Lễ là cách bày tỏ ý cung kính.
Lễ giáo là giáo lý của cách bày tỏ ý cung kính, hay cũng tức là cách bày tỏ ý cung kính, là một phương pháp giáo hóa, một giáo lý tốt đẹp quan trọng của đời sống nhơn loại.
Lễ giáo là nền tảng của sự thương yêu, thiện cảm, thân thiện, dung hòa tốt đẹp với nhau, ấy là phép sống đời tốt đẹp nên gọi là lễ phép. Lễ phép là một qui tắc, là phép tắc, là một kỷ luật thiện, mà người có lễ phép, là sẽ được sự vui sướng nhứt trong đời.
Nhứt là sự lễ bái, sẽ làm cho vơi bớt đi nỗi khổ trong người, mà thấy tâm hồn càng sạch nhẹ, an ổn, vui vẻ và thêm sự mừng rỡ nữa. Lễ phép là một hiếu thuận, mặt đất của sự sống chung hòa hiệp quý báu lắm.
Kẻ mà biết lễ bái thì đời sống trở nên tự do, bác ái, rộng rãi và dễ thành công; vì trọn đời vĩnh kiếp sẽ không còn vị kỷ tự cao và không có ai ghét giận thù nghịch, bởi lẽ đối với ai ai cũng lễ bái hòa thuận được tất cả.
Đời mà có lễ giáo thì không bao giờ chiến tranh khổ nạn, loạn rối vì nhau. Cũng như xưa kia thời loạn, đức Khổng Tử đem lễ giáo dạy ra nên sớm được thái bình, còn đời sau đang thái bình mà trở nên loạn biến là bởi người ta quên lần lễ giáo. Thế nên gọi lễ ấy là đạo, vô lễ tức là đời, sửa tập lễ giáo ấy là sửa đời lập đạo hay cũng gọi là sửa lập đời mới tốt đẹp trở lại.
Lễ giáo có ba phần gồm nơi thân, khẩu và ý, kêu là hột giống lễ. Thân là vỏ, khẩu là ruột, ý là ngòi. Thân vỏ lễ là đầu và tay, chưn, năm thể mọp sát đất. Khẩu ruột lễ là miệng nói lời cung kính ngọt chào. Ý ngòi lễ là ý tưởng niệm thành thật mến trọng. Gồm đủ cả ba như thế mới trọn gọi là lễ phép được.
Và nếu trọn hột giống lễ, tròn trịa đầy đủ chắc thật, mà gieo trồng tại đâu là nơi ấy ắt sẽ sanh cây trổ trái kết quả về sau. Vậy nên gọi miếng đất xấu là ác, miếng đất tốt là thiện, miếng đất trong sạch là đạo đức, là chỗ gieo trồng hột giống lễ, để phải được kết quả ảnh hưởng ngày sau đó. Như thế nghĩa là, kẻ nào thật tâm tôn sùng cái ác là sẽ trở nên ác, thật tâm tôn sùng cái thiện là sẽ trở nên thiện và thật tâm tôn sùng đạo đức là sẽ trở nên đạo đức. Cũng tức như:
1. Người ta muốn được ích lợi cho thân, muốn cho thân sống dài, là phải kỉnh trọng cái thân người lớn tuổi hơn, kính lão đắc tràng, nghĩa là ai muốn được trường thọ sống lâu thì đừng làm ác để phải bị chúng giết hại sớm, mà phải xem gương của những bậc ông già kia, ấy là kẻ thiện lành, không gây sự ác hại ai, nên họ mới được sống đến già như thế.
2. Người ta bằng muốn được ích lợi cho trí, muốn cho trí sáng thông là phải kỉnh trọng cái trí của người học, dầu lớn hơn ta hay nhỏ tuổi hơn ta nhưng trí sáng thông hơn ta ấy tức là thầy ta, ta đều phải nên lễ bái, gieo trồng hột giống lễ. V ì có cung kỉnh mới có vâng lời, có quý trọng mới có noi gương thì mới có thể học tập, hành theo như người, được như chư Thiên cao thượng.
3. Còn như người ta muốn được ích lợi cho tâm, muốn cho tâm chơn thiệt chánh ngay tròn lớn, là phải kỉnh trọng cái tâm của người tu, vì người tu là trau tâm, nên dầu cho hạng bậc nào đi nữa, dầu cho trẻ con nghèo thấp xấu xa, cũng có thể là thầy dạy đạo gương mẫu của ta, mà ta hằng lễ bái cúng dường hầu hạ, để được tu tập y như người. Ấy là chỗ miếng đất tốt quý hơn hết, trong sạch hơn hết, để cho ta gieo giống tâm, lễ bái tôn trọng, hầu được cho ngày sau kết quả tâm, quả Niết-bàn như Phật là vĩnh viễn.
Thế nên gọi là hột giống lễ bái có ba điều ích lợi: ích lợi cho thân, ích lợi cho trí, ích lợi cho tâm; hay là vì thân, vì trí, vì tâm nên mới phải có lễ bái giáo pháp.
Kìa như người thường nhân lớn nhỏ, người ta lễ bái kẻ ác là không phải riêng sợ nó, mà cũng là sợ cái ác tâm của mình, tập nhẫn nhục để đè nén cái ác trong tâm xuống, để đừng chống cự với ai ai, là ý muốn tránh sự chết khổ cho thân người, thân mình và tất cả, hay cũng là sự lễ bái để van xin cái lợi danh, tánh mạng, nhu cầu chi cho thân đó vậy. Kìa người giàu có ông già mà tự lễ bái người tuổi trẻ nghèo hèn, là bởi các bậc ấy muốn cầu cho cái trí, bởi mình đang thiếu trí, khổ sở lạc lầm.
Kìa nữa ông vua ông quan mà tìm kiếm lễ bái người tu xấu xa thấp thỏi, là vì các vị ấy đang lúc phải cần dùng tâm, cái tâm chơn tròn lớn chánh thiệt, thì mới nên hay cho sự ích lợi lớn lao và bền vững không thất bại. Thế nên xưa kia Phật và Tăng xin ăn, mà các vua quan chư Thiên Bồ-tát lễ bái, là không có điều chi lạ cả. Bởi địa vị càng quan trọng, sự việc càng nhiều, lòng tự ái càng sanh, là cái chơn tâm sẽ lần hồi tội lỗi hao mòn hư hoại trở lại, nghĩa là mất đi sự bình đẳng trong sạch của lẽ thường, như buổi lúc ban đầu kia vậy.
Do đó mà đức Huệ Năng xưa rầy dạy những người lạy đầu không sát đất rằng: Lạy để trừ kiêu mạn, đầu lạy sao cách đất chấp mình thì tội sanh, quên công phước không lường.
Đức Đạt-ma nói dứt kiêu mạn thì đắc quả A-la-hán, mới dứt luân hồi sanh tử tương đối được.
Kìa như Bồ-tát Thiện Huệ, đầu tay chưn mọp sát trên vũng bùn lầy, xõa tóc lót chưn cho đức Phật Phổ Quang Như Lai mà được thọ ký quả Phật Thích-ca Như Lai về sau, ấy bởi công đức hạ mình tôn kính đạo, nên mới đắc đạo.
Lại như con voi và con vượn, hạ mọp quên mình dâng nước trái cho đức Phật Thích-ca, mà được sanh lên cõi trời. Thật thế, kẻ biết mình thấp là sẽ được cao, nay thấp là mai sẽ cao, thân thấp là tâm trí sẽ cao, càng thấp bao nhiêu là sẽ càng cao bấy nhiêu, người trí thấy rõ ngày xa về sau là như thế.
“Cao nhân tắc hữu cao nhân trị ”, dầu ta đã đến được địa vị nào, ta cũng vẫn là đang ở lớp giữa mà thôi, vì trên ta bao giờ cũng còn kẻ khác nữa. Bởi biết thế nên kẻ sống bằng tâm cho rằng tự cao là cái dốt, cái khổ, cái chết, cái ác, cái thấp thỏi hẹp hòi địa ngục; vì càng tự cao là địa ngục sẽ càng xa sâu thêm mãi vậy. Và cũng là các nhà tu thường gọi rằng: Đời là một cái hố chông gai nguy hiểm, nhưng cái cây gậy lễ phép, nó sẽ giúp cho người vào ra thong thả, tánh mạng vững vàng và lại còn cứu vớt được biết bao nhơn loại. Thật vậy, lễ giáo là cảnh thiên đường của người trí, vui tươi cao thượng an nhàn, mà cũng là sự xinh đẹp nhứt của trần gian, là cái đẹp của nết hạnh hơn là sắc diện thân hình nhơn loại. Quý nhất của sự lễ giáo là người ta có biết lễ phép với nhau, thì không bao giờ chiến tranh nhau bằng tội lỗi sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, chơi bời sái quấy.
Nhờ lễ giáo mà từ loài thú cho đến trẻ con thảy được nảy nở lòng nhơn, biết thiện. Kìa một người biết lễ phép đối với tất cả thì sẽ được mọi sự tha thứ của tất cả, sẽ được cái lợi đến biết bao; và nhứt là như đứa bé con lễ phép kia được người ta nâng cao khỏi đầu, để trên lưng vai mà không ái ngại. Đúng lý như vậy, hạ mình là hay hơn hết. “Muốn được người tôn phục mình thì trước phải phục tôn người, gieo nhơn hái quả không sai chạy, người ghét người thương chớ bất bình”. Xưa kia Ngài Đạt-ma lạy Tôn Thắng chín lạy, nhưng rồi Tôn Thắng sẽ lạy Đạt-ma trở lại mười tám lạy, đâu có mất chi đâu.
Khác nào học trò lạy thầy trau trí đức, để ngày sau nên ra, đệ tử sẽ lạy lại gấp muôn lần, nhơn quả vay trả xoay vần, mà về sau là được nhiều hơn lúc trước.
Thế nên, đức Khổng Tử lập ra nhu đạo là giáo lý nho nhã nhu hòa, dẻo dai mềm yếu, để thắng sự mạnh cứng bở giòn. Ngài cho rằng người đời cũng tật đố với kẻ trên hơn, nhưng lại thương xót người thấp kém. Vì vậy mà đạo Ngài là đạo làm con, Ngài và chư đệ tử thảy xưng con với thiên hạ. V à lúc nhỏ Ngài tập lễ bái đến khòm lưng; cục đá, khúc cây, cái chi Ngài cũng lễ cả. Ngài lễ tất cả mọi người cho đến con vật, như thế là để tập quên mình theo nhu đạo. Ngài chỉ ra kìa, loại thú còn có lễ giáo thân thiện nhau thay, hai con cá gặp nhau đâu đầu xuôi lặn để tỏ kính ý cho nhau, con chim còn biết chiu chít gật đầu, con mèo thì lấy tay rờ vớ, con lợn thì biết hít hửi hôn nhau. Thế là chúng nó sẽ biết phải cùng nhau được. Vậy nên, Ngài dạy phép lễ giáo là: Con thì sáng chiều phải lạy cha mẹ đền ơn và xin học hỏi, đối với anh chị thì khi có lỗi phải lạy, cùng lâu ngày gặp nhau cũng phải lạy, đi và về phải lạy cha mẹ, xá chào anh chị. Phép lễ bái là lễ bái người sống hiện tại bây giờ, vì sự cung kỉnh là để vâng lời, vâng lời là để thật hành theo, cùng sự biết ơn là phải ngay trong lúc sanh tiền mới phải. Sở dĩ đời sau, người ta lạy bàn thờ kẻ chết, ấy đó là sự lặp lại việc trước để làm gương hiếu thảo dạy dỗ cháu con, cùng tập cho trẻ nhỏ ham chơi ngang ngạnh tập lạy kẻ chết, là để cho quen lần lễ bái người sống cho được. Có như thế tâm mới trọn thiện, mới được học, mới yên thân cho về sau. Và phép làm cha mẹ là phải chịu cho con lạy bái, đặng cho con thêm đức tánh, mà cần nhứt là mình chẳng khá tự cao, vì tự cao là mất đức hạnh. Vậy nên con càng lạy là mẹ cha phải càng xét mình khiêm tốn, như vậy kẻ trên dưới đều được thêm đức quý cả.
Bằng trái lại cha mẹ tự cao, còn con khiêm nhượng, tức là người lớn có học giác ngộ trí thức kinh nghiệm nhiều, mà còn thấp kém thua trẻ nhỏ; hay như không dám cho con lạy bởi mình quá hư tệ, như thế dung là càng dưỡng, tập hại cả dưới trên hỗn độn. Vậy nên, thuở xưa con mà không biết lạy, vong ân thất học là cha mẹ chẳng bảo nuôi.
Lại như khi một đứa trẻ bước chưn vào trường học là “Tiên học lễ hậu học văn”; còn người ở đời không lễ phép là chẳng yên vui sống đời được.
Xưa kia vua quan thầy giáo, người ta đều lạy cả, là bởi các bậc ấy thi ân làm nghĩa xoay vần chẳng chịu đáp ơn tiền bạc, chẳng vì tiền bạc mà tuyệt niềm nhơn nghĩa ân hậu! Cho đến như ông thầy dạy đạo, dạy học trò tu là rất lựa chọn, nên trong “cửa lễ nhà hạnh” chứa toàn là bậc trí thức đức cao, chớ không thâu nhập hỗn tạp. Và cũng là sự lựa chọn thầy của một người học trò tu là rất khó, vì khi người học trò tu đã chánh tín, chánh kiến nhập môn vào đạo rồi, là giao tất cả sự hay của mình cho thầy rồi, không còn tự ý riêng tư gì nữa mới được. Vì ông thầy dạy đạo là quý báu trên hơn cả vua quan, thầy cha kia nữa, bởi vua còn phải có quốc sư đạo giáo, mới được gọi minh quân, và quan, thầy giáo, ông cha là cũng cần phải nên học đạo.
Bởi thế nên lời nói của vua quan, cha, thầy giáo là còn có chỗ sai, chớ thầy dạy đạo là không bao giờ dạy quấy. Và đối với thầy dạy đạo đã lựa chọn, là không bao giờ ai dám cãi lời một tiếng theo ý của mình, vì như thế tức là ông thầy sẽ bỏ ra cho tự do mà không còn dám ép buộc, vì lẽ học trò ấy hoặc đã hơn thầy, hay là đức hạnh đã hư, tâm đã loạn, bởi tự cao chấp ngã đó. Vậy nên, từ xưa sự dạy đạo, phép thử xem trò là như thế, phép tìm thầy lại cũng rất khó vô cùng, và lắm khi ông thầy xử quấy với trò, để rèn thêm đức hạnh, hoặc xét tâm chánh tà, chơn vọng, trình độ tới đâu, thật rất khó khăn lắm mới trở nên Phật Thánh được. Mà đầu tiên hết cũng là dùng lễ giáo để trau đức hạnh, bằng thiếu lễ hạnh là ắt không dạy đạo cho kẻ kiêu mạn, ác tánh, để phải nó lấy đạo tạo đời, nhiễu hại chúng sanh, gây nghiệp tội về sau.
Lễ giáo là một chơn lý rất quý báu, là một phép tắc rất diệu mầu, là nấc thang thiện lành tránh ác, vượt đến chót núi mặt lầu cao trên, chỗ bình đẳng của hạng ông già, là lên khỏi mặt đất hỗn loạn ngang ác, của ở dưới lầy sâu.
Kìa như số đông ông già hiền lương kinh nghiệm, ở chung nhau bình đẳng, trong sạch, yên vui hơn là bọn đám trẻ côi hoang ngang tàng cấu trược. Ấy phải chăng là nhờ nấc thang lễ phép của người một giới biết lễ bái người ba giới trên hơn, người năm giới biết lễ bái người tám giới, kẻ mười giới biết lễ bái người 250 giới như bậc thầy. Người ở đời mà biết tôn kính cái thiện và nâng lên cao, hạ dìm các ác xuống thấp, thì cuộc đời làm sao mà không tấn hóa lên cao hạnh phúc. Bởi đó mà thánh hiền xưa dạy rằng “Văn thiện ngôn tắc bái, kiến thiện sĩ tắc cung” là nghe lời lành phải lạy, thấy sĩ hiền phải cung dưỡng. Đó chỉ là sự nghe thấy thay, huống hồ giới luật là nấc thang trình độ thiện, chúng sanh há sao không biết quý trọng vói níu giới luật, để bước lên theo kịp với người ta cho được nên hay ích lợi.
Cũng bởi biết rõ đạo lý như vậy, nên từ xưa các cư gia thường hay cung dưỡng chư Tăng sư, thân khẩu ý lễ phép chân thành nơi giới luật; thân lễ bái, khẩu thỉnh mời, ý quên mình trong sạch mà không bao giờ dám gọi kêu là bố thí cả. Người ta chỉ cho thấy rằng: Một ông già lượm trái chín muồi là lượm hốt cả hai tay, đầu tay chưn mọp sát đất để ăn được ruột trái thơm ngon, lại có được hột giống để dành và bỏ đi cái vỏ. Việc ấy có khác hơn là trẻ nhỏ trèo trên ngọn cây cao, ăn vỏ trái non chua chát, đã không có chi ích lợi, lại phải té gẫy tay chưn thân mình tai hại. Thế nên, chơn lý của lễ giáo là tiến hóa về mặt tinh thần nhiều hơn, cũng như từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, có trước mới có sau, không nấc thang đường lộ làm sao đi lên đi tới. Bởi đúng lẽ thật là ai cũng đang đi tới theo thời gian cả, mà trong đời ai ai rồi cũng sẽ giác ngộ kinh nghiệm, bởi những cái chết khổ sẽ hăm dọa rằng: “Trên người còn có những người, cũng như loài người nào phải đâu là cùng tột hay hoàn toàn tốt đẹp”. Thế mới biết rằng chúng ta là đang ở khoảng giữa mãi, có thấp hơn người mà cũng có cao hơn một số người, và như thế thì lễ giáo phép tắc, là đạo lý tiến hóa, là chơn lý mãi mãi đó.
Kìa như người tu xuất gia, tuy trình độ đã khá cao qua khỏi ác thiện, tuy không còn sự ham mộ nghi lễ cúng kiến phức tạp hữu lậu bên ngoài, chớ ngoài giờ thiền định ra, các Ngài cũng còn lễ bái chút ít tùy duyên. Cho đến chư Bồ-tát lại cũng phải lễ bái Phật để làm gương chúng sanh, hay như lúc tham thiền, các Ngài dùng tư tưởng bên trong mà chầu Phật lễ bái; cùng chẳng lễ bái, là làm sự xin ăn nhẫn nhục. Thế mới hay rằng: dầu bậc nào đi nữa, (ngoài Phật chơn tâm bình đẳng ra) là cũng phải nhắc nhở sự quên mình, hạ mình, diệt cái sở chấp ta tự cao đi, thì mới mong thành Phật như nhau được.
Phép lễ bái cũng như sự cuốc đất gieo trồng, hai tay chắp lại in hình lưỡi dao, đầu kỉnh trọng tức là hột giống, giới luật thiện lành trong sạch ấy là đất phân tốt đẹp, là đáng nơi ươm hột gieo giống cuốc trồng thận trọng. V ì vậy mà xưa kia vua A-dục một hôm di giá đi dạo ngoài thành, gặp một vị Khất sĩ sa-môn đi xin ăn, Ngài bèn xuống xe làm lễ sát dưới chưn vị sư, và hôn trên bàn chưn ấy. Một vị quan đại thần hộ giá tâu rằng: Bệ hạ là thể vàng vóc ngọc, há đi đê đầu đảnh lễ kẻ tu ăn xin như thế, chẳng là mất giá trị rẻ lắm.
Vua A-dục lặng thinh. Khi về đến triều, vua bảo ông quan ấy kiếm đem nạp 99 cái đầu thú và một cái đầu người tử tù. Sau đó, vua bảo đem bán tất cả, để cần dùng số tiền ấy. Vị quan đem bán hết 99 cái đầu thú, còn đầu người chẳng ai mua nên đem trở về. Vua lại bảo đem đi bán thật rẻ, nhưng cũng chẳng ai mua. Vua lại bảo phải đem đi kêu cho người ta nhưng cũng chẳng ai lấy. Vua bảo nài nỉ cho người ta, nhưng rồi cũng không ai chịu nhận. Bấy giờ vua mới hỏi rằng: Tại sao đầu thú có giá trị còn đầu người thiên hạ lại chê, ước như đầu quá ác, quá tội lỗi của trẫm đây, chắc thiên hạ lại càng chê hơn nữa, thế nhưng sao khanh lại nói đầu trẫm có giá trị quý mắc lắm.
Ấy vậy từ rày sắp về sau, trẫm đem đầu vô giá trị này, lễ bái tôn sùng đạo đức; ai mà ngăn cản là trẫm sẽ chém đầu không tư vị! Vì sao vậy? Bởi các khanh phải biết: Trẫm mà hôm nay được giữ vững ngôi vua, là đã trải qua bao trận ra binh sát phạt; cũng vì một lời nói, một ý niệm, cùng một việc làm nhỏ nhặt như một chữ viết của trẫm, là máu chảy thành sông, xương dồn như núi; tội ác của trẫm biết là bao. Hồn oan oán trẫm dẫy đầy, người thù nghịch trẫm vô số, trẫm đã dạy ác, dạy sát sanh cho trong thiên hạ, để được cái ngôi vị này, là cái ngôi vị mà ai cũng thèm khát để được giết trẫm chiếm ngôi, mạng trẫm chẳng biết rủi ro giờ phút nào cả. Trẫm nghĩ rằng: Xưa kia các tiên đế dạy dân hiền nên khỏi bị trộm cướp, còn nay trẫm trị mãi mà trộm cướp lại càng sanh là bởi chúng nó bắt chước cái oai quyền danh lợi của trẫm vậy. Xưa kia các tiên đế không dùng khóa sưu thuế vụ, lấy ân nghĩa hy sinh làm gương không giống như giặc cướp, nên thiên hạ mới phục tùng; còn trẫm nay nào được như thế, mạng trẫm rất nguy, tâm trẫm rất khổ. Hôm nay trẫm đã giác ngộ ăn năn, muốn xua cừu đuổi oán, muốn chuộc tội trau tâm, muốn bỏ cái ngã ái tự cao của cái ác ngang mà người người ghét giận, không chịu dạy chẳng dám khuyên, để tập mình biết học, biết nghe, biết xét lỗi trau tâm, tập tâm chánh tròn lớn thiệt quý báu như các nhà sư trong sạch, có giới hạnh đức trí kia, ấy chẳng phải là nên hay cho trẫm và ích lợi cho cả chúng sanh thiên hạ lắm sao? Mà các khanh lại đi cản ngăn, để xúi trẫm vào đường hôn ám của thất đức bất nhân nữa, để cho đời sau hậu sử sẽ nêu danh “Nhà vua vô đạo đức là vua A-dục” để cho người đời kêu rêu thán oán mãi.
Thế là từ đó về sau, vua A-dục trở nên một tín đồ trung thành của đạo Phật, là đạo trau tâm, ông xây cất ra 84.000 cái tháp để thờ Phật và xá lợi.
Khiến nên thuở đời ấy, thiên hạ rất thái bình nhờ nhà vua biết kỉnh đạo, biết trau tâm, biết hành lễ giáo quên mình mà đổi họa làm phước. Vậy nên, từ đó người ta mới hiểu ra đạo Phật là đạo trau tâm, là đạo lý hạp cho vua quan vì vua quan mới là bậc hạng phải dùng đến tâm chơn đức hạnh, là bậc mà cần phải ráng nhớ quên mình, hạ mình, cần phải mở rộng tâm trí thẳng bằng khiêm nhượng, thì mới được gần gũi với kẻ sĩ hiền, mà được sự ích lợi, nên hay, lâu dài và không thất bại.
Thật thế, cái tâm là hơn hết, được tâm là được việc lớn hơn hết.
Đời nay ít ai được như vua A-dục, và hoàn cảnh giống như vua A-dục, thế làm sao biết được sự ích hay của lễ giáo. Nên chi cũng có lắm người quen sự tự cao gọi bình đẳng của lẽ ác thấp sâu mà hiểu lầm khinh chê lễ giáo, để đến nỗi biết tâm đã hư, biết mình sa ngã biết sẽ lâm nguy mà cũng phải cam đành nhắm mắt, ôm chấp cái tự cao quan trọng để chịu té xuống vực sâu; một phút trèo cao muôn năm tuột thấp, mà không biết phương pháp giải cứu làm sao thật là tội nghiệp. Vậy mà sao có kẻ vẫn còn gọi rằng bình đẳng; bình đẳng của dưới ao sình lầy nhoi nhúc, mãi ác trược chết khổ vì nhau, mà chưa chịu bám níu nấc thang giới luật, là giai cấp pháp giáo tạm để đến trên bờ cao, là lớp bình đẳng của chư Phật, trọn sáng trọn lành tốt đẹp. Ấy cũng bởi sự hiểu lầm, bình đẳng là mục đích Niết-bàn chư Phật chớ còn là chúng sanh đang tiến hóa thì có đâu bình đẳng đặng; còn giai cấp là giai cấp của luật thiện lành trong sạch đạo đức, chớ phải nào nơi xác thân danh lợi thế quyền ép buộc.
Thế mới biết rằng đời không lễ giáo là đám rừng hoang ly loạn. Còn người đời thì dễ gì họ chưa giác ngộ, mà bảo ép họ lạy mình được đâu! Mà nào ai đã cấm cản, có quyền đối với ai được nơi việc phải của họ. Đó là lỗi bởi tại người thiếu hiểu và vô lễ quen tật, nên mới dám thốt ra lời kém học, mà cho rằng ác, thiện, đạo đức là như nhau có một.
Nói rõ hơn, lễ giáo là phép dạy thiện cho kẻ ác lớp dưới, trẻ con, cũng như cây gậy giúp kẻ đi đường sình lầy nguy hiểm. Cũng giống như cái chuồng lồng tạm, để nhốt cứu những con vượn con, để khỏi phải nạn tai nơi thú dữ. Nhưng về sau nó được sống và lớn lên, là chuồng lồng tự lần gãy nứt, nó sẽ lần tự do và thuần hậu, thì mới sẽ là sống chung bình đẳng hữu dụng, đối với trong đời được. Ấy là giáo lý xã hội gia đình, lễ bái phép tắc, là chuồng lồng như thế. Nhờ lễ phép mà trước hết nhân loại được sống yên tu học, và về sau mới sẽ giải thoát giảm bớt lần, cho đến khi bình đẳng như Phật, mới không còn phép tắc lễ giáo gia đình xã hội. Như thế thì ai ai cũng nên cần phải biết đến lễ giáo, vì lễ phép là ích lợi nên hay cho mình chớ nào phải riêng cho người. Nhưng mà chớ nên tự cao và mê tín, chớ bắt buộc người khác lạy mình, hãy để tự tâm người, trừ khi nào họ không hiểu và muốn học hỏi, là ta hãy giác ngộ giảng giải nghĩa lý cho họ thế thôi.
Còn sự lễ bái là rất tốt đẹp cho tâm mình, nhưng ai có muốn thực hành thì cũng phải là người trí thức, chớ chẳng khá nên mê tín tà kiến ỷ lại, để phải khi người ta hỏi tại làm sao là sẽ không nói thông rành được, ắt phải bị kẻ dốt nát chê cười.
Vậy nên, bất cứ việc gì nếu ta chưa hiểu biết, thì chớ khá bắt chước làm theo người, vì e rằng: Bởi sự chưa biết, là lắm khi việc hay hóa ra dở, thật là có hại! Thế nên Phật dạy rằng: Lễ phép là việc của người trí, chớ kẻ mê thì không hiểu được, bởi hoặc dối lòng hay là ngạo mạn.
Nói cho đúng lễ giáo thật là quý ích lắm, từ lễ giáo đi đến tế lễ là phương pháp thâm diệu, nhưng cũng có chỗ hại mà người ta phải cần ngừa tránh, là lễ vật lễ mễ, hối lót của tiền. V í dụ như vua quan, thầy dạy ngày xưa không có một đồng tiền hột gạo, nên kẻ dưới giúp nuôi cung dưỡng; còn đời sau chẳng phải như vậy mà lại có sự lễ dâng là xấu xa quá. Cũng tức như sự tế lễ là lễ bái đọc văn tế tri ân, truy điệu, truy cổ sử, thế mà người ta lại đem đồ vật sanh mạng để lên dâng nạp, mà gọi là tế lễ, thay cho hối lót, thì thật nhục nhã, lọ lem cho danh tiếng của Phật Thánh, Trời Tiên lắm vậy.
Chánh lý hơn hết của lễ giáo là con người có lễ phép thì không bao giờ có chiến tranh giết hại nhau được, bởi thân thiện chớ đâu có chi thù oán.
Kìa như có người tướng binh ra trận họ muốn bỏ lễ phép thân thiện, nên mới bày lời sỉ mạ, chọc giận để phải đánh đập nhau được thôi, chớ họ có ghét giận gì nhau sẵn đâu?
Ấy vậy đời sau, muốn cho thiên hạ được thái bình thì mỗi người phải tập lễ phép, chớ ngoài lễ giáo ra là không có phép nào để cho tự mỗi người cứu độ lấy tánh mạng mình được.
Thế nên, ai ai cũng cần phải có lễ giáo hết.