Tiêu đề này được lấy từ cảm hứng màu y vàng của Đạo Phật Khất Sĩ, hoa sen là biểu trưng cho tính thoát tục của Đạo Phật, hoa sen có khi còn hàm ý ngôi chùa, thiền viện, tịnh xá.v.v. Đó cũng chính là đối tượng của bài viết này.
Thuở Phật còn hiện tiền, đời sống người xuất gia chủ yếu vân du rày đây mai đó, không ở một trú xứ nào cố định, hình ảnh thong dong, tiêu dao, mang tính truyền thống của người xuất gia được khắc họa khá độc đáo:
“Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Dục thoát sinh tử lộ,
Khất hóa độ xuân thu.”
Tạm dịch:
“ Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Muốn thoát đường sinh tử,
Xin độ tháng ngày qua.”
Thuở ấy, tịnh xá lập ra là do nhu cầu của Phật tử, để cho Phật và chư Tăng có nơi dừng chân nghỉ ngơi, rồi tiếp tục cuộc hành trình vân du hành đạo, tịnh xá cũng là nơi để Phật tử tới lui nghe kinh, học pháp và tập tu.
Theo sử liệu, hai tịnh xá đầu tiên được thành lập trong thời Đức Phật đó là tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana Vihara) ở thành Vương Xá (Ràjagriha) do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) xây dựng, và tịnh xá Kỳ Viên (Jetavena Vihara) ở thành Xá vệ (Sàvatthi) do trưởng giả Tu-đạ-đa (Anathapindika) cúng dường, đây là những trú xứ ghi đậm dấu ấn sinh hoạt của Đức Phật, Tăng đoàn và người cư sĩ áo trắng lúc bấy giờ.
Ở Việt Nam, nơi ở của người xuất gia có khi được gọi là “Già Lam”, “Tự Viện”, “Ni Viện”, “Tòng Lâm”, “Lan Nhã”, “ Thiền Viện”, “Tịnh Xá”. Nhưng Chùa là cách gọi phổ biến, bình dị nhất, thông thường nhất.
Theo sử liệu chữ Chùa có thể phát tích từ cách đọc trại của chữ stupa (Sankrit) hay thupa (Pàli) mà ra, đây là một trong những chứng tích lịch sử minh chứng cho Phật Giáo truyền vào Việt Nam rất sớm bằng con đường từ Ấn Độ. Sau đó, Việt Nam lại tiếp nhận Phật Giáo mang mầu sắc Trung Quốc. Dù đến sau, nhưng do những yếu tố tương đồng về ngôn ngữ, tập tục, văn hóa và đặc điểm lịch sử, địa lý, nên Phật Giáo Việt Nam ngày nay mang âm hưởng Hán Truyền rất sâu đậm.
Ở Trung Quốc, cơ sở Phật Giáo đầu tiên được sử liệu ghi nhận là vào thời Hán Minh Đế (năm 28-75 sau Công Nguyên) với tên gọi là Hồng Lô Tự “鸿胪寺”, chữ “Tự” có nghĩa là cơ quan, trụ sở ngoại giao của triều đình, nơi dùng để tiếp đón khách nước ngoài, giống như cơ sở ngoại giao hiện nay. Về sau, có hai vị Tăng Ấn Độ: Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan dùng ngựa trắng chở kinh từ Ấn Độ qua, Nhà vua cho xây dựng cơ sở để hai vị nghỉ ngơi và dịch kinh điển, cơ sở đó được gọi là “Bạch Mã Tự”, Bạch Mã Tự hiện nay thuộc tỉnh Hà Nam, thành phố Lạc Dương được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Trung Quốc.
Như vậy chúng ta thấy, dù ngôi chùa ở Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác, đặc tính quan trọng của ngôi chùa là nơi hoằng truyền chánh pháp đạo Phật, nơi ấy, người xuất gia có điều kiện nuôi dưỡng đời sống tâm linh, cũng là nơi tuyên thuyết giáo lý Phật Giáo, là mãnh đất lành cho cư sĩ Phật tử ươm mầm từ bi, gặt hái hoa trái giác ngộ.
Ý thức rõ tính chất cốt lõi của một cơ sở Phật Giáo, ngay từ buổi đầu 1998 Thiền Viện Minh Quang khi ấy tọa lạc tại thành phố Fairfield, trên một mảnh đất nhỏ, điều kiện còn khá đơn sơ, tình người còn khá xa lạ, nhưng HT Tăng trưởng đã thiết lập chương trình tu tập và giảng thuyết Phật pháp cho cộng đồng Phật tử Việt Nam.
Mãi cho đến năm 2005, nhân lành hội tụ, đất thơm nở đóa sen vàng, Thiền Viện Minh Quang uy nghiêm tráng lệ mang phong thái văn hóa thẩm mỹ độc đáo của Việt Nam, đã tươi nở trên mảnh đất 4000 m2 thoáng đãng tươi mát trên bầu trời Sydney nước Úc.
Điều đặc biệt đáng nói ở đây là cho dù lúc ban sơ (1998), hay khi di dời chuyển đổi về cơ sở mới (1999) hoặc là lúc tiến hành xây dựng (2003) và cho đến ngày hôm nay (2021) HT Tăng trưởng, chư Tăng cũng như cư sĩ Phật tử vẫn một lòng kiên định với chương trình tu tập thiền tọa, sám hối, thọ Bát Quan Trai và thuyết giảng… xem thời khóa tu tập là yếu tố quan trọng, là nhựa sống làm nên sự mầu nhiệm.
Nếu ngôi trường là nơi truyền thụ những kỹ năng tri thức, để con người có đủ khả năng khéo léo, điêu luyện làm việc, cũng như phát minh kiến tạo làm giàu đời sống vật chất cho bản thân, gia đình và xã hội, thì Thiền Viện Minh Quang có thể được xem là nơi giáo dục tâm linh. Nơi ấy, người Phật tử có thể hun đúc, tôi luyện, từng bước chuyển hóa và làm thăng hoa đời sống tinh thần của chính mình. Nơi ấy, người Phật tử sẽ được cụ bị những nền tảng căn bản đạo đức, được vun bồi và nuôi dưỡng những chất liệu văn hóa tình người, làm phong phú đời sống tâm linh, có khả năng chuyển hóa những nội kết não phiền, hướng đến đời sống thanh cao thánh thiện cho bản thân, làm thăng hoa hạnh phúc gia đình và làm đẹp cho nhân quần xã hội. Thật xứng tầm với:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
Nhìn lại dòng Phật sử, có những thời kỳ Đạo Phật suy vi, ngôi chùa đánh mất đi tính chất căn bản của mình, đó cũng là lúc nhân tình ly tán, cộng đồng làng xã băng hoại “ chùa tan thì làng mạt”. Ngược lại, khi nào ngôi chùa còn giữ gìn đặc tính tốt đẹp của chính mình, sinh hoạt của chùa còn biểu lộ và truyền tải âm hưởng của chánh pháp, thì khi đó đạo đức hiền thiện của con người sẽ được phát huy, cộng đồng xã hội sẽ phồn vinh.
Cũng chính vì ý thức rõ nguyên lý đó, ngay từ buổi đầu khi thành lập Thiền Viện Minh Quang Sydney, hoặc sau này mở thêm ba cơ sở mới tại Tây, Nam Úc và Brisbane, dù mỗi nơi điều kiện đời sống và nhân sự mỗi khác, nhưng vẫn chung nhau một nếp sinh hoạt là chú trọng vào đời sống tâm linh, duy trì và phát huy những nền tảng sẵn có, tạo điều kiện cho tăng ni và cư sĩ Phật tử có môi trường học hỏi chánh pháp, tư duy chánh pháp, thực hành chánh pháp và phụng sự chánh pháp.
Lịch sử cho ta kinh nghiệm, muôn việc khó khăn ngay nền tảng buổi đầu, nhưng giữ gìn và phát huy lại càng khó khăn gấp vạn bội. Mười năm chỉ là 1/10 của đời người, so với công trình tâm linh ngàn năm cũng chẳng đáng là bao, càng không thể sánh với lộ trình diệu vợi trên con đường tìm về bến giác. Kiên trì tu tập, hoằng pháp và phụng sự chánh pháp trong 10 năm âu cũng chỉ là hạt cát trên sa mạc mênh mông, và thành tựu trước mắt cũng chỉ là những hoa thơm trái ngọt đầu mùa, mà chư Tăng ni và Phật tử Thiền Viện Minh Quang đã đồng tâm, đồng lực, đồng lòng vun phân tưới nước.
Sen vàng đã tươi nở rạng ngời trên đất khách, nhưng linh hồn và hương sắc của nó có được trường tồn trước dòng biến thiên khắc nghiệt của lịch sử, cũng như sự đổi thay vô thường của lòng người để mãi tỏa rạng thơm tho hay không? Điều đó, tất cả người con của Thiền Viện Minh Quang cần ý thức hơn ai hết.
Tỷ Khưu Minh Hội