Lược sử Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên

Bên cạnh đó, tại các quận, huyện Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận còn có các tịnh xá khác như: Tịnh xá Ngọc Hạnh (Hóc Môn); Tịnh xá Ngọc Điểm (Bà Điểm); Tịnh xá Ngọc Minh (Thủ Đức); Tịnh xá Ngọc Thịnh (Lái Thiêu); Tịnh xá Ngọc An (Dĩ An); Tịnh xá Ngọc Hòa (Biên Hòa); Tịnh xá Ngọc Nhẫn (Trảng Bom); Tịnh xá Ngọc Thuận (Trảng Bàng), Tịnh xá Ngọc Thanh (Gò Dầu, Tây Ninh); Tịnh xá Ngọc Hương; Tịnh xá Ngọc Phước (Bà Rịa – Vũng Tàu), v.v…. Tại miền Tây Nam Bộ, có các tịnh xá tiêu biểu như: Tịnh xá Ngọc Châu (Châu Đốc); Tịnh xá Ngọc Hưng (Sóc Trăng); Tịnh xá Ngọc Hòa (Bố Thảo); Tịnh xá Ngọc Sơn (Kiên Giang); Tịnh xá Ngọc Tân (Tân Hiệp, Tiền Giang)… đều là những cơ sở do Hòa thượng Pháp sư thành lập hoặc chứng minh thành lập.

Thành lập tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập từ năm 1944, nhưng về mặt xã hội thì tư cách pháp nhân, pháp lý vẫn chưa có. Do vậy, đầu năm 1964, Hòa thượng Pháp sư cùng với nhị vị Hòa thượng Giác Nhu, Hòa thượng Giác Tường đứng ra vận động chư Tôn đức Giáo đoàn Du Tăng tiến hành các thủ tục xin phép thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam.

Năm 1966, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được chính thức công nhận, tạo nên một bước ngoặt mới cho Phật giáo Khất sĩ. Trong Đại hội lần đầu tiên, đại chúng suy cử Hòa thượng Pháp sư làm Tổng Tri sự trưởng kiêm Tổng vụ trưởng các Tổng vụ: Tăng sự, Hoằng pháp và Từ thiện Xã hội, đặt nền móng cho sự phát triển về sau. Hòa thượng đã hoàn tất trọng trách này trong suốt 2 nhiệm kỳ.

Năm 1972, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam tổ chức Đại hội kỳ 3 tại Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh ngày nay). Trong Đại hội lần này, chư Tôn đức Giáo phẩm quyết định thành lập 2 viện: Viện Chỉ đạo và Viện Hành đạo. Ngài Trưởng lão Giác Tánh được cung thỉnh ngôi vị Tăng chủ và Hòa thượng Pháp sư được đại chúng suy cử chức vụ Viện trưởng Viện Hành đạo, có trách nhiệm tổ chức, định hướng cho các hoạt động Phật sự và hoằng dương Chánh pháp.

Sứ mạng tiếp độ một thế hệ Tăng-già

Song song công đức từng bước hình thành tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Hòa thượng Pháp sư còn có một sứ mạng đặc biệt, đó là Ngài có rất nhiều phúc duyên trong việc tiếp chúng độ Tăng.