10 quyển đầu, từ Chơn Lý số 1 Võ Trụ Quan đến Chơn Lý Số 10 Chánh Đẳng Chánh Giác, là phần nhận thức cơ bản về các pháp hiện hữu có thắng liệt, khổ vui … của thế giới và chúng sanh, trong đó chính yếu là con người. Rồi từ đó Đức Tổ nêu rõ những quan điểm, tư tưởng, nhận thức thực tiển đi vào cuộc sống. Ngài phản ảnh những quan điểm, tư tưởng, nhận thức sai lệch đưa muôn loài vào cảnh khổ sanh tử và xác định những quan điểm, tư tưởng, nhận thức chơn chánh theo chánh pháp Phật Đà đưa chúng sanh đến giải thoát chấm dứt khổ đau. Từ bài Chơn Lý số 11 đến 20, Đức Tổ trình bày về lối sống cơ bản cho người tu cư sĩ áo trắng và hàng đệ tử xuất gia Khất Sĩ. Từ bài Chơn Lý số 65 đến bài cuối Chơn Lý số 69 là những bài học cơ bản cần thiết cho những ai đã trở thành Phật tử cư sĩ và Sa Di tập sự xuất gia Khất Sĩ nam, nữ. Phần Chơn Lý còn lại nhằm phân tích xác định sự thật hiện hữu: chánh tà, chơn vọng, đời đạo, khổ vui, thiện ác, phải trái, tốt xấu, hay dở..vv.. tương đối và nêu rõ con đường Trung Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác giải thoát rốt ráo của bậc Hiền Thánh nhằm xây dựng một thế giới Thánh Đức hiền lương và khỏi khổ. Xác định pháp môn tu học lợi mình lợi người là : “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu vắn tắt là Giới Định Huệ” để hướng đến giải thoát chấm dứt toàn bộ khổ đau.
V. Thời Tổ Sư vắng bóng :
Như đã biết trước thời vắng bóng của Ngài không xa và việc hoằng khai mối đạo cơ bản như vậy cũng tạm đủ, Đức Tổ Sư đã chuẩn bị chu đáo mọi tâm nguyện, để thời vắng bóng của Ngài, chúng đệ tử sẽ không cảm thấy bơ vơ lạc lỏng. Dựa trên dấu ấn Chánh Pháp của ba đời chư Phật là Giới, Định, Huệ và Giải Thoát mà Ngài đã chứng ngộ, Ngài hoàn bị hệ thống trọn bộ bài giảng Chơn Lý Chánh Pháp gồm 69 đề tài để làm“Kim Chỉ Nam” cho đệ tử khỏi sợ chệch hướng trên lộ trình tu học và hoằng pháp lợi sinh. Ngài đã xây dựng giáo dưỡng các Tăng Ni Đoàn xứng đáng có kiến thức giáo pháp cơ bản, đạo hạnh trang nghiêm và đạo lực vững chãi để sẵn sàng thay Ngài lèo lái con thuyền Giáo Hội cứu độ chúng sanh. Hàng bạch y cư sĩ cận sự Nam Nữ nòng cốt, đã có niềm tin kiên cố với nền đạo của Ngài, sẽ là những cột trụ hộ pháp trợ duyên đắc lực để bảo tồn và phát huy Chánh Pháp. Ngài đã chọn lựa, sắp đặt các đệ tử Tăng Ni xứng đáng lãnh đạo các Giáo Đoàn kể cả hành xứ và trụ xứ. Như vậy tâm nguyện hoằng truyền Chơn Lý Chánh Pháp của Ngài bấy giờ được xem là viên mãn. Ngài vẫn bình thường tới lui thăm viếng các Đạo Tràng Tịnh Xá để nói pháp trợ duyên cho cư sĩ và nhắc nhở sách tấn hàng Tăng Ni Khất Sĩ đệ tử. Một hôm sau khi viếng thăm các tỉnh vùng tiếp giáp biên giới Cao Miên tại Châu Đốc, Long Xuyên, Ngài quay về Tịnh Xá Ngọc Quang – Sa Đéc. Nhân ngày cúng hội 30 tháng Giêng, Ngài tập hợp Tỳ Kheo hành lễ bố tát tụng giới bổn và chứng minh cúng hội, thuyết pháp khuyến tu như thường lệ. Xế chiều Ngài tập hợp các đệ tử quây quần dưới tàng cây bả đậu để nhắc nhỡ dặn dò những điều tâm quyết về chuyến đi tu tịnh của Ngài tại “Núi Lửa”. Các đệ tử ngạc nhiên trước câu nói của Ngài nhưng vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa như thế nào. Sáng sớm ngày 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ 1954 Ngài cùng 3 đệ tử Giác Thuỷ và chú huệ Giác Pháp cùng tài xế Giác Nghĩa lên chiếc xe con 4 chỗ thẳng tiến về Tịnh Xá Ngọc Viên – Vĩnh Long, đến nơi vào lúc 7 giờ 30 phút. Ngài đến chứng minh một cốc lá bằng cây ván do Phật tử làm xong dâng cúng. Ngài dạy đệ tử Giác Hội mang mấy ngàn quyển Chơn Lý ra xe, thăm hỏi sách tấn vài Phật Tử cư sĩ thâm tín, rồi lên đường hướng về các tỉnh Hậu Giang. Xe đến bến phà Cái Vồn – Bình Minh thì có lệnh tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) cho thuộc hạ mời Ngài và đoàn xe về Tổng Hành Dinh và từ đó biệt tích đến nay. Năm ấy Ngài vừa tròn 32 tuổi. Bấy giờ mới hay lời nói của Ngài đi tu tịnh ở “Núi Lửa” đó là lời cảm nhận mầu nhiệm. Sự ra đi đột ngột của Đức Tổ Sư đã để lại trong lòng đệ tử xuất gia Tăng Ni và Nam Nữ cư sĩ chịu ơn đức dẫn dắt của Ngài một cảm xúc đau buồn vô hạn. Trong giờ phút thiêng liêng trước di ảnh Đức Ngài, chúng con Tăng Ni và Nam Nữ Phật tử khắp các miền Tịnh Xá trên quê hương Việt Nam đồng vân tập về đây thắp nén tâm hương tưởng niệm 53 năm Đức Ngài vắng bóng. Nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho chúng con, được ân Đức Tổ Sư từ bi chiếu cố, lai đáo ta bà, dìu dắt chúng con và chúng sanh sớm mau về bến Giác . Chúng con đồng thành tâm cảm niệm.
Nam Mô Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang Từ Bi Chứng Giám.
(Sưu Tập)