Hạnh phúc là gì? Định nghĩa chuẩn mực về Hạnh phúc là gì? … luôn là câu hỏi lớn mà lịch sử loài người hiếm ai tìm ra đáp số. Hơn 2500 năm trước, động cơ khơi nguồn Thái tử Siddhatha thực hiện chí xuất trần thượng sĩ cũng được phát nguyện từ mục đích tìm cầu đáp án về hạnh phúc này.
Làm sao cho con trẻ mãi không già
Làm sao cho con sống hoài không chết
Làm sao cho con mạnh mãi không đau
Làm sao cho mọi người hết khổ.
Hẳn nhiên bốn vấn đề trọng đại ở trên có thể là những câu hỏi quá xa vời vợi với đa số người, nhưng chính những câu hỏi này lại là bước ngoặc trọng đại, mở cánh cửa hạnh phúc bất tử cho nhân loại, mà hiện nay trên thế giới hàng hàng lớp lớp Tăng Ni và Phật tử đang tiếp tục dấn thân tiếp bước.
Thông thường ai cũng muốn mình có cuộc sống hạnh phúc, và bi kịch lớn nhất của loài người là ngộ nhận về điều kiện tác thành hạnh phúc. Đại đa số con người thường ngộ nhận, tôi được hạnh phúc là khi tôi đạt được, tôi sở hữu một cái gì đó. Và tiêu chuẩn hạnh phúc được đo lường theo số lượng danh sắc mà cá nhân con người sở hữu. Sở hữu càng nhiều thì hạnh phúc càng nhiều! Từ đó hình thành tâm lý sung sướng khi được nhận, và hiếm khi vui mừng lúc mình cho đi.
Hạnh phúc do vật chất hay tinh thần tác thành cũng đều thuộc loại hạnh phúc có điều kiện, chính vì vậy nó rất mong manh và dễ vỡ, đó là thứ hạnh phúc ràng buộc con người cả cuộc đời. Là thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, vì mình và chỉ cho mình.
Mặt khác, cũng chính vì trầm mịch và thõa mãn với những hạnh phúc mong manh, nên trong cuộc đua tìm cầu những điều kiện hạnh phúc, hiếm khi con người chịu dừng bước du lãng, để nhận ra tính bức thiết của những vấn đề mà Thái tử Siddhatha đưa ra.
Hiện nay, thời đại khoa học kỹ thuật, điều kiện phục vụ cuộc sống của con người ngày một phong phú, con người dựa vào máy móc để khiến cuộc sống thêm phần tiện nghi: xe hơi, nhà cao tầng, máy giặt, máy điều hòa, máy rửa chén vv… nhưng mâu thuẫn cũng từ tiện nghi mà ra. Hằng ngày mọi người đi làm bằng xe hơi để đến chỗ làm nhanh hơn, ăn fastfood để đỡ mất thời gian, giặt đồ bằng máy để khỏi tốn sức và tiết kiệm thời gian vv… nhưng mỗi ngày lại uống thuốc giảm cân và thậm chí mua máy chạy bộ tại nhà.
Công nghệ thông tin phát triển thu nhỏ cự ly giữa mọi người trên thế giới, trong tích tắc hai người ở hai đầu trái đất có thể liên lạc với nhau, nhưng những thành viên trong một gia đình lại không thể câu thông với nhau. Một trong những điều kiện khiến cho bi kịch xã hội không ngừng gia tăng chính là do cuộc sống loài người tất tần tật đều giao sinh mạng mình cho điều kiện vật chất máy móc hiện đại.
Phật giáo phân tách con người là tổng hợp của thân tâm, nhưng tất cả những thứ kể trên chỉ là giúp hoặc nuôi sống phần thân thể, và như vậy con người thiếu thốn những dưỡng chất cho tâm hồn. Những nghịch lý từ cuộc sống hiện đại dần dần xuất hiện khiến con người mất phương hướng. Nhưng sự ràng buộc từ đời sống hiện đại đã tước dần sự tự chủ, tự lập vốn có của nhân loại, hoặc khiến cho đời sống của nhân loại mất cân bằng giữa thân và tâm, nói cách khác, phương tiện phục vụ cho thân thể con người quá dồi dào, nhưng phương tiện để phục vụ cho tâm con người lại quá nghèo nàn. Tu tập theo Phật giáo là phương thức sống, khiến thân tâm cân bằng, hài hòa xã hội. Chẳng hạn như, trước đây người ta có thể thấy nhan nhãn những trung tâm thể dục thể hình, thẩm mỹ viện để chỉnh sửa nhan sắc, bây giờ Phật giáo sẽ giúp cho thế giới cân bằng bằng cách kiến tạo thêm trung tâm thể dục cho tâm linh, đó là chùa chiền và các trung tâm tu Thiền, đó là cách sống chậm để hưởng thụ từng giây phút thực tại nhiệm mầu, đó là cách sống tiếp cận với tâm tư, với hơi thở. Đây chính là phương thức sống hài hòa thân tâm, người và vật.
Điều để nhận biết là đạo Phật không chỉ giúp con người nhận thức tinh tế về chính mình mà còn giúp con người nhận thức về thế giới rõ ràng hơn, ở đó con người không phải là trung tâm của vũ trụ, mà còn có thế giới hữu tình và vô tình khác. Con người cần phải sống hài hòa thậm chí với thiên nhiên, mối quan hệ giữa y báo và chánh báo là thể thống nhất. Mưa, nắng, lạnh, nóng … vạn vật dường như vô tình mà lại liên đới mật thiết với con người. 10 ngày Kiết Đông, thiền viện Minh Quang, thời tiết mưa nắng đột ngột đổi thay một cách mầu nhiệm, rất thích hợp cho khóa Hạ là một minh chứng hùng hồn cho sự tương quan giữa ta với tất cả.
Mỗi năm, chư thiền đức Tăng Ni đều dành một khoảng thời gian cố định, để có dịp đi sâu về đời sống tâm linh, tiếp thêm năng lượng tinh thần, soi sáng tuệ tâm, từng bước tìm ra bốn đáp án mang tính bất tử mà thuở xưa thái tử Siddhatha đã đặt ra. Và chính trên con đường tìm cầu những câu hỏi lớn đó, chúng ta sẽ nhận ra vô số chân giá trị của đạo Phật về nhân sinh quan và thế giới quan. Từ đó, đứng trước những điều kiện phiền tạp và tốc độ quay chóng mặt của điều kiện bên ngoài, người học Phật chẳng những không bị cuốn hút theo hấp lực số đông mà còn tuệ tri, liễu đạt những hoàn cảnh chung quanh, đồng thời nhẹ nhàng, thong dong, vững chãi thảnh thơi trong cuộc sống.
TK. Thích Minh Hội