầu giải thoát, chẳng muốn mang khổ báo của cõi trời người, thì phải khá nên giác ngộ nhận ra điều ấy, mà ráng thật hành cho đúng lý, chẳng ngó ngày nay thì mai sau mới mong ích lợi.
Sở dĩ quyển Thờ phượng này có ra là do sự kêu gọi chấn hưng chánh pháp của người tu tất cả. Vì thời kỳ chánh pháp thì tông giáo phải thu hẹp lại, đạo mới cao ráo quí báu sáng thơm, mới có được người tu giải thoát đắc đạo. Khác hơn là thời tượng pháp và mạt pháp, tông giáo lan tràn hữu vi bày bố, như nước lụt quến đủ thứ đồ trôi, sanh ma tác quái, làm việc trò chơi trẻ nhỏ đành bỏ lớp tuổi ông già. Ông già sắp chết lại bỏ không lo chỉ dạy, còn trẻ nhỏ sống dai mê muội ham vui mà đi dỗ hoài sao đặng? Bỏ ông già ấy tức là bỏ giáo lý giải thoát chơn tu thành Phật. Vậy ai ai khá nên giác ngộ, vì ham ăn thì chết đói, ham đạo là hết tu, chẳng bằng sự biết ăn và biết đạo là đúng lý tốt hay hơn.
Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, và khi rộng là phải thu hẹp, rộng hẹp phải biết tùy duyên mới gọi là phương tiện thiện xảo của trí huệ Phật, sẽ dắt dìu chúng sanh tiến lên từng nấc một, mà không còn phải là để cho chúng sanh chết nằm một chỗ. Cũng như khi xưa, đối với kẻ thế gian thì đức Phật xót thương xem như người khách quí, phải chìu chuộng, vì kẻ ấy còn ở trong địa ngục, như đứa bé con đang còn ở trong bụng mẹ, nên bà mẹ phải sợ sệt giữ gìn. Khi làm cư sĩ thì đức Phật đã khắc nghiêm năm giới, tám giới. Lúc xuất gia thì Phật lại gắt gao 10 giới sa-di tập sự và 250 giới Khất sĩ Tỳ-kheo. Và đến đã giác ngộ rồi thì đức Phật lại còn gắt nghiêm hơn nữa, vì giới càng nhiều thì định huệ sẽ càng nhiều. Cũng như lúc chưa có đệ tử thì Phật phải mở rộng cửa thâu vô, khi vô đầy là phải đóng cửa lại, và lựa bớt cho ra. Mỗi năm có mỗi kỳ thi, mỗi thời kỳ có một cuộc tuyển lọc, mỗi lúc mỗi có sự dễ dãi và khắc nghiêm thì mới có dìu dắt được từng lớp thấp tới cao lần lượt, mà thành nên sự sắp từng lớp của một con đường dài, từ trước tới sau có đầu và có đuôi vậy.
Đó là nói về sự thờ phượng Phật Thánh, còn thờ phượng ông bà cha mẹ của bậc cư gia cũng y như thế, thảy đều là sự có thấp có cao, có trước có sau. Khi xưa đức Khổng Tử bày sự thờ phượng ông bà cha mẹ cho kẻ thế gian tại nhà là vì muốn dạy gương hiếu đạo cho con cháu về sau. Với lẽ ông bà chết rồi, mà cha mẹ còn thờ phượng nhớ ơn như lúc sống, thì con cháu đối với cha mẹ đang sống sẽ có hiếu thảo, chẳng dám vong ân, ấy là sự tốt nên cho nó và có ích lợi cho cha mẹ. Việc làm của cha mẹ ấy kể như cho vay, và con cháu sẽ trả lại. Đó là sự thi ân cầu báo, cho vay mong đòi nợ, giáo lý gia đình hiện tại tham lam nhỏ hẹp, tùy theo trình độ của chúng sanh, chớ đúng ra thì còn tội lỗi kém xa chơn lý. Vì kẻ cha mẹ kia có trả ơn cho ông bà đủ đâu mà lại chịu vay thêm của con cháu ngược lại. Nói cho đúng thì nuôi con tức là đền ơn cha mẹ, bởi mình nào đã được trả ơn cha mẹ?
Còn con là phải nuôi cháu nữa, chớ bắt nó nuôi mình, dưới ngó lên là ngược. Lại nếu chỉ biết hiện tại cho mình, cho con cháu, còn ông bà sau khi chết lại bỏ quên đi, mà báo hại các vong linh ấy thì tội lỗi bất hiếu biết là bao! Lại cũng tội nghiệp cho các vong linh mãi, vì sự thờ phượng vái van ủng hộ của con cháu, hoặc mến tiếc của cải, luyến ái tình thương, mà phải khổ sầu, chẳng đi lai sanh đặng. Bởi lời con cháu cầu vái ủng hộ, bắt làm tôi mọi cho chúng nó nữa, nên cũng không thể tu hành đi theo Phật Thánh. Lắm lúc phải sanh làm con cháu lại nơi cháu con, hoặc sanh làm tôi tớ, làm lợn, chó, làm rắn… để giữ đồ đạc theo như nhiều sự tích xưa trong truyện Phật, thật là tội nghiệp. Kẻ con cháu đối với mẹ cha nỡ lòng nào hành phạt thêm cho người đã quá khổ đến chết rồi kia? Mà tại sao là khi kẻ ấy trở về già chẳng cho nghỉ dưỡng, đưa vào xuất gia để sống chung tu học ở trong đạo tràng giáo hội, gọi là tha thứ cho kẻ già, cho kẻ già nghỉ yên, thôi đừng hành phạt. Hoặc là khi có kẻ đã chết đi, tại sao không được thiêu xác thây cùng đồ đạc dấu tích kỷ niệm của kẻ chết, để cho vong linh không còn tiếc nhớ, đặng dễ bề nhập thai kiếp khác, hay là đem hình ảnh tên họ của kẻ chết đưa vào chùa thờ. (Tại trong vuông chùa, xa xa chỗ đền tháp Phật, người ta cất ra một cái nhà thờ lớn, để thờ ông bà cha mẹ chung, cùng Phật Thánh sách kinh cốt tượng, mua chuộc gom góp để lại thờ chung). Người ta đem lư hương, bài vị, hình ảnh của kẻ chết vào ký thác gởi gắm ở trong vuông chùa, cũng như kẻ sống cầu siêu, đưa người chết đi xuất gia, cắt ái ly tục, để cho vong linh ấy theo về với Phật Pháp Tăng trong sạch hiền lương giác ngộ biết tu cho hết khổ.
Khi ấy nếu vong linh còn linh ứng, mến tiếc kỷ niệm là ắt sẽ theo về ở chùa lo tu, và con cháu thì cầu xin kẻ chết đi tu chớ đừng theo gần con cháu để chịu khổ báo. Như thế có chẳng phải là cách báo hiếu giúp nên tốt đẹp cho người chết? Đó là những kẻ đã biết đạo Niết-bàn, biết sợ luân hồi địa ngục, thì với kẻ chết không ai còn nỡ đành lòng trói buộc hành phạt, cho đến với người sống kia mà người ta còn không vị kỷ hẹp lượng để mưu sự ích lợi cho mình, nên họ vui lòng đưa ông bà cha mẹ con cháu cho đi tu giải thoát, để cho được tự giải thoát ích lợi lấy, vì con đường sanh tử là quan trọng. Nhưng dầu những ai chưa biết đạo đi nữa thì sự thờ phượng kẻ chết nơi chùa, cho vào theo đạo chung cũng là được sự hay nên cho người quá vãng và yên lòng cho người sống hiện tại. Những người ấy cũng có thể hoặc thờ vong linh tại chùa và tại nhà cũng được. Thờ thêm tại nhà là để nhắc tâm dạy cho con cháu, để ích lợi cho riêng mình, kẻ sống người chết thảy đều ích lợi cả hai bên. Như thế cũng là còn khá hơn sự chẳng thấy đặng xa, bất hiếu tội lỗi với kẻ đã qua, mà toại hưởng phần vui sướng cho mình hiện tại sao đành? Vả chăng giáo lý của Thích Đạo Nho là từ bi chúng sanh chung hiệp. Các Ngài dạy cho chúng sanh tập sống chung nhau từ một hai người đến gia đình, xã hội, thế giới, và cả chúng sanh chung tứ đại, sống chết cả thảy chớ nào có bỏ sót riêng ai. Sự thờ phượng là để dung hòa kẻ chết với người sống, là pháp tạm trau tâm, dồi trí, thân tập sống chung, chớ đâu phải tư riêng ta người, kiến họ.
Vì tất cả chúng sanh là chỉ có một họ Phật, tánh chơn, võ trụ mà ra, cũng như ông bà ta là ông bà của tất cả, chớ phải nào riêng thân tứ đại, chẳng pha trộn nhau mà có được. Do lẽ đó mà sự thờ phượng một người, đến thờ phượng một kiến họ, để đến với sự thờ phượng chung cả chúng sanh, nơi trong vuông chùa đạo Phật của chúng sanh chung là rất đúng lý.
Ai ai cũng nên phải đem sự thờ phượng Phật Thánh cùng cha mẹ ông bà, kẻ quá khứ vào chỗ đạo chung là phải; có như thế mới dứt được lòng tư kỷ, chia rẽ, chiến tranh nhau. Cũng như nơi chỗ bàn thờ hội đồng ấy, tất cả kẻ quá khứ đều chung hiệp thì những người hiện tại và vị lai mới sẽ chung hiệp. Vì người người sẽ thường tới lui thăm viếng, gặp gỡ nhau tại chỗ đạo đức thiện lành, thường được nghe pháp học giới, xem gương các nhà sư, và cảnh tịnh cảm hóa nhắc nhở chơn tâm. Ngày lễ kỷ niệm người sẽ cúng kiếng, chay lạt trong sạch, không làm tội lỗi. Một người cúng là cúng hết thảy, cúng chung, lạy chung, thắp hương đèn chung. Cho đến kẻ cô độc kia cũng hãy đem đến thờ chung, để tự mình đi xa làm ăn, hay tu học giải thoát được, bởi đã có kẻ giữ sự thờ phượng cho giùm. Người tu xuất gia cũng được đem kỷ niệm thân quyến đã chết vào thờ, cho có người coi sóc, như đã gởi gắm cho đi tu xong rồi là trong tâm mới đặng yên ổn rảnh rang, mà đi tu hành xứ khác.
Có như thế thì ai ai ắt cũng mến mộ ân đức Phật Pháp, mà thảy muốn xuất gia nhập đạo, hoặc có cho người trong họ đi giải thoát được.
Sự báu quí nhất của thờ phượng chung là bá tánh thường tới lui cu hội, gặp nhau nơi chỗ đạo đức, để gom tinh thần hào hiệp hiền lương. Ấy mới phải là đạo lý giác ngộ của chúng sanh chung, không bao giờ có giặc giã tai hại, cõi đời mới mong hạnh phúc vĩnh viễn sống chung như một.
Đúng như vậy, trong mỗi Giáo hội Tăng-già đều có đền tháp Phật Thích- ca riêng cho Tăng chúng, và phải có nhà thờ riêng của bá tánh thờ vong linh tất cả, xa cách chỗ của Tăng sư thanh tịnh. Nơi đó phải là chỗ tế độ, sống chung cho tất cả chúng sanh, sống chết, đạo đời, sắp đặt có thứ tự thì mới phải là nơi xứng đáng ích lợi, không còn mắc phải tội lỗi với chơn lý võ trụ. Và nhà Phật như thế mới gọi là võ trụ đại đồng.
Vậy thì chắc chúng ta ai ai cũng biết quý trọng đạo đức, đạo đức phải là nơi ký thác, cứu độ ích lợi chung chớ đâu phải đạo đức tư riêng, có như thế mới mong tập lần cho tất cả đều tu, trở nên thế giới Phật. Sự thờ phượng ấy mới phải bổ ích, mới gọi tấn hóa, hợp lý, xứng đáng giáo lý tinh thần thờ phượng tạm; để từ thờ phượng mà sẽ đến được sự tu giải thoát thành Phật qua khỏi phượng thờ. Và các công việc lợi ích lớn lao từ thiện trong đời sau này có ra là sẽ do nhờ nơi tinh thần phượng thờ chung hiệp, chỗ ấy mới thật gọi là quan trọng, quan trọng hơn cả xã hội thế giới rất nhiều, về sau sẽ khỏi phải có giáo lý gia đình xã hội thế giới cũng được; vì đã là nơi bến bờ trong sạch trọn lành giải thoát giác ngộ tế độ, sống bằng vắng lặng yên vui nhàn lạc.
Kìa như xứ Tàu, người ta đã có sự quy tụ từ đường để thờ phượng chung, giúp ích chung, nên không có ai khổ nạn lẻ loi, và các việc lợi ích lớn lao, cái chi cũng thành tựu.
Còn người Miên đem tro cốt cha mẹ, ông bà vào trong vuông chùa xây tháp thờ riêng có chỗ, chung nhau là để gom hiệp tinh thần đạo đức.
Thế mà chỉ còn người Việt chưa dứt hẳn được mầm loạn chia rẽ giết nhau, nên đối với sự chết khổ của ai trối mặc, trong xứ đảo điên mãi, dân chúng phải tai nạn hoài, thật là vô lý.
Kìa như người Ấn Độ, người ta nói rằng kẻ biết thờ phượng cùng tin tưởng Phật Trời là đỡ khá dễ chịu lắm, vì sẽ bớt tai nạn địa ngục thảm hình.
Vậy thì chúng ta cũng nên hãy biết dùng phép thờ phượng tạm, làm phương pháp cứu thế độ đời, chánh lý trong sạch trong lúc khổ nguy; đó là một sự thích hợp với thời cơ, dùng tạm hữu vi để bước tới vô vi, chân thật, yên vui vĩnh viễn. Vì vô vi là đúng lý quí báu hơn hết.
Ai ai cũng nên giác ngộ lẽ tốt đẹp của thờ phượng ấy hết!